Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chống căn bệnh ma-ke-no!

15:31 | 29/05/2023

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bấy lâu căn bệnh ma-ke-no (mặc kệ nó) hiển hiện ngay trước mắt, ở khắp mọi nơi mọi chốn, từ nông thôn đến thành thị, từ gã “đầu binh cuối cán” đến các vị mũ cao áo dài. Nhưng xem ra bệnh kéo dài đã lâu, việc chữa trị còn nhiều nan giải.
Chống căn bệnh ma-ke-no!
Ảnh minh họa

Quãng hai chục năm trước, khi vào công tác ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, chúng tôi rất ám ảnh với hình ảnh quen thuộc, thân thương: khói đốt đồng. Mùa vừa gặt xong, lơ thơ vài cụm khói nhỏ bay lên. Ở đó người nông dân đang mê mải vơ cỏ khô hun chuột, hoặc nướng cá, nướng khoai. Khói đốt đồng trở thành biểu tượng trúng mùa, được đưa vào phim, vào thơ, vào nhạc. Ai xa quê lâu ngày, nhất là bà con Việt Kiều không làm sao quên ngọn khói đốt đồng, giống như nhớ về làn sương mai buổi sớm, tia nắng tía cuối ngày bên giậu cúc tần, hoa thiên lý kết chùm bên bậc cầu ao, chùm lá tre khôchờn vờn mái rạ.

Đấy là câu chuyện có phần lãng mạn trong ký ức. Tiếc rằng, ngày nay khi nói đến chuyện nhà nông, lại cảm thấy rất đáng lo trước tình trạng đốt rơm rạ vô tội vạ ở những cánh đồng ven đô sau vụ gặt. Khói ùn ùn tràn qua quốc lộ. Khói đen đặc đùn lên từ những vạt ruộng, chân đê. Khói quyện vào sương sớm che khuất cả tầm nhìn, khiến cho ô tô, xe máy ùn ứ hàng dài trên đường. Người viết bài này từng chứng kiến cảnh mấy bà nông dân vô tư đốt rơm rạ ven đường. Anh lái xe hỏi: “Các bà có biết việc đốt rơm, khói bay mù mịt thế này là ảnh hưởng giao thông và gây độc hại không?”. Hỏi cho bõ cơn tức, chắc bác tài cũng biết làm gì có câu trả lời. Thế nhưng thật bất ngờ, một bà dừng tay cời lửa, nói như đúng rồi: “Biết quá đi chứ. Nhưng mang thứ này về thì chất vào đâu? Khói bay là... việc của nó”(!).

Ô hay. Sao lại có câu trả lời vô cảm đến thế! Tôi có anh bạn là chuyên gia ở Bộ Tài nguyên-Môi trường. Đem câu chuyện kể với anh, nhận được cái lắc đầu thất vọng: “Chuyện này xảy ra cả chục năm nay mà vẫn chưa làm sao cấm được. Hại cho sức khỏe lắm đấy. Khói đùn lên đến đâu các chất ô nhiễm sinh ra đến đấy, nhất là bụi mịn PM2.5. Bác cứ tưởng tượng thế này nhé, cái anh bụi mịn đường kính chỉ bằng 1/30 sợi tóc. Nó sẽ luồn sâu vào phổi, vào máu của người hít phải. Bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính sinh ra từ đây. Dịch bệnh Covid-19 khủng khiếp đến như thế,nhưng dùng khẩu trang là có thể ngăn chặn được. Còn với loại bụi mịn siêu nhỏ này thì khẩu trang cũng chả ngăn nổi”.

Bay là việc của nó! Câu này nghe thấy quen quen. Quen ở lối làm ăn tiểu nông phong kiến, ở thói vô trách nhiệm của con người. Nói rộng ra, chung quanh chúng ta còn vô số chuyện tương tự. Người ta biết là làm liều, gây hại cho người khác, nhưng vì cái lợi nhỏ của riêng mình mà bỏ qua lợi ích lớn, lợi ích của cộng đồng. Xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường – kệ nó. Lò gạch, lò vôi thủ công ngay cạnh khu dân cư nhả khỏi nghi ngút – kệ nó. Sau buổi dạ hội, vỏ chai, túi ni-lon, thức ăn thừa bị ném bừa bãi ra vườn hoa, đường phố - kệ nó. Ở một khu chung cư nọ, ca-mê-ra ghi lại hình ảnh một thanh niên coi thang máy như nhà vệ sinh nhà mình, cũng là thái độ không thể chấp nhận của một lối sống bất chấp pháp luật, vô văn hóa. Lớn hơn là công việc, là trách nhiệm được giao cũng tìm cách đùn đẩy, né tránh, “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”.

Ở khu phố chúng tôi đang sinh sống, có cặp vợ chồng thường xuyên cãi vã. Thỉnh thoảng bát đĩa xoong nồi lại bay vèo vèo ra sân. Lẽ ra phải xem xét, khuyên can, nhưng ông chồng kéo tay bà vợ: Nhà ấy không đánh chửi nhau mới lạ. Không phải việc của bà (!). Trên đường đi, gặp tai nạn giao thông, có những người không tham gia cứu nạn lại ngó nghiêng, chen chúc để... quay video clip, chụp ảnh. Ở công sở, có anh thượng cả hai chân lên bàn, nói chuyện điện thoại oang oang như chốn không người khiến ai cũng khó chịu, nhưng cũng chả thấy ai nhắc nhở, thôi cái việc nhắc là của… trưởng phòng. Mình góp lời “nó” lại bảo nhúng mũi vào chuyện riêng tư.

Bấy lâu căn bệnh ma-ke-no (mặc kệ nó) hiển hiện ngay trước mắt, ở khắp mọi nơi mọi chốn. Một nhà văn hóa bảo rằng: “Chúng ta phải lên án. Chúng ta phải sốt ruột lên chứ!”. Nhưng thưa ông, “chúng ta” là đại từ chỉ số nhiều, anh nọ tưởng anh kia. Có người bày bừa khắc có người thu dọn. Ai cũng nghĩ chẳng phải việc của mình, không phải đầu cũng phải tai. Ai cũng nghĩ chuyện đó rồi cũng qua đi. Không, chẳng có chuyện nào tự “qua đi” cả. Không hề nói quá khi cho rằng thói dửng dưng, vô cảm chính là cái chết từ trong tâm hồn.

Thiển nghĩ, ngoài việc bàn bạc với nhau cùng “vào cuộc” thì trước hết từng người phải soi xét chính mình. Bạn hãy một lần làm anh Lục Vân Tiên vào cuộc chống căn bệnh “kệ nó”. Rồi pháp luật, hương ước, quy định… phải chặt chẽ hơn, tỉ mỉ hơn, làm từ việc nhỏ nhất, không thể xem thường cái thói quen xấu tưởng như vô hại. Từ đấy hình thành những thói quen, những tập quán tốt lành của mỗi người, mỗi cộng đồng. Vẫn biết, từ nói đến làm là việc vốn không đơn giản. Nói đến văn hóa cộng đồng là nói đến những việc cụ thể như thế.

Hải Đường