Chứng khoán giảm sâu ngày này qua ngày khác, nhà đầu tư nên làm gì?
Thị trường chứng khoán nối dài chuỗi ngày đi xuống khi VN-Index đóng cửa phiên 21/4 ở 1.370 điểm. So với mức đỉnh đầu tháng 4, VN-Index đã giảm hơn 150 điểm, mất hơn 10% giá trị trong nửa tháng. Trong thực tế, mức thua lỗ của nhiều nhà đầu tư còn lớn hơn khi không ít cổ phiếu đã điều chỉnh giảm 30-40% trong 2 tuần qua.
Tâm lý sẽ quyết định
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Quốc tế VIS, nhận định đà giảm mạnh liên tục của các phiên giao dịch gần đây, đặc biệt là việc thị trường rơi mạnh vào cuối giờ chiều, liên quan đến hoạt động bán giải chấp (call margin) của các công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng việc bán giải chấp lần này không quá căng thẳng khi bản thân nhà đầu tư cũng thận trọng, không sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao khi thị trường đã đi ngang, có nhiều rung lắc trong thời gian dài trước khi giảm mạnh trong những phiên vừa qua. Các công ty chứng khoán cũng không giữ tỷ lệ cho vay margin quá cao trong giai đoạn vừa qua.
Theo ông Khanh, hiện tại là thời điểm nhạy cảm với nhà đầu tư cá nhân. "Việc quản lý dòng tiền rất quan trọng, nhà đầu tư tối đa chỉ nên giữ tỷ lệ cổ phiếu khoảng 60-70% tổng danh mục. Đặc biệt nếu ai vẫn còn vay margin sẽ rất căng thẳng. Trong đầu tư, người có tâm lý bị ảnh hưởng rất dễ thất bại", chuyên gia của VIS đưa ra lời khuyên.
Diễn biến của VN-Index từ đầu năm đến nay (Ảnh: Tradingview). |
Về tổng thể, ông giữ quan điểm thị trường chứng khoán trung và dài hạn vẫn sẽ ổn khi hoạt động kinh tế dần hồi phục, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, tăng trưởng trở lại, nợ xấu ngân hàng cũng được giãn bớt.
Dù vậy, ông nhấn mạnh nhiều nhóm cổ phiếu như bất động sản, chứng khoán năm ngoái đã tăng quá mạnh, thậm chí vài lần tất yếu sẽ chịu điều chỉnh. "Những cổ phiếu đã đi quá xa sẽ phải quay về giá trị thật", ông nhận định. Những cổ phiếu đầu ngành có thể sẽ rớt giá ít hơn, có sự phân hóa.
Song song đó, ông lưu ý khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư không xoay vòng vốn, lướt sóng cổ phiếu liên tục để kiếm lời như giai đoạn trước, người có sẵn tiền mặt cũng ngại giải ngân nên việc thanh khoản giảm là đương nhiên. Tuy nhiên, ông Khanh đánh giá thanh khoản hơn 20.000 tỷ đồng/phiên hiện tại vẫn là mức tốt. Trong trường hợp nếu thanh khoản giảm sâu còn dưới 15.000 tỷ đồng/phiên mới là ngưỡng đáng lo về tín hiệu nhà đầu tư rời bỏ kênh chứng khoán.
Kịch bản "thiên nga đen" lặp lại?
Trong khi đó, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, gọi tình trạng hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam là hiện tượng "thiên nga đen" khi xuất hiện yếu tố không thể dự báo trước. Theo ông, việc cơ quan quản lý xử lý nghiêm các hành vi thao túng cổ phiếu là tốt cho thị trường nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bị khớp tâm lý, bán ra cổ phiếu.
Ông Minh cho rằng đầu năm 2020, thị trường đã xảy ra hiện tượng "thiên nga đen" khi Covid-19 xuất hiện lần đầu vào năm 2020, VN-Index rơi mạnh trong thời gian ngắn rồi sau đó bắt đầu bật tăng thì khi bước ra khỏi đại dịch cũng sẽ có tình trạng tương tự. Ông cũng dự báo thị trường sẽ mất một thời gian để phục hồi chứ chưa thể tăng điểm lại ngay.
Về các yếu tố kỹ thuật, ông Minh chỉ ra thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng bởi hai vấn đề tốc độ tăng cung tiền chậm dần và lãi suất tăng. "Nhiều khả năng sắp tới lãi vay sẽ không còn rẻ như trước, chi phí vốn tăng lên, mọi người sẽ cẩn trọng hơn trong đầu tư", ông nhìn nhận.
Hoạt động huy động trái phiếu, đặc biệt vào lĩnh vực bất động sản, đang bị siết chặt và thị trường chứng khoán đi xuống nên phát hành cổ phiếu cũng khó hơn khiến doanh nghiệp sẽ chịu nhiều áp lực hơn về chi phí vốn, lãi vay cao. "Tiền không còn rẻ và dễ dàng như ngày xưa, đó là ẩn số khó đoán hơn rất nhiều cho chứng khoán", ông Minh cho biết.
Theo ông, dù chứng khoán vẫn có triển vọng tốt về dài hạn nhưng việc lựa chọn cổ phiếu với nhà đầu tư sẽ khó khăn hơn. Giám đốc Phân tích của Mirae Asset khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn trọng, chậm rãi, chọn cổ phiếu có yếu tố cơ bản, nội tại tốt, đặc biệt chú ý đến doanh nghiệp ít vay nợ. Trong đó, nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu phòng thủ hơn cổ phiếu tăng trưởng ở giai đoạn hiện tại.
Ông Minh cũng cho rằng nền kinh tế đang từ "bình thường mới" chuyển sang "bình thường cũ" nên chứng khoán cũng phải chia sẻ nguồn lực với những hoạt động khác. Theo ông Minh, trong thời kỳ dịch bệnh, giãn cách xã hội, dòng tiền có ít sự lựa chọn, tìm đến kênh chứng khoán còn khi các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường, nhu cầu đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sẽ tăng trở lại.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 25/11: Sắp “bơm” gần 670.000 tỷ đồng ra nền kinh tế
-
Hà Nội: 150 sản phẩm được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”
-
Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới giảm trở lại
-
Giá vàng hôm nay (25/11): Thị trường thế giới tăng trở lại