Chủ tịch PNJ: 'Có thể huy động 500 tấn vàng trong dân'
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ với VnExpress về diễn biến bất thường của giá vàng trong nước sau sự kiện Brexit và khả năng huy động kim loại quý trong dân để tạo nguồn lực phát triển cho nền kinh tế.
|
- Quan điểm của bà về đề xuất huy động 500 tấn vàng trong dân để tạo nguồn vốn cho nền kinh tế?
- Việc huy động vàng tích trữ trong dân để làm vốn phát triển nền kinh tế là điều cần thiết. Nhà nước muốn thu hút vốn từ người dân cần có phương án sử dụng hiệu quả, thực hiện quản trị rủi ro, bảo toàn vốn vàng khi trả lại cho dân, có quỹ đảm bảo cho việc trượt giá... Nếu huy động mà không tính toán kế hoạch kinh doanh cụ thể thì rủi ro sẽ rất cao về lãi suất và giá trị khi giá vàng thay đổi liên tục.
Theo tôi, điều căn cơ nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm kích thích người dân tự đưa vàng ra chứ không phải lo lắng cất giữ. Nếu người dân đã tin tưởng sức bật của thị trường thì họ sẽ tự nguyện rót vốn vào đầu tư phát triển kinh doanh. Đầu tư ở đây không có gì quá to tát mà từ kích thích mua sắm tiêu dùng, rót vào bất động sản, mở rộng sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng sàn giao dịch vàng chuyên nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế, đội ngũ quản trị điều hành có năng lực, đúng kỹ thuật chuyên ngành. Điều này sẽ giúp thị trường vàng được chuẩn hóa, tập trung, đảm bảo sự lưu thông, dễ giám sát và điều tiết. Đây cũng là kênh thu hút người dân đưa vàng ra giao dịch khi thị trường có sự vận hành minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng.
- Sự kiện Brexit tác động mạnh lên giá vàng thế giới khiến nhiều chuyên gia nhận định giá có thể chạm mốc kỷ lục 1.400 USD một ounce. Điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường vàng trong nước thời gian tới?
- Diễn biến thế giới tác động không nhiều vào giá vàng trong nước vì chúng ta đã cắt đứt liên thông với bên ngoài từ lâu. Cho nên, có những lúc giá vàng quốc tế lên cao nhưng giá nội địa vẫn không lên kịp, hay họ xuống nhanh thì mình giảm từ từ vì không vận hành theo quy tắc "bình thông nhau". Chúng ta có thói quen "mua lúc lên, bán lúc xuống" mà điều này chịu ảnh hưởng phần lớn do tâm lý người dân.
Mỗi khi có đột biến, người ta đổ xô mua bán theo đám đông chứ không dựa theo các phân tích kinh tế. Dân ào đi mua, công ty vàng không đủ nguồn cung nên bán ra nhỏ giọt hoặc tạo khoảng cách giữa giá bán ra và mua vào rất xa để hạn chế nhu cầu. Nhưng người dân thấy vàng khan hiếm, phải ghi giấy hẹn mới được mua nhỏ giọt lại càng lo, tranh nhau mua gây nên tình trạng sốt "ảo".
Nếu chúng ta xây dựng được sàn giao dịch vàng sẽ giúp giải quyết tốt tình trạng này nhờ có sự liên thông với thị trường thế giới. Nhu cầu người dân tăng cao, doanh nghiệp lập tức mua vàng bên ngoài để đáp ứng. Nhờ vậy, cung cầu đảm bảo cân bằng, giảm thiểu sự khan hiếm gây ảnh hưởng đến giá.
Các biến động thị trường vừa qua chỉ mang tính thời điểm nên chưa thể nói sẽ có tác động về lâu dài. Hơn nữa, động thái sẵn sàng bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước cũng giúp người dân an tâm hơn. Do vậy, người tiêu dùng cần tránh việc đổ xô giao dịch, phân tích thông tin đa chiều để đưa ra quyết định mua bán hợp lý.
- Ngoài việc không tiếp cận được nguồn vàng nguyên liệu thế giới, doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý trong nước còn gặp khó khăn gì?
- Vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã gửi công văn lên Thủ tướng đề nghị tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng.
Cụ thể là cần thay đổi Thông tư 33 của Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng không được cho doanh nghiệp vay vốn để mua vàng sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn khi có sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, kể từ khi có nghị định này đến nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chưa chấp thuận cho doanh nghiệp xản xuất kinh doanh vàng nào được vay vốn để mua vàng sản xuất kinh doanh.
Quy định hạn chế tín dụng này khiến những công ty sản xuất và kinh doanh vàng gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp phải tăng cường dùng vốn tự có, tối đa các khoản vay để mua những nguyên liệu khác không phải là vàng như bạc, kim cương, đá quý...
Ngoài ra Nhà nước cũng cần nghiên cứu cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng đầu vào, tăng tính cạnh tranh, chủ động trong sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu.
- Vậy nguồn thu chính của PNJ hiện nay đến từ đâu?
- Nhằm tối ưu hóa nguồn vốn, chúng tôi giảm thiểu kinh doanh vàng miếng, trang sức 24K, thoái vốn ngoài ngành, tập trung vào năng lực lõi sản xuất nữ trang (14K, 18K, trang sức bạc, đá quý...). Bên cạnh đó, công ty chú trọng phát triển bán lẻ, giảm giá thành, phát triển hệ thống phân phối, cải thiện hệ thống quản trị, chọn lựa phân khúc sản phẩm lợi nhuận nhiều nhưng tốn ít nguyên liệu vàng nhất, đưa ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như nữ trang kim cương, đá quý.
6 tháng đầu năm nay, công ty có lợi nhuận gộp 699,6 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ, hoàn thành 54% kế hoạch năm. Tổng doanh thu 4.046 tỷ, trong đó doanh thu trang sức tăng 15%. Lợi nhuận trước thuế vượt 116% cùng kỳ, lên 304,5 tỷ, chiếm 66% kế hoạch năm.
- Vừa qua, tạp chí Forbes vinh danh bà vào danh sách nữ Doanh nhân quyền lực châu Á. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực kinh doanh vàng hiếm có ai là nữ lãnh đạo?
- Tôi không cảm thấy mình là người phụ nữ có quyền lực. Tôi chỉ có vai trò ảnh hưởng đến giới nữ doanh nhân, doanh nghiệp trẻ hay giới sinh viên, giúp họ thêm niềm đam mê, động lực trong làm giàu, phát triển kinh doanh. Các giải thưởng đem đến niềm vui nhưng cũng tăng áp lực để tôi có thể hoàn thành trách nhiệm, xứng đáng với ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Tôi chỉ biết nỗ lực hết mình cùng những cộng sự giỏi và một tập thể đoàn kết từ trên xuống dưới. Nhờ vậy, PNJ đã thu nhiều "quả ngọt". Điểm nổi bật nhất của PNJ từ đầu năm 2016 đến nay là đã khai trương 13 cửa hàng mới, chi nhánh.
Hiện công ty có tổng cộng 204 cửa hàng tại hơn 45 tỉnh thành với hình ảnh nhận diện thống nhất, không gian bán hàng sang trọng cùng đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp. Các trung tâm kim hoàn mang thương hiệu PNJ có vị trí đắc địa ở trung tâm thời trang sầm uất tại các thành phố lớn.
- Thường xuyên cùng nhân viên đi vớt rác, kêu gọi làm sạch môi trường, trao tặng mái ấm cho người nghèo, bà làm thế nào để có mặt trong nhiều vai trò khác nhau?
- PNJ từ khi thành lập luôn theo tôn chỉ "Đặt lợi ích khách hàng, lợi ích xã hội vào trong lợi ích doanh nghiệp". Do đó, bên cạnh nỗ lực sản xuất kinh doanh tăng trưởng bền vững, nâng tầm uy tín và giá trị thương hiệu trên bản đồ thời trang, trang sức quốc tế, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia hoạt động xã hội, công tác thiện nguyện. May mắn, phía sau tôi có gia đình ủng hộ, chia sẻ, động viên nên tôi có thể cống hiến hết mình cho công ty, tham gia các hoạt động vì cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Minh Trí
VNE
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3