Chuyên gia nói về điểm cốt yếu trong sản xuất vắc xin Covid-19 tại Việt Nam
"Việc chuyển giao công nghệ vắc xin có thể là cơ hội lớn cho Việt Nam nếu có hướng đi đúng đắn".
"Nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vắc xin", là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong bài phát biểu sau nhậm chức vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua.
Đối với việc chuyển giao công nghệ vắc xin, ông Trần Quốc Hùng, chuyên gia từ Washington DC, Mỹ cho rằng, đây có thể là cơ hội lớn cho Việt Nam nếu có hướng đi đúng đắn. Ông Trần Quốc Hùng hiện là chuyên gia cao cấp Hội đồng Atlantic Council (Mỹ), cựu Giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
Thời gian qua, song song với việc ngoại giao vắc xin để vận động các đối tác, các nước, tổ chức quốc tế về khả năng mua và viện trợ vắc xin phòng chống Covid-19, Việt Nam đã tập trung tìm kiếm các cơ hội từ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, tiến tới khả năng có thể tự chủ. Ông đánh giá chúng ta có nhiều cơ hội với hướng đi này?
- Việt Nam nên tận dụng tìm kiếm cơ hội trước nhu cầu vắc xin rất cao trên toàn thế giới hiện nay bằng việc đẩy mạnh thương lượng hợp tác nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ với các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới, thúc đẩy họ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin tại Việt Nam - trước mắt là cung cấp cho Việt Nam và sau đó cho khu vực Đông Nam Á.
Lợi thế của Việt Nam là đã có kinh nghiệm về nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vắc xin như vắc xin cúm A/H5N1... Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận phần còn hạn chế đó là Việt Nam chưa có kinh nghiệm sản xuất các vắc xin dùng công nghệ mới như mRNA (dùng trong sản xuất vắc xin Moderna và Pfizer)… Do vậy, việc tiếp thu và sử dụng các công nghệ mới nên được tiến hành một cách cẩn trọng.
Bàn về việc tham gia chuỗi cung ứng vắc xin, một chuyên gia cho rằng cái khó nhất của công nghệ sản xuất vắc xin là công thức. Nếu có được dây chuyền thì chúng ta có thể sản xuất bất kỳ loại vắc xin nào. Trong khi đó, nhiều đơn vị không muốn phụ thuộc vào dây chuyền tại một quốc gia nhất định, nên nếu làm được, chúng ta sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị vắc xin?
- Điều quan trọng vẫn là Việt Nam có thể sản xuất đại trà các vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận. Nếu Việt Nam tự phát minh, thử nghiệm lâm sàng thành công cả ba giai đoạn rồi sản xuất vắc xin thì quá tốt.
Song việc ký hợp đồng mua quyền sản xuất từ các công ty dược phẩm hàng đầu cũng là một hướng đi. Nếu làm được như thế, Việt Nam sẽ trở thành một bộ phận trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho chương trình COVAX giúp cung cấp vắc xin cho các nước nghèo chậm phát triển.
Đạt được điều này có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt. WHO hiện đã đồng ý giúp Việt Nam thực hiện việc này và Việt Nam cần tranh thủ tối đa sự trợ giúp của WHO.
Ông nhận định rằng bài toán vắc xin là hay và quan trọng nhưng việc hợp tác nên thực hiện với các hãng hàng đầu. Hiện có đánh giá cho rằng 2 năm tới vắc xin sẽ thừa và chỉ những vắc xin hàng đầu mới được công nhận trong hộ chiếu vắc xin. Vì vậy, Việt Nam cần thấy hết tính chiến lược của các dự án này?
- Hợp tác với các công ty dược phẩm hàng đầu trên thế giới rất quan trọng vì qua đó có thể học tập và tiếp thu công nghệ và cách làm việc tiên tiến, chuyên nghiệp của họ.
Tuy nhiên, các công ty hàng đầu như Moderna hay Pfizer... đang phải quan hệ với rất nhiều đối tác khắp cả thế giới. Vì thế, họ phải đặt ưu tiên trong việc hợp tác và Việt Nam hiện nay cũng không phải dễ dàng gì để tham gia vào với giá cả chấp nhận được.
Nhưng nếu chọn các công ty "dưới hàng đầu" một chút thì cũng phải cân nhắc chọn các công ty có uy tín trên thế giới, có kinh nghiệm tốt và an toàn về sản xuất vắc xin. Không nên hợp tác với các công ty không tên tuổi… Vì như thế có nguy cơ thất bại và lãng phí cao.
Ngoài vắc xin Sputnik V, doanh nghiệp cũng đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam... Theo ông, cần làm gì để có các cơ chế, điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất vắc xin tại Việt Nam cho đối tác nước ngoài có được dây chuyền công nghệ?
- "Ngoài hai trường hợp trên, VinBioCare (Vingroup) cũng đã thương lượng với công ty Arcturus (Mỹ) để chuyển giao công nghệ vắc xin saRNA (self amplifying RNA, cụ thể là vắc xin Arct-154, tương tự như vắc xin mRNA nhưng có thể nhân ra nhiều vắc xin trong tế bào con người sau khi tiêm). Đây là công nghệ rất mới. Vắc xin Arct-154 đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1/2 ở Singapore.
Chính phủ cần làm rõ ràng khung pháp lý, nhất là việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, để công ty Việt Nam dễ thương lượng với công ty nước ngoài về chuyển giao công nghệ.
Quan trọng hơn nữa, Việt Nam cần nâng cao khả năng của Bộ Y tế để có thể thẩm tra và đánh giá chính xác, nhanh chóng độ an toàn và hiệu năng của các vắc xin mới trước khi công nhận, theo đúng quy định và trình tự đã được WHO khuyến khích và các nước trên thế giới áp dụng.
- Nhìn trong danh sách các đơn vị sản xuất vắc xin, có nhiều doanh nghiệp tư nhân nữa cũng rất muốn tham gia thị trường này. Theo ông nên xây dựng thị trường mới mẻ này theo hướng như thế nào?
- Tôi nghĩ không nhất thiết phải xác định doanh nghiệp tư nhân là trung tâm. Bất kỳ doanh nghiệp nào (tư nhân hay có vốn Nhà nước) có khả năng thì cũng có thể tham gia thị trường này.
Có nên coi việc tham gia chuỗi cung ứng vắc xin như một động lực thúc đẩy tăng trưởng? Việc kiểm soát dịch Covid-19 và bài toán tăng trưởng của Việt Nam nên tiếp tục được thực hiện, cân đối như thế nào trong bối cảnh mới, thưa ông?
- Hoạt động nghiên cứu và sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng vắc xin có lợi ích rõ ràng là vừa giúp Việt Nam nhanh chóng có đủ và chủ động trong vắc xin, vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên nên cân nhắc một số lưu ý như tôi đề cập ở trên.
Trong tình hình hiện nay, khi lây nhiễm biến chủng Delta còn cao và tỷ lệ dân được tiêm chủng còn thấp, chúng ta vẫn cần phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội thích hợp để chống lây nhiễm.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần mạnh dạn tăng bội chi ngân sách để tài trợ các chương trình yểm trợ sản xuất cần thiết và cứu trợ người nghèo để họ có thể cầm cự được với tình trạng lây nhiễm kéo dài.
Một ví dụ cụ thể là miễn phí kết nối mạng internet và điện thoại di động, nhất là cho người nghèo. Việc này có thể giúp việc chống dịch qua các ứng dụng y tế điện tử và giúp phát triển thương mại điện tử… góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam đang gấp rút thực hiện mục tiêu tiêm vắc xin cho người dân. Vậy có thể học hỏi được điều gì ở quốc tế để làm tốt chiến lược này?
- Ở hầu hết các nước, tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên rõ ràng. Trong lúc còn thiếu vắc xin, ưu tiên trước nhất nên là cho những người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và có bệnh nền vì những người này bị nhiễm bệnh, nhập viện, bệnh nặng và tử vong cao hơn hẳn những người trẻ tuổi hơn.
Tiêm những người này trước để giảm ca nhập viện, bệnh nặng và tử vong… có thể làm quá tải hệ thống y tế.
Ở một số nước, cùng lúc đó, ngoài các nhân viên y tế thì cũng ưu tiên những hoạt động trong các ngành kinh tế cần thiết mà cũng phải tiếp xúc với nhiều người.
Thứ hai, là phải tổ chức điểm tiêm ngừa rộng rãi và thoáng, không tụ tập chen chúc trong phòng ít thông thoáng để tránh trở thành ổ lây nhiễm.
Quan trọng hơn hết là phải tăng tốc độ tiêm ngừa. Cần phải tăng tốc lên đến ít nhất là 300.000 liều/ngày và ở TPHCM phải nhanh hơn thế nữa, khoảng 400.000-500.000 liều/ngày thì mới phát huy tác dụng của vắc xin giảm lây nhiễm. Ví dụ như Thái Lan đã đặt chỉ tiêu 500.000 liều/ngày nhưng chưa thực hiện được và độ lây nhiễm vẫn còn rất cao.
Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt vừa chống dịch vừa đảm bảo duy trì sản xuất?
- Theo kinh nghiệm thế giới, sản xuất hàng hóa ít bị ảnh hưởng của Covid-19 hơn so với các ngành dịch vụ, nhất là các hoạt động cần phải tiếp xúc gần với nhiều người.
Vì thế, cần thúc đẩy các hoạt động sản xuất hàng hóa mà công nhân không cần phải tụ tập gần nhau, ví dụ như giãn cách, đứng ở vị trí xa nhau trong dây chuyền lắp ráp. Đồng thời phát triển các hoạt động sản xuất tự động hóa và số hóa vừa giảm nguy cơ lây nhiễm vừa xây dựng cơ sở cho nền kinh tế số trong tương lai.
Ngoài ra cần thúc đẩy xuất khẩu để bù vào sự giảm cầu trong nước. Trung Quốc là một trong những quốc gia đã làm tốt việc này trong thời gian qua.
"2 điểm đến 1 cung đường"… là cần thiết để duy trì sản xuất. Nhưng vấn đề không phải là làm theo khẩu hiệu một cách máy móc, mà phải chú ý vào thực tế.
Một số chú ý quan trọng như các xí nghiệp phải có khả năng xét nghiệm nhanh chóng; phát hiện ai hay một nhóm công nhân bị nhiễm thì phải xử lý nhanh, tránh để lan nhiễm ra khắp xí nghiệp.
Nói chung trong bối cảnh này không còn cách nào khác phải thay đổi cách làm việc để có thể sản xuất với điều kiện giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Dù phải chấp nhận sản xuất với công suất không thể bằng như trước khi có dịch.
Nội dung: Nguyễn Mạnh
Thiết kế: Đỗ Linh
Ảnh: NVCC, Vabiotech
Theo Dân trí
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí