Chuyên gia Nga dự báo tương lai kết thúc đại dịch Covid-19
Người dân đeo khẩu trang giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát tại Đức (Ảnh: AP). |
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 25/1, nhà nghiên cứu Anatoly Altstein tại Trung tâm nghiên cứu Gamaleya (Nga) nói rằng, các đột biến của virus SARS-CoV-2 chắc chắn sẽ tăng lên, tuy nhiên mức độ nguy hiểm của chúng sẽ bắt đầu suy yếu dần.
"Đó là bản chất của virus - chúng đã xuất hiện và sẽ tiếp tục xuất hiện. Tuy nhiên, các biến chủng nguy hiểm hơn khó có thể xuất hiện. Và ở một mức độ nào đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ quyết định rằng đại dịch đang kết thúc", ông Altstein cho biết.
Chuyên gia Altstein cũng tin rằng số ca nhiễm biến chủng Omicron sẽ giảm trong vòng 2-3 tuần.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào tháng 11 năm ngoái và hiện đã lan ra hơn 150 quốc gia trên thế giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Omicron dường như gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn với những người đã tiêm chủng. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng, Covid-19 bắt đầu chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu có thể kiểm soát được như bệnh cúm mùa mà không gây ra mối đe dọa hay làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội.
Kể từ khi Omicron lần đầu tiên được phát hiện, 80 triệu ca nhiễm mới đã được ghi nhận - nhiều hơn toàn bộ số ca trong năm 2020. Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 5,5 triệu người thiệt mạng kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 và số ca nhiễm đã tăng lên mức kỷ lục do biến chủng Omicron mới.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 23/1 nói rằng biến chủng Omicron đang đưa đại dịch Covid-19 tại châu Âu chuyển sang giai đoạn mới và có thể sắp đi đến hồi kết tại khu vực này. Theo ông Kluge, khi làn sóng Omicron ở châu Âu lắng xuống, "trong vài tuần hoặc vài tháng sẽ có miễn dịch tổng thể nhờ tiêm chủng vaccine hoặc do từng mắc Covid-19, và một phần do dịch hạ nhiệt theo mùa".
Giám đốc Viện Dị ứng Quốc gia Mỹ, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cũng có nhận định tương tự, cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ hạ nhiệt thay vì bùng phát mạnh hơn ở nhiều khu vực của Mỹ. Trong khi đó, tại châu Phi, WHO cho biết, số ca Covid-19 cũng đã giảm mạnh, số ca tử vong giảm lần đầu tiên kể từ khi làn sóng Omicron đạt đỉnh.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 24/1 tuyên bố "chúng ta có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do Covid-19 và chúng ta có thể làm điều đó trong năm nay". Theo ông Tedros, để đạt được kịch bản này, các quốc gia cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19 và thuốc điều trị, đồng thời theo dõi virus và các biến chủng mới và duy trì các biện pháp hạn chế.
Trong nhiều tháng qua, WHO đã kêu gọi các quốc gia hành động nhiều hơn nữa để đẩy nhanh việc phân phối vaccine ở các nước nghèo hơn, kêu gọi tất cả quốc gia tiêm vaccine cho ít nhất 70% dân số vào giữa năm nay. Ông Tedros cho biết, một nửa trong số 194 quốc gia thành viên của WHO không đạt mục tiêu tiêm vaccine cho 40% dân số vào cuối năm 2021 và 85% người dân ở châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine nào.
Theo Dân trí
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo