Có cho vay đảo nợ trong hệ thống ngân hàng?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho biết: Các đơn vị nghiệp vụ của NHNN đang tổng hợp, thống kê các ngân hàng có dư nợ tín dụng phi sản xuất không đạt 22% đến ngày 30/6 để công khai danh tính cho báo chí và công chúng. Trước đó, tính đến ngày 20/6 trên toàn hệ thống còn 23 ngân hàng có dư nợ tín dụng phi sản xuất từ mức 23% đến 50%. Một thực tế là, trong vòng 10 ngày các ngân hàng có dư nợ tín dụng phi sản xuất cao, đặc biệt xấp xỉ 50% khó có thể cán đích 22%. Vậy, những ngân hàng đó có cho vay đảo nợ để đạt được mục tiêu của NHNN?
Một chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, những ngân hàng trên không thể cho vay đảo nợ bởi bản chất của đảo nợ là không thay đổi tính chất của thành phần vay, nghĩa là vẫn cho vay phi sản xuất. “Đảo nợ chỉ nhằm che giấu nợ quá hạn nên thực tế các ngân hàng trên không thể cho vay đảo nợ”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Liên Việt cho rằng, vay đảo nợ là một vấn đề không dễ dàng. Nhìn chung, để đưa tỉ trọng phi sản xuất xuống các ngân hàng chủ yếu dùng các biện pháp như: Tăng cho vay sản xuất hay cơ cấu lại nợ, thu nợ trước hạn và bán lại nợ.
Cũng đồng quan điểm trên, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho rằng, các ngân hàng buộc phải tái cơ cấu lại danh mục cho vay chứ không đơn thuần chỉ là đi thu hồi nợ các khoản nợ cũ. Có nhiều cách để giải quyết việc này: Một là, kiểm soát chặt cho vay mới; Hai là, tăng quy mô dư nợ lên để tỉ trọng giảm xuống; Ba là, cơ cấu lại những khoản vay cũ.
Một lãnh đạo của OceanBank cho rằng khi ngân hàng thẩm định và kiểm soát chặt chẽ trong cấp tín dụng, đảo nợ không có cơ hội thực hiện. Việc đi vay để trả nợ trong khi nguồn trả nợ không có thực giống như con rắn tự cắn đuôi mình. Trong trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp phi sản xuất vay để đảo nợ cũng không dễ dàng thay đổi được mục đích vay.
Trong một tương quan khác, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho rằng, có tình trạng cho vay đảo nợ ở các ngân hàng. Vị lãnh đạo trên ví dụ, một doanh nghiệp vay tín dụng phi sản xuất của ngân hàng A nhưng không có doanh thu để trả được nợ trong khi với quy định của NHNN nên ngân hàng A buộc phải đưa tín dụng phi sản xuất về 22% nên ngân hàng A ráo riết đi đòi. Do vậy, doanh nghiệp quay sang vay của ngân hàng B vẫn còn hạn mức cho tín dụng phi sản xuất hoặc doanh nghiệp báo là vay dành cho sản xuất.
Đồng quan điểm trên, một chuyên gia ngân hàng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài cho rằng: Đảo nợ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa và thực hiện theo nhiều cách. Không những chỉ là đảo nợ xấu thành nợ tốt, nợ cũ thành nợ mới, nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn, nói chung là tái cơ cấu nợ, mà còn bao gồm cả những biện pháp cực đoan như một món nợ mới lập ra để trả một món nợ cũ dưới danh nghĩa của cùng một người đi vay.
Theo cách này, một ngân hàng có thể chuyển hóa một khoản nợ tín dụng phi sản xuất thành một món cho vay phục vụ sản xuất nếu được sự đồng ý của người đi vay và món nợ mới đủ tiêu chuẩn để được phê duyệt như một món nợ phục vụ sản xuất. Đảo nợ cách này chỉ là vấn đề hình thức, kiểu “bình mới rượu cũ” và có thể thực hiện trong một thời gian rất ngắn. Do vậy, mọi việc đều có thể xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước.
An Phú