Cổ phiếu thuỷ sản, dệt may “ăn mừng” với “bữa tiệc EVFTA”
Trong phiên giao dịch sáng nay (26/6), mặc dù vẫn trải qua rung lắc khá mạnh, song VN-Index vẫn đạt được mức tăng 2,1 điểm tương ứng 0,22% lên 962,23 điểm trong bối cảnh thanh khoản cải thiện mạnh mẽ. HNX-Index tiếp tục giằng co, ghi nhận tăng khiêm tốn 0,05 điểm tương ứng 0,04% lên 104,2 điểm.
Trên quy mô thị trường có 276 mã tăng, 32 mã tăng trần so với 242 mã giảm và 28 mã giảm sàn. Như vậy, mặc dù đạt được trạng thái tăng điểm, tuy nhiên bức tranh thị trường vẫn chưa thật sự bền vững.
Thanh khoản trên sàn HSX tăng đột biến với 158 cổ phiếu được giao dịch sáng nay tương ứng 3.303,69 tỷ đồng. Con số này trên HNX có cải thiện so với những phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp, đạt 12,82 triệu cổ phiếu tương ứng 149,17 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường lình xình, cổ phiếu của một số ngành vẫn tăng giá mạnh nhờ thông tin tích cực về triển vọng EVFTA |
Cổ phiếu ngành thuỷ sản và dệt may bật tăng mạnh ngay sau thông tin Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ được ký kết vào cuối tuần này (30/6). Đây được cho là những ngành lập tức được hưởng lợi sau khi hiệp định này được thông qua.
VHC của Tập đoàn Thuỷ sản Vĩnh Hoàn tăng 1.500 đồng lên 87.500 đồng/cổ phiếu; MPC của thuỷ sản Minh Phú tăng 1.000 đồng lên 33.300 đồng; ANV của Nam Việt tăng 1.200 đồng lên 27.300 đồng. FMC, ACL, CMX cũng tăng giá…
Các cổ phiếu ngành dệt may như STK cũng tăng mạnh 600 đồng tương ứng 2,55% lên 24.100 đồng; TCM tăng 850 đồng tương ứng 3,13% lên 28.000 đồng; TNG tăng 1.000 đồng tương ứng hơn 5% lên 20.700 đồng/cổ phiếu…
Theo Uỷ ban châu Âu, EVFTA sẽ loại bỏ phần lớn tất cả các dòng thuế giữa EU và Việt Nam. Hiệp định sẽ loại bỏ thuế cho 65% giá trị xuất khẩu từ EU sang Việt Nam khi FTA chính thức có hiệu lực, với các dòng thuế còn lại sẽ dần được loại bỏ trong vòng 10 năm tiếp theo. Trong khi đó, 71% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế khi EVFTA chính thức có hiệu lực, sau đó dần tăng lên 99% trong vòng 7 năm tiếp theo.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận xét, EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 17% xuất khẩu và 6% nhập khẩu. Với EVFTA, Việt Nam có thể sẽ có thêm cơ hội trong thị trường EU đối với xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại di động và phụ kiện, điện tử/máy tính, dệt và may mặc, giày dép, thủy sản, trái cây, rau quả và sản phẩm nhựa, khi phần lớn các dòng thuế của các sản phẩm này sẽ được loại bỏ ngay lập tức vào ngày hiệp định có hiệu lực.
Mặt khác, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí đầu vào khi phần lớn dòng thuế quan của máy móc và thiết bị nhập khẩu từ EU sẽ được cắt bỏ ngay lập tức, tuy nhiên vẫn có thể đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ EU trong một vài sản phẩm khác.
VCSC kỳ vọng hiệp định thương mại này sẽ thắt chặt mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, cũng như khuyến khích thêm các dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng.
Thông tin có tác động không mấy tích cực cho thị trường sáng nay đó là việc Morgan Stanley Capital International (MSCI) công bố kết quả phân loại định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới song không nhắc tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) năm nay.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 14/11: Tỷ giá tăng mạnh, nhiều ngân hàng lãi lớn
-
Tin Thị trường: Bất ổn ở Trung Đông vẫn là yếu tố chính quyết định giá dầu
-
Cần những kỹ năng nào để làm việc trong môi trường đa văn hóa?
-
Adnoc gas dự báo nhu cầu khí toàn cầu tăng mạnh mẽ
-
Shell và Equinor kháng cáo các dự án dầu khí của Anh tại Biển Bắc