Vô cảm và vô tâm
Trên khắp nẻo đường, từ nông thôn đến thành thị, tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa, có vụ va chạm nhỏ nhưng có những vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Người chết, người bị thương như ngả rạ.
Lẽ ra, với phản xạ cần thiết, người qua đường phải cùng nhau khẩn trương giúp đỡ, gọi xe cứu thương đưa người bị nạn đi cấp cứu và gọi cảnh sát đến giải quyết. Nhưng nhiều người không làm thế. Họ đứng nhìn rồi đi.
Và đáng trách nhất là những người hiếu kỳ, dùng điện thoại di động quay phim, chụp ảnh một cách vô tư, hào hứng rồi đưa lên mạng. Lại có không ít kẻ xấu, lợi dụng thời điểm lộn xộn, tranh thủ hôi của, lấy đi tài sản của người bị tai nạn.
Một thanh niên va chạm xe máy với một ông già hơn tuổi cha chú nhưng sẵn sàng chửi bới, thậm chí nhảy xổ vào đấm đá. Hàng trăm lượt người cùng tham gia giao thông qua lại nhưng chỉ nhìn rồi đi, không có ai can thiệp bởi cái suy nghĩ “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Thật vô cảm hết chỗ nói!
Đã có vụ lái xe đâm vào người đi xe máy, xe đạp hoặc đi bộ ở những đoạn đường vắng vẻ. Thấy nạn nhân chưa chết hẳn, lái xe còn lùi lại cán thêm lần nữa để tránh trách nhiệm nuôi dưỡng nếu họ còn sống mà tàn tật suốt đời. Đó là hành động của kẻ vô lương tâm.
Học sinh mâu thuẫn với nhau, cả lũ chặn đường đánh bạn dã man. Các học sinh khác đứng xem và quay clip đưa lên mạng, coi đó như một trò đùa.
Rồi những công ty lừa, những tổ chức từ thiện trá hình, thừa biết người dân đã nghèo khổ thế nào mà vẫn đang tâm dụ dỗ họ tham gia vào các hình thức mua bán hàng đa cấp, đóng góp quỹ từ thiện bằng tiền vay nặng lãi để họ rơi vào cảnh bần cùng, bi đát.
Có những ông bố, bà mẹ dạy con gặp chuyện rắc rối thì phải tránh xa, kẻo can thiệp vào sẽ vạ lây. Rồi khi gặp người cần giúp đỡ thì xua đuổi hoặc né tránh. Cách giáo dục, dạy dỗ ấy của người lớn đã gieo vào lòng con trẻ cách hành xử vô cảm trước mọi người. Rồi nhân nào quả ấy. Con cháu họ quay ra vô cảm với chính cả những người ruột thịt trong gia đình, họ hàng.
Cứ nói giáo dục cho con trẻ phải có sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nhưng cái cốt lõi vẫn phải từ gia đình và gia đình mang yếu tố quyết định. Đừng đổ hết trách nhiệm cho nhà trường. Từ gia đình đã không có lối sống chuẩn mực thì đem ra áp dụng ngoài xã hội đã góp phần làm cho xã hội xấu đi.
Cái tâm lý “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” ngày nay càng biểu hiện rõ rệt. Người ở nông thôn ra thăm thành phố thường hay thắc mắc về hiện tượng, hàng xóm sống liền kề nhau cả mà chẳng ai quen biết ai. Có khi hỏi thăm nhà rất gần đó mà họ không biết.
Người ta ngụy biện cho điều đó rằng, mải lo làm ăn, không còn thời gian để quan tâm đến người khác. Nhưng nhìn lại, ai chẳng phải làm ăn, kiếm sống. Những người gặp các vụ tai nạn giao thông hoặc cướp giật trên đường, họ ra tay cứu giúp người bị nạn. Họ cũng là những người đang bận mải làm ăn cả đấy chứ có phải rong chơi đâu. Vấn đề là ở lối sống và cách nghĩ của mỗi con người. Cái tư duy ích kỷ, chỉ biết lo cho mình và “mọi người vì mình” đã ăn sâu trong tiềm thức của người vô cảm.
Phải ghi nhận rằng, người dân ở vùng nông thôn mặc dù cũng tất bật một nắng hai sương mưu sinh nhưng cái tình làng nghĩa xóm của họ vẫn thể hiện sinh động, không hề thay đổi bao nhiêu. Họ sống đúng với ý nghĩa “Sớm lửa, tối đèn có nhau”. Hễ ai, nhà nào có việc gì là cả xóm có mặt kịp thời giúp đỡ; kể cả người qua đường. Lối sống ấy thật đáng trân trọng!
Lối sống vô tâm và vô cảm đã đến mức báo động đỏ. Những ai đã và đang duy trì lối sống và cách nghĩ đó hãy mau mau tỉnh ngộ mà điều chỉnh lại mình, đừng đổ lỗi cho khách quan. Cuộc sống vốn còn rất nhiều điều tốt đẹp, hãy cùng chung tay vun đắp và giữ gìn, nhân lên những điều tốt đẹp ấy.
Người lớn phải làm gương cho con trẻ, đừng gieo rắc vào đầu chúng lối sống thực dụng, vô tâm. Nếu cố tình đi ngược lại quy luật thì họ đang vô tình giáo dục và nuôi dưỡng cho đất nước những thế hệ tiếp theo chỉ biết sống vì mình mà vô trách nhiệm với người khác.
Cổ nhân có câu rằng, “không ai nắm tay qua ngày đến sáng”. Thế họ không nghĩ rằng, biết đâu sẽ có lúc họ gặp tai ương, hoạn nạn, nhất là ở nơi “đất khách quê người” thì ai sẽ giúp đỡ mình đây. Mọi người xung quanh đều vô cảm như họ thì họ sẽ thế nào.
Đức Toàn
Năng lượng Mới 476
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp