Chuyên gia: Bộ Tài chính đừng tham vọng đánh thuế tài sản với ô tô, tàu thuyền
Bộ Tài chính đang cân nhắc và lấy ý kiến việc đánh thuế tài sản với tàu bay, ô tô và du thuyền. |
Phát biểu tại Hội thảo Khả năng áp dụng và tác động của Luật thuế Tài sản ở Việt Nam sáng nay (12/12), PGS TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, Bộ Tài chính không nên tham vọng đánh thuế động sản như tàu thuyền, ô tô... vì thực tế rất ít quốc gia đánh thuế vào các tài sản này.
“Chỉ nên đánh thuế tài sản với các bất động sản để đúng triết lý đánh thuế. Nếu đánh thuế tài sản với tàu, thuyền, ô tô là phi lý vì những tài sản này mất giá theo thời gian”, TS Vũ Sỹ Cường nói.
Theo TS Vũ Sỹ Cường, việc đánh thuế tài sản "cực kỳ phức tạp và rất khác nhau giữa các nước" do hệ thống thuế phải thiết kế theo một số nguyên tắc như: dễ thực thi, tính hiệu quả,…
"Trừ Nhật Bản, rất ít nước gọi là thuế tài sản còn lại đều gọi là thuế đất đai, thuế sở hữu tài sản hay thuế liên quan tới tài sản", ông Cường nói và cho rằng tính khả thi của sắc thuế này tại Việt Nam là thấp.
Ông Cường cho biết, các nước giàu thu được thuế tài sản bởi tính đồng thuận của xã hội cao nhờ sự minh bạch và tính giải trình trong cả thu và chi tại các nước này rất cao. Trong khi đó, Việt Nam dù chưa có luật thuế có tên là thuế tài sản nhưng đã có nhiều luật thuế liên quan như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế đất phi nông nghiệp, thuế đăng ký trước bạ…
TS Nguyễn Việt Cường dẫn nghiên cứu về đề án tác động của thuế tài sản lên hộ gia đình cho biết, nếu mức đóng thuế từ 2-5 triệu đồng/năm thì khả năng chi tiêu của người dân giảm đi. Trong dài hạn, về mặt phúc lợi, nếu chính quyền địa phương đầu tư tốt vào hạ tầng thì sẽ tác động tốt. Tuy nhiên, việc thu nhập giảm sẽ khiến cắt giảm chi tiêu, một số hộ nghèo sẽ rơi vào cận nghèo và có thể cắt giảm cả chi tiêu cho sản phẩm thiết yếu như lương thực.
"Thuế tài sản được xem là cú sốc về mặt tiêu dùng khi tất cả các hộ nằm trong phạm vi chịu thuế", ông Cường cho biết.
Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cũng cho rằng, tài sản trong quá trình hình thành đã chịu nhiều loại thuế. Do đó, nếu tiếp tục đánh thuế tài sản, mà lại đánh hàng năm sẽ không hiệu quả, không hợp lý và không có cơ sở, gây méo mó nguyên lý đánh thuế.
“Không nên dễ dãi đưa ra một luật thuế vì phải xác định rõ ràng việc đánh thuế tài sản này là để điều chỉnh hành vi hay tăng thu cho địa phương?", ông Thành nói và kiến nghị Chính phủ cần tập trung vào cách xây dựng cơ chế thu và cách sử dụng nguồn thu đó như nào theo thông lệ quốc tế.
"Nên tập trung vào thuế địa phương để đẩy mạnh quy hoạch khu dân cư theo tốc độ phát triển. Thuế tài sản muốn lâu bền thì phải tránh trùng với thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ. Cùng với đó, cần tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp trong cả thu và chi để người dân biết, từ đó mới không vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng, cần phải xem gốc gác vấn đề thêm luật thuế, thêm sắc thuế mới. "Nếu chi tiêu chưa tiết kiệm thì không thể đưa ra luật thuế hay sắc thuế mới được. Đây là gốc lõi nhất về cân đối thu chi ngân sách của chúng ta”, ông Thành nói thêm.
TS Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bình luận: "Việt Nam hướng tới là thuế nhà đất và tài sản trên đất. Mục đích đánh thuế là quan trọng nhất nhưng đưa vào thực thi thì phải rõ ràng. Theo tôi, thời gian qua Bộ Tài chính, Chính phủ khá loay hoay khi xác định mục đích đánh thuế".
Theo ông Thế Anh, ban đầu Bộ Tài chính đưa ra mục tiêu là tái phân phối của cải, chống tham nhũng… nhưng chưa chắc chắn. "Cái yếu là chúng ta thiếu hệ thống giám sát đối với chi tiêu từ các khoản thuế mà Chính phủ thu. Theo tôi nếu áp dụng thì Việt Nam phải áp dụng rõ thu để làm gì, ai hưởng và người dân tham gia giám sát như nào thì mới nhận được đồng thuận hơn", ông Thế Anh nói.
Theo Dân trí
Luật thuế tài sản nhắm vào đối tượng nào? Tại hội thảo Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt nam do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức đã thẳng thắn nhấn mạnh: “Tôi đồng ý về chủ trương nhưng không đồng ý thực hiện”. |
-
Tin tức kinh tế ngày 27/9: Đề xuất 3 ngưỡng không phải chịu thuế giá trị gia tăng
-
Tin tức kinh tế ngày 16/9: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cao nhất trong 12 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 10/9: Việt Nam có thêm 1,4 triệu tài khoản chứng khoán sau 8 tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 31/8: Xuất khẩu rau quả tăng trên 30%
-
Tin tức kinh tế ngày 30/8: Thị trường bán lẻ có dấu hiệu phục hồi
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (17/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Hà Nội đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chủ lực