Chuyện ông lão ngồi bên hồ bện “rác nilon" thành... đồ lưu niệm
Đôi bàn tay đầy những vết cứa ngang dọc thoăn thoắt xe nilon thành những sợi cước nhỏ. Ông là Lê Văn Thêm, năm nay 60 tuổi, sống độc thân ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, ông cùng chiếc xe đạp cà tàng đến "nơi làm việc" là một gốc cây bên đường Thanh Niên, gần hồ Trúc Bạch. Một chiếc bơm tay, một chiếc cặp nhỏ đựng vật dụng sửa chữa xe đạp, xe máy là những đồ nghề để ông kiếm sống qua ngày.
Mỗi khi vắng khách bơm vá, ông Thêm lại ngồi làm những con vật từ túi nilon
Những lúc không có khách, chẳng biết làm gì giết thời gian, ông Thêm lại đi nhặt những túi nilon, đồ cũ vứt quanh hồ vừa để làm sạch cảnh quan, vừa xem có tận dụng làm gì được không.
Từ những vật dụng tưởng chừng bỏ đi ấy, đặc biệt là những túi nilon đã ông mày mò sáng tạo ra những con vật nhỏ với đủ loại hình thù đẹp mắt, vừa có thể làm đồ lưu niệm, vừa có thể bán lấy tiền và góp phần bảo vệ môi trường.
Tỉ mẩn làm từng công đoạn
Ngồi vuốt từng sợi nilon ông Thêm cho biết: Vốn là người sống một mình, không vợ con. Hồi thanh niên ông theo học Trường Đại học Bách khoa nhưng đến năm thứ 3 phải bỏ dở giữa chừng vì nhiều lý do rồi làm đủ thứ nghề từ mây tre đan… đến sửa chữa điện tử. Năm 2000 mắt kém thì ông chuyển sang nghề bơm vá xe đạp, xe máy. Mãi đến năm 2008, ông mới mày mò thành công để tạo ra những con vật từ túi nilon.
Để hoàn thành được một con vật từ túi nilon theo ông Thêm phải mất từ 2- 3 ngày làm bằng tay và mất khoảng nửa lạng túi mới xong. Mỗi con như vậy ông bán cho người đi đường với giá 100-150 nghìn đồng/con. Những con to và khó làm như con rồng, cá ngựa, tôm… phải mất đến 3-4 ngày giá cũng nhỉnh hơn từ 200 – 250 nghìn đồng/con. Nhiều người đi đường tỏ ra thích thú trước những con vật ngộ nghĩnh được làm từ những thứ tưởng chừng như vứt đi.
Từ đó, ông bắt đầu nhặt những túi nilon phế thải ven đường về rửa sạch phơi khô rồi tỉ mỉ nghĩ cách chế chúng: “Vốn học qua nghề mây đan nên tôi cũng có chút kinh nghiệm, mày mò tìm cách chế. Thấy tôi ôm đống túi nilon về nhiều người cười nhạt, dèm pha bảo cái đồ phế thải này còn làm được gì nữa, chỉ tội rác nhà nhưng bỏ ngoài tai tất cả tôi tin tưởng mình sẽ làm được”.
Làm thử một lần, hai lần… rồi nhiều lần thất bại cuối cùng ông có bí quyết chế từ những túi nilon bỏ đi thành hình đủ loại con vật như rồng, trâu, dê, hổ, cá… tuyệt đẹp" - ông Thêm cho hay.
Ông Thêm với một con giống vừa đan từ túi nilon phế thải
Để làm ra một con vật như vậy, cần phải có sự tỉ mỉ và khéo tay, kèm theo sự sáng tạo. Đầu tiên phân loại nilon theo màu sắc, loại túi dày mỏng rồi rửa sạch phơi khô, dùng kéo cắt những mảnh dài và nhỏ, sau đó xe lại bằng tay.
Ông vê một đầu rồi cuốn một đầu vào ngón chân, dùng tay vê tiếp rồi vuốt vuốt kéo dài đến khi sợi dây nhỏ như sợi cước “riêng công đoạn này đã mất một ngày rồi”, ông Thêm cho biết.
Tiếp đó, ông tỉ mẩn đan những sợi nilon vào nhau, tạo nên những chi tiết như mắt, mũi, miệng… với nhiều mầu sắc khắc nhau. “Để làm một con vật cần khoảng nửa lạng túi nilon. Nhưng khâu quan trọng nhất là tạo những con vật có hồn”, ông tâm sự.
Những con vật ngộ nghĩnh được làm từ rác nilon phế thải
“Khách hàng của ông chủ yếu là du khách nước ngoài, là những người đi đường. Lúc đầu tôi cũng chỉ làm cho có việc để giết thời gian, góp phần được làm sạch Hồ Tây nhưng không ngờ khách du lịch lại thích đến thế. Những khách muốn mua những con thú ngộ nghĩnh này còn phải đặt hàng trước vì làm đến đâu bán hết đến đó” - ông Thêm cho biết.
Ông cho biết, khách thường đặt làm các con vật theo năm sinh của họ, đặt đến đâu ông làm đến đó. Ngoài ra, còn có khách đặt ông những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu khác như cá, cua, tôm...; cộng với bơm vá xe, hàng ngày làm việc từ sáng đến tối mỗi tháng cũng kiếm được vài ba triệu.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông đang mang bệnh trong người, hàng tháng phải đi chạy thận ở viện cộng với những di chứng của viêm gan rồi hen suyễn. Đặc biệt, ông Thêm không lập gia đình mà ở nhờ vào gia đình đứa cháu. Hoàn cảnh khó khăn là thế nên chỉ trừ những ngày đi bệnh viện chạy thận, còn lại dù người ốm, ông cũng cố gắng ra hồ nhặt rác để làm những con vật bán kiếm tiền.
Đôi bạn trẻ thích thú với đồ lưu niệm bằng rác nilon của ông Thêm
Chúng tôi đang trò chuyện thì ông có khách đó là hai bạn sinh viên rủ nhau đến tìm mua con ngựa và con rắn để về tặng cho bố tuổi Tỵ và mẹ tuổi Ngọ. Cô sinh viên tên Nhung cho biết: “Em dự định mua đủ 12 con giáp để đem về cho những người thân trong gia đình làm vật trang trí ở gốc cây cảnh, vì con vật của bác Thêm làm từ nilon nên gặp trời mưa không bị ẩm mốc”.
Ông Thêm nói: “Tôi muốn phát triển nghề này, nghiên cứu tạo hình những thứ lơn như các lọ hoa, cây cảnh bonsai thì sẽ tiêu thụ được nhiều rác thải từ túi nilon, bảo vệ môi trường và hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay”. Đó cũng chính là dự định của một người đàn ông vẫn ngày ngày thầm lặng nhặt rác ven hồ để làm ra những vật dụng nhỏ nhưng ý nghĩa.
Nguyễn Hoan
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường