Chuyện đời "ông trùm" đá quý Dũng Tân
“Thăng trầm cuộc đời tôi như những đường uốn lượn parabol, trong bất kể điều gì, tôi đều đã gắng sức làm hết mình. Có nhiều khi cần ngẫm lại những sai lầm trong quá khứ để thấy rằng mình phải đi đúng hướng và không hổ thẹn với chính bản thân mình…”.
Gia đình ông Lê Văn Dũng - Công ty Dũng Tân |
Đó là chia sẻ của doanh nhân Lê Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân về những bước ngoặt trong cuộc đời mình. Quả thực, người đàn ông ấy có mặc sơ mi, quần âu, đeo cà vạt đi chăng nữa thì chất hồ hải, bụi bặm, phóng khoáng vẫn không giấu được trên khuôn mặt và vóc dáng. Cũng đúng thôi, bởi nếu chỉ nhìn vào cơ ngơi bề thế của anh bây giờ thì chẳng ai chịu tin rằng, anh ta từng là tướng cướp. Người đàn ông ấy là Dũng “K cơ”.
Tướng cướp “khét tiếng”…
Cuộc đời như huyền thoại của tướng cướp này có thể khiến bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên. 20 tuổi, thành đảng viên trẻ tuổi nhất nhì một trung đoàn bộ đội. 22 tuổi bị khai trừ Đảng vì những sai lầm trong quân ngũ. 30 tuổi, lập băng nhóm dưới chân đèo Thác Riềng, rồi trở thành trùm giang hồ đất Tây Bắc, thành "bưởng trưởng" trên suốt một dải vành đai vàng sa khoáng Na Rì (Bắc Kạn). 33 tuổi vươn lên thành đại ca ở đất đá đỏ Lục Yên.
2 lần vào tù, một lần trốn trại trở thành bị can bị truy nã đặc biệt toàn quốc. Ra đầu thú, bị kết án 11 năm tù về 3 tội, Dũng “K Cơ" được đặc xá tha tù trước thời hạn vào diện gần như sớm nhất ở Trại Phú Sơn 4, nhờ thành tích cải tạo xuất sắc.
Doanh nhân Lê Văn Dũng kể lại: "Được Chủ tịch nước đặc xá giảm án 5 năm, ngày tôi ra trại trở về với cộng đồng, nhiều người nhìn tôi dò xét. Cũng đúng thôi, tội tầy trời vậy sao chỉ mang án có vài năm được thả. Nhưng họ đâu biết rằng, 6 năm trong trại là cả một chặng đường thể hiện mãnh liệt nhất sự quyết tâm và khát vọng vươn đến tự do của tôi. Thậm chí, tôi còn được trưng dụng để tham gia phá thành công những vụ án lớn mà điển hình là vụ Khánh "trắng" nổi danh một thời ở Hà Nội".
Xưởng sản xuất tranh đá quý của công ty Dũng Tân |
Một mối tình trở thành tiểu thuyết
Quãng thời gian 6 năm tù để lại cho Dũng quá nhiều kỷ niệm. Nhưng có lẽ, không bao giờ Dũng quên khoe với mọi người về chuyện tình như tiểu thuyết của anh với cô gái có tên Kim Oanh, người phụ nữ sau này đã trở thành người bạn đời, cùng anh vượt qua tất cả những gian khó, sóng gió trong cuộc đời.
Thời điểm này, Dũng vào Trại Phú Sơn 4 được khoảng hơn 1 năm thì nghe anh em kể chuyện vừa có một số phạm nhân mới nhập trại, trong đó có một cô giáo xinh và rất nhân từ, người đã cho họ một số đồ ăn thức uống lúc xuống xe. Trí tò mò đã thúc đẩy Dũng dứt khoát phải tìm cách để gặp mặt xem cô này như thế nào. Các trại viên mới nói cho Dũng biết tên cô gái ấy là Oanh, nghe đâu là con một cán bộ ngành giáo dục ở tỉnh Phú Thọ.
Thông tin thì vậy nhưng vẫn chưa ai biết mặt ai cả. Theo nguyên tắc, trong trại phạm nhân nam và phạm nhân nữ không được gặp nhau, nhưng Dũng vốn “ma mãnh” nên đã sắp xếp được một cuộc gặp rất chính đáng, đó là tổ chức trao đổi hạt giống cây trồng giữa các phân trại.
Lúc này, nhìn thấy Oanh, Dũng đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Tình cảm quý mến từ đó càng tăng thêm. Họ liên tục trao đổi thư tín với nhau. Các lá thư chan chứa tình cảm yêu thương nồng nàn và lời hứa cùng nhau phấn đấu cải tạo tốt để mong ngày ra tù sẽ tổ chức đám cưới, làm lại cuộc đời.
Khởi nghiệp từ… 15 ngàn đồng
Trở ngại đầu tiên của Dũng và Oanh đó việc gia đình Oanh phản đối kịch liệt chuyện tình cảm của hai người. Vì tình yêu, Oanh đã bỏ qua tất cả, trốn đi với Dũng. Và miền đá đỏ Lục Yên là nơi Dũng nghĩ đến đầu tiên để làm lại cuộc đời. Với 3 triệu đồng do một người bạn tốt bụng cho mượn, hai vợ chồng khăn gói đến Lục Yên.
Thời gian đầu khó khăn, Dũng đã hướng dẫn cho Oanh đi buôn đá đỏ nhỏ lẻ kiếm cơm ngày 3 bữa cho đội thợ. Còn Dũng mua cào, cuốc, lên núi cùng anh em trong đội làm thủ công kiếm đá. Khi tích cóp được chút tiền, Dũng tính nước làm ăn. Và Thị xã Sông Công (Thái Nguyên) lúc bấy giờ là nơi anh chọn.
Năm 2004, khi đá đỏ được giá, anh bán đi một phần để lấy vốn làm ăn. Đầu năm 2006, anh lập một xưởng làm tranh đá quý với hơn 20 thợ có tay nghề cao được tuyển chọn trong cả nước, đây cũng là xưởng tranh đá quý đầu tiên ở Thái Nguyên.
Cảm nhận về vợ chồng doanh nhân Lê Văn Dũng, Đại tá Nguyễn Duy Vực - nguyên Giám thị trại giam Phú Sơn từng chia sẻ: "Mỗi bước đi và sự thành công của Dũng Tân là sự vươn lên từ khát vọng, hai bạn đã vượt qua những thử thách cam go nhất của cuộc đời để tìm lại chính mình. Không có gì là không thể, có dũng khí, có nghị lực phi thường, biết nhịn, biết làm, hết khổ cực sẽ đến ngày cam lai...".
Theo DĐDN
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới
-
Nông dân sẽ có lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp phân bón phát triển ổn định
-
Chuyên gia thuế chỉ cách đo lường tác động áp 5% thuế GTGT đối với phân bón
-
Người nông dân có đủ cơ sở để hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT phân bón 5%
-
Bị hoãn giao máy bay, Emirates “đàm phán nghiêm túc” với Boeing