Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Tập Cận Bình - Hợp tác hay cạnh tranh?
Có thể nói quan hệ Trung - Ấn là chặng đường dài và khá nhiều trắc trở. Theo Diệp Hải Lâm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á thuộc Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Viện khoa học xã hội Trung Quốc thì người Trung Quốc thực ra không quá coi Ấn Độ là nước láng giềng chủ chốt hoặc quan trọng, phương hướng chính về ngoại giao của Trung Quốc là phương hướng trên biển, thách thức chính của ngoại giao Trung Quốc đến từ Mỹ. Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Mỹ, làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở Hong Kong, kinh tế suy thoái cũng như hàng loạt vấn đề trong nước khác, việc ổn định được mối quan hệ với một láng giềng lớn như Ấn Độ là điều quan trọng để Bắc Kinh có thể tập trung xử lý các vấn đề cấp bách hơn.
Đối với Ấn Độ, quốc gia này đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế suy yếu. Cải thiện quan hệ với Bắc Kinh có thể giúp New Delhi tháo gỡ những khó khăn nội tại nhờ có sự tiếp cận lớn hơn thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Điều này cũng thể hiện New Dehli duy trì chính sách "tự chủ chiến lược," tránh bị chi phối bởi các mối quan hệ khác, đặc biệt với Mỹ dưới thời một Tổng thống Donald Trump khó đoán định.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí cần xem xét cách thức tăng cường tương tác song phương để phản ánh vai trò gia tăng của hai nước này trên trường quốc tế. Sự hợp tác Trung-Ấn tập trung phần lớn vào lĩnh vực kinh tế, thương mại và cố né tránh những vấn đề nhạy cảm có thể trở thành những “ngòi nổ” trong quan hệ hai nước.
Hai bên cũng quyết định thiết lập cơ chế Đối thoại kinh tế và thương mại cấp cao, với mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại cũng như tạo sự cân bằng lớn hơn trong thương mại giữa hai nước. Tuyên bố chung với hàng loạt những cam kết cho thấy sự đồng thuận của hai bên dường như đã thể hiện một kết quả thành công của hội nghị thượng đỉnh song phương chính thức lần 2.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định hợp tác Trung-Ấn chưa bao giờ đơn giản như phát ngôn của các nhà lãnh đạo.
Với thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc năm 2018 lên tới gần 58 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng số thâm hụt thương mại của Ấn Độ, trong khi thương mại với Trung Quốc chỉ chiếm 10% tổng thương mại của New Delhi, vấn đề không dễ giải quyết chỉ bằng những tuyên bố.
Cho đến thời điểm này, Ấn Độ vẫn từ chối tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc - chương trình đầu tư và phát triển hạ tầng do Trung Quốc chủ đạo với nhiều dự án đi qua những vùng lãnh thổ mà cả Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc dường như khó có được lựa chọn khác. Sự lớn mạnh của Ấn Độ ở khu vực và thế giới đã tạo thế kiềng bốn bên Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc và vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ trong nền kinh tế thế giới đã khiến Trung Quốc dù muốn cũng không thể làm ngơ mối quan hệ này.
Tháng 9 năm 2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa ôm Tổng thống Nga Putin ở Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok và gọi Putin là bạn thân thì cuối tháng 9, ông Narendra Modi lại tay trong tay với Tổng thống Trump ở Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Thủ tướng Modi đã gặp gỡ CEO của 17 tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ, Ấn Độ và Mỹ lên kế hoạch đẩy mạnh Chiến lược Hợp tác Năng lượng, được khởi động tại New Delhi tháng 4/2018 và sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại năng lượng và đầu tư giữa 2 nước, năng lượng đã trở thành cầu nối trong quan hệ Mỹ - Ấn.
Trong khi đó quan hệ Trung - Ấn đầy rẫy những bất đồng. Vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc chưa bao giờ “sóng yên biển lặng”. Vấn đề lớn hơn giữa hai bên là sự lựa chọn đường lối chiến lược của 2 nước trong khoảng 20 năm trước: Trung Quốc mong muốn trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn mạnh đối với khu vực xung quanh, Ấn Độ cũng đang tranh giành quyền chủ đạo đối với khu vực xung quanh.
Ấn Độ là thách thức chính trong phương hướng chiến lược thứ yếu của Trung Quốc. Phương hướng chiến lược chủ yếu của Trung Quốc vẫn là trên biển, cái gọi là “kết nối bốn biển” chính là Biển Đông, Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan.
Trung Quốc thông qua hiệp thương đã đưa Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM) ở vịnh Bengal vào phạm vi của “Vành đai và Con đường”, đây là sự không tôn trọng đối với Ấn Độ.
Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng thì Ấn Độ và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là nước nhập khẩu dầu, LNG và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Nếu như Trung Quốc là nước tiêu dùng năng lượng lớn nhất, chiếm tới 24% tiêu dùng của cả thế giới thì Ấn Độ là nước đứng thứ ba. Theo IEA, năm 2040 người tiêu dùng Trung Quốc sẽ sử dụng năng lượng gấp đôi so với hiện nay thì Ấn Độ cũng chiếm tới 30% mức tăng toàn cầu trong nhu cầu sử dụng năng lượng. Hơn nữa việc Trung và Ấn đều nhập khẩu nhiên liệu từ cùng khu vực Trung Đông, Bắc Phi sau đó là Đông Á và Thái Bình Dương khiến cho cạnh tranh càng gay gắt hơn.
Trung - Ấn cũng cạnh tranh gay gắt trong việc tìm kiếm nguồn cung thông qua mua bán tài sản dầu khí. Ví dụ như thương vụ mua mỏ dầu ở Angola, Trung Quốc đã đẩy giá lên tới 2 tỷ USD trong khi Ấn Độ trả giá 600 triệu USD. Hay năm 2013 ONGC của Ấn Độ đã mất cơ hội mua mỏ Kashgan của Kazakhxtan vào tay Trung Quốc. Cạnh tranh cũng đẩy giá dầu lên cao, OPEC năm 2018 đã đẩy giá từ 30$/thùng lên 80$/thùng.
Chiến lược năng lượng trong sáng kiến Một vành đai một con đường của Bắc Kinh đã làm tăng mối quan ngại của Ấn Độ. Trung Quốc với mục tiêu đảm bảo con đường hàng hải phục vụ thương mại, vận chuyển năng lượng đã tăng cường kiểm soát Tuyến đường hàng hải huyết mạch qua các cảng Gwadar của Pakistan, Hambantota của Sri Lanka, và Kyaukpyu ở Myanmar. Trong khi đó 95% tổng trị giá thương mại của Ấn Độ cùng với 80% dầu thô nhập khẩu và 60% LNG đi qua Ấn Độ Dương, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc đã khiến các quốc gia Nam Á ngày càng bị phụ thuộc về chính trị và kinh tế, trong đó có Ấn Độ.
Mặc dù năm 2018 Ấn Độ và Trung Quốc đã thành lập Câu lạc bộ mua dầu thô OBC và lập Tổ công tác chung về năng lượng năm 2019 với mục đích hợp tác vì lợi ích chung của hai quốc gia nhưng những mâu thuẫn kinh tế, chính trị, về lãnh thổ, nguồn tài nguyên và trên hết là hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển Ấn Độ Dương là những thách thức chiến lược đang cản trở hợp tác Trung - Ấn.
Ngọc Linh
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng
-
Nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn