Chứng khoán sẽ khởi sắc!
>> Điểm tựa cho thị trường chứng khoán năm 2013
>>“Bóng ma” tài chính – ngân hàng “đè” chứng khoán
Lòng tin của nhà đầu tư vào TTCK đang được củng cố.
Có thể nói, năm 2012 là năm đầy biến cố của cả thị trường vàng, chứng khoán và bất động sản. Trong khi thị trường vàng luôn khiến giới đầu tư lo sợ bởi sự biến động thất thường của mình và theo cách nói của giới chuyên gia thì đã có dấu hiệu đầu cơ, thao túng trên thị trường.
Còn đối với thị trường bất động sản, những khó khăn thách thức giường như lại tăng lên gấp bội so với những gì mà thị trường này đã phải đối diện trong năm 2011. Thị trường dù đã ghi nhận được những chuyển biến tích cực từ giới đầu tư trong việc giải quyết bài toán đầu ra cho thị trường với một loạt các giải pháp như giảm giá, tung chiêu khuyến mại khủng, hỗ trợ vốn,… nhưng vẫn chưa đủ.
Lòng tin của người tiêu dùng vẫn chỉ dừng ở mức cải thiện rất khiêm tốn. Điều này được thể hiện thông qua một loạt những con số thống kê buồn mà các cơ quan chức năng đã đưa ra vào cuối năm 2012 và đặc biệt là những dự cảm không mấy lạc quan cho khả năng phá băng của thị trường bất động sản trong năm 2013.
Với riêng TTCK, mặc dù được giới chuyên gia đánh giá là không bết bát bằng thị trường vàng, bất động sản xong cũng đã trải qua một năm đầy “ác mộng”. Như Petrotimes đã phản ánh, nếu như TTCK Việt Nam nửa đầu năm 2012 là xu hướng đi lên của hầu hết các mã chứng khoán thì đến nửa cuối của năm với cột mốc là sự kiện “bầu” Kiên bị bắt, TTCK Việt Nam liên tiếp sụt điểm.
Xong, trái hẳn với thị trường vàng, bất động sản, TTCK đã bật dậy vào tháng cuối cùng của năm 2012 với một loạt những tín hiệu lạc quan và đây chính là một trong những yếu tố khiến thị trường này được đánh giá là hấp dẫn hơn cả trong năm 2013.
Cùng đón nhận những liều doping vào các tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 với một loạt chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ, kích cầu thị trường như Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; chính sách mở room tín dụng cho chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước; quy định kinh doanh vàng miếng;… nhưng mới chỉ có TTCK “ngấm thuốc” khởi sắc. Đây chính là căn cứ để giới chuyên gia đưa ra nhận định đầy lạc quan về TTCK Việt Nam trong năm 2013.
Theo TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital thì, TTCK đã trải qua giai đoạn “xuống dốc” nhưng sự hồi phục sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm 2013.
Ông nhấn mạnh: Thị trường chứng khoán là một trong những thước đo phản ánh khá tốt hiện trạng của nền kinh tế. Việc tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua có thể lý giải bởi một số nguyên nhân như: sự trở lại của khối ngoại trước những chuyển động chính sách, sự hồi phục kỹ thuật khi thị trường đã giảm trong thời gian dài và sự kỳ vọng về khả năng phục hồi trong tương lai khi lợi nhuận và rủi ro đã được đánh giá chính xác hơn.
Tuy nhiên, TS Lê Anh Tuấn cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là khả năng thực hiện các giải pháp của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, cấu trúc lại hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu để tạo môi trường thuận lợi cho nền kinh tế tăng trưởng đúng tiềm năng và các doanh nghiệp có cơ hội phát triển ổn định.
Cùng chia sẻ nhận định về TTCK thời gian tới, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: Sau kỳ nghỉ lễ giao dịch, TTCK sẽ tiếp tục có xu hướng tích cực nhưng mức độ phân hóa sẽ rõ nét hơn, dòng tiền có thể chuyển hướng sang các cổ phiếu midcaps và các cổ phiếu trong HNX30.
Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng: Đợt tăng giá hiện tại sẽ còn kéo dài sau Tết nguyên đán trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước sẽ đẩy mạnh mua vào trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục mua. Khả năng giảm lãi suất cộng với một loạt những dấu hiều lạc quan đến từ nền kinh sẽ là động lực khuyến khích nhà đầu tư.
Trước đó, trong một cuộc trả lời báo chí, ông Đoan Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, những giải pháp vĩ mô của Chính phủ về ưu tiên ổn định, chống lạm phát, không đặt nặng về vấn đề tăng trưởng. Một khi lạm phát được kiềm chế thì lãi suất có cơ hội giảm và làm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Những nỗ lực về giảm hàng tồn kho bất động sản mà Chính phủ đang làm cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của TTCK trong năm 2013.
Ở chiều ngược lại thì vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay nếu được làm rõ, cụ thể hơn thì rất có thể sẽ có những tác động xấu đến thị trường. Nhưng thị trường cũng đang tin vào những quyết tâm của Chính phủ về việc xử lý nợ xấu sẽ được bắt tay ngay trong năm 2013 này.
"Nói tóm lại, tôi nghĩ rằng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 có nhiều điểm sáng hơn năm 2012" - ông Đoan Hùng nhận định.
Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định: Năm 2012 là năm đề án tái cấu trúc TTCK được xây dựng và năm 2013 sẽ là năm triển khai thực hiện, và việc triển khai thực hiện đó là để hướng tới những bước phát triển mới.
Thanh Ngọc
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng