Cổ phiếu ngân hàng vẫn bị ám ảnh vụ “bầu” Kiên
Mã cổ phiếu ngân hàng vẫn đang mất giá mạnh so với thời điểm 20/8/2012.
Ngày 21/8/2012, khi thông tin Nguyễn Đức Kiên (hay “bầu” Kiên) bị bắt được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thị trường chứng khoán (TTCK) tràn ngập sắc đỏ. Một loạt mã chứng khoán vốn dĩ đang trên đà tăng và được đặt kỳ vọng sẽ tạo ra những kỷ lục mới bỗng quay đầu giảm giá không phanh.
Ghi nhận trên thị trường chứng khoán tại thời điểm “bầu” Kiên bị bắt cho thấy, vốn hóa thị trường của HOSE và HNX đã mất tổng cộng hơn 65 ngàn tỉ đồng. Đặc biệt, ngay trong buổi sáng ngày 21/8/2012, cổ phiếu của một loạt ngân hàng rớt giá thảm hại và kéo theo đó là làn sóng bán tháo của giới tư với những mã EIB (mã chứng khoán của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank), STB (mã chứng khoán của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank)…
Và 1 năm sau “ngày đen tối” đó, những dư chấn từ vụ “bầu” Kiên lên cổ phiếu của nhiều ngân hàng vẫn đang trong quá trình “khắc phục”.
Chịu tổn thất nặng nề nhất trong số này phải kể đến cổ phiếu ACB – mã chứng khoán của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Tại thời điểm hiện tại (ngày 22/8/2012), giá cổ phiếu ACB là 15,6 ngàn đồng/cổ phiếu, trong khi mức giá của nó ngày 20/8/2012 là 24,6 ngàn đồng/cổ phiếu. Như vậy, 1 năm sau sự kiện Nguyễn Đức Kiên, cổ phiếu ACB mất 37% giá trị.
Tiếp đó là EIB khi giá cổ phiếu của Eximbank đã giảm từ 19,1 ngàn đồng/cổ phiếu vào ngày 20/8/2012 xuống còn 14,3 ngàn đồng/cổ phiếu (ngày 22/8/2013). Như vậy, giá cổ phiếu EIB đã mất 25,1%.
Còn với STB, mã chứng khoán của ngân hàng Sacombank cũng giảm mạnh từ mức 19,5 ngàn đồng/cổ phiếu (ngày 20/8/2012) xuống còn 16,9 ngàn đồng/cổ phiếu (ngày 22/8/2013).
Đó chỉ là một trong số rất nhiều mã cổ phiếu vẫn đang hứng chịu dư chấn từ vụ “bầu” Kiên và nó cho thấy “ẩn họa” của hiện tượng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nó “nguy hiểm” đến mức nào. Vụ án Nguyễn Đức Kiên đã dần đi đến hồi kết với việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố Kiên và các đồng phạm liên quan. Bên cạnh đó, những thiệt hại mà Kiên và đồng phạm gây ra cho ACB cũng đã được chỉ rõ.
Tuy nhiên có một điều là những thiệt hại trên thị trường, của giới đầu tư… là không thể tính được. Chỉ cần nhìn vào con số hơn 65 ngàn tỉ đồng “bốc hơi” khỏi TTCK trong 3 phiêu giao dịch sau thông tin Kiên bị bắt cùng hiện tượng bán tháo cổ phiếu của một loạt mã chứng khoán vốn trước đó đang tăng trưởng mạnh thì có thể thấy, con số thiệt hại đó không hề nhỏ.
TTCK được xem là một trong những kênh huy động vốn quan trọng bậc nhất của nền kinh tế và thực tế trong những năm qua, TTCK đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy, sự đi xuống của TTCK cũng tạo lên những ảnh hưởng nhất định tới thị trường vốn của nền kinh tế, làm tổn thương tâm lý của nhà đầu tư…
Thanh Ngọc