Vô cảm vì thế giới ảo
Facebook cũng là thủ phạm
Facebook với số lượng thành viên lên tới 1,4 tỉ tài khoản như một sân khấu lớn mà ở đó, ai cũng muốn thu hút sự chú ý. Người cố bày tỏ quan điểm để được cộng đồng quan tâm. Người khác sẵn sàng cởi đồ để từ vai phụ lên vai thứ. Người thì tận dụng mọi nguồn tin kể cả những vụ tai nạn thương tâm để có được những thông tin hot, tăng like (thích) tăng share (chia sẻ), tăng follow (theo dõi) để từ vai thứ lên vai chính. Cứ thế, sự lạnh lùng của những màn hình smartphone chĩa vào nạn nhân mỗi lúc một đông. Nhiều người vừa chửi vừa xem, vừa lên mặt đạo đức vừa share.
Thực tế cho thấy, những vụ va chạm và tai nạn giao thông xảy ra, rất nhiều nạn nhân được sự giúp đỡ của người dân và lái xe. Nhưng cũng không ít người phải chống chọi một mình ngay giữa lòng đường đông người qua lại. Không ít kẻ vội vã bỏ đi, mặc kệ nạn nhân vì sợ mất thời gian hoặc liên lụy đến mình.
Đáng sợ hơn chính là sự lạnh lùng trước đau thương của người khác, họ thản nhiên quay clip, chụp ảnh để đăng lên facebook, youtobe nhằm câu like, nhận sự chia sẻ của những “anh hùng bàn phím”, họ chỉ chạy theo những giá trị ảo mà quên đi những việc thiết thực cần làm hay chúng ta đang sợ “mang tiếng người tốt”?
Nghĩa cử “ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của dân ta từ xưa đến nay đang bị mờ nhạt dần.
Vụ việc điển hình nhất đó là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cầu vượt Thái Hà (Hà Nội) có người thương vong. Rất nhiều người đã dừng xe lại, nhưng chỉ có vài người trong số đó chạy tới giúp đỡ các nạn nhân, phần còn lại thì đứng lặng yên bàn tán, rồi lôi điện thoại ra để chụp, để quay clip, chia sẻ lên mạng cho “nóng”.
Dường như những chiếc smartphone vô tâm này chỉ sẵn sàng trực chiến để “tác nghiệp” mà không tham gia cứu người. Một nạn nhân chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Tôi gần như van xin họ đừng quay nữa và kêu đau đớn thì từng lớp lớp người đi đường vẫn quay, vẫn chen nhau vào, tiếng cười nói rôm rả cả đoạn đường”.
Ngay sau khi những clip và hình ảnh về vụ tai nạn giao thông được đăng tải, một loạt ý kiến tỏ ra phẫn nộ được bày tỏ trong cùng tâm trạng bức xúc. Tr, một người thoát chết sau tai nạn trên cầu vượt Thái Hà kể: “Người bu lại rất đông, nhưng mình để ý chỉ còn 2 bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford, một sinh viên đeo cặp chéo là không hề cầm điện thoại và lao vào giúp đỡ. Còn lại thì bàn tán, chụp ảnh, lảng đi khi được nhờ”.
Cách đó không lâu, trên đường Trường Chinh (phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP HCM) xảy ra tai nạn giao thông khiến hai thanh niên trọng thương. Sau tai nạn, hàng chục người dân chạy tới vây xung quanh, người đi đường dừng lại để xem khiến giao thông tại đây không thể lưu thông được, trên vỉa hè hai thanh niên người đầy máu. Vì còn tỉnh táo nên hai thanh niên khẩn thiết nhờ người chở đi đến bệnh viện. Nhưng ai cũng tỏ ra ái ngại và bảo hai thanh niên gọi cho người nhà nếu không họ bắt taxi hộ mà đi đến bệnh viện.
Gần 30 phút sau tai nạn, cả hai mới được đưa đi cấp cứu bằng taxi. Hai thanh niên đã tỏ vẻ bức xúc trên trang cá nhân của mình về trái tim của những kẻ mắc bệnh “vô cảm” này, họ hiếu kỳ quá mà quên mất việc cứu người.
Còn nhớ, chỉ ít tháng trước, nhiều cư dân mạng giật mình khi thấy những hình ảnh tai nạn thương tâm xảy ra trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang) làm hai người bị thương nặng. Cũng như bất cứ một vụ tai nạn giao đông nào khác, người dân ở đây hiếu kỳ đứng lại xem rất đông hai bên đường rồi quay clip, chụp ảnh nhưng không ai có một hành động nào cứu giúp.
Do người bị nạn máu chảy ra quá nhiều nên nhiều ôtô đang lưu thông trên đường cũng không dám dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu. Phải mất thời gian khá lâu, nạn nhân mới được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm huyện Châu Thành trong tình trạng nguy kịch.
Dịch bệnh nguy hiểm
Với sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất khiến cho con người lại nảy sinh tính ích kỷ, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn “cái tôi” mà quên mất “cái ta”. Vật chất chính là những cám dỗ khiến con người đam mê đời sống vật chất mà coi nhẹ đời sống tinh thần. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh khách quan. Với nhiều người, “bệnh vô cảm” bắt nguồn từ tính ích kỷ, từ nhận thức hạn hẹp, lệch lạc.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Với những người sẵn sàng bật điện thoại để quay clip, chụp ảnh người gặp nạn trên đường để đăng lên facebook, youtobe là những người đã bị sơ cứng về tâm hồn. Họ không hề băn khoăn hay thương cảm trước những gì liên quan tới lĩnh vực tinh thần. Tôi nghĩ đây là cách sống, thái độ sống tiêu cực, đáng phê phán. Sự thờ ơ, vô cảm nó đang trở thành một căn bệnh, một thứ vi rút dễ lây lan. Nó đang xâm nhập vào mọi tầng lớp, lứa tuổi”.
Vị chuyên gia này nhận định, cũng có thể, họ sợ bị phiền toái, vạ lây, sợ phải đứng ra làm chứng, họ được cảnh báo từ nhiều vụ tai nạn giao thông trước đó. Mặt khác nó nhiều kẻ xấu làm cho người ta không phân biệt được người tốt kẻ xấu, đánh nhầm cả người vào cứu mình.
Cũng có thể do không có kỹ năng xử lý tình huống, sơ cứu người gặp nạn nên họ sợ sẽ không những không cứu giúp được mà lại đẩy người gặp nạn vào nguy kịch nên tránh được là hơn. Dẫn đến nhiều khi tính mạng của người gặp nạn phụ thuộc vào “số trời”. Thiếu về kỹ năng xử lý tình huống đang ở mức đáng báo động. Nhưng không nên vì tâm lý lo sợ mà bỏ mặc họ trước lưỡi hái của tử thần, sự thờ ơ, vô cảm, sợ liên lụy cần phê phán và lên án. Nếu không nó sẽ thành hình tượng bình thường được xã hội công nhận và cứ thế lan rộng mãi như một thứ bệnh dịch nguy hiểm. Không chỉ có vậy, nó còn dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.
Nhiều chuyên gia xã hội học cũng lo ngại rằng, nếu như họ sẵn sàng quay lưng trước nỗi đau của người khác thì nó sẽ còn xảy ra đối với những người trong gia đình, những người thân ruột thịt. Bởi, con người ta hèn và vô cảm ngày càng nhiều, đó là một thực trạng rất đáng buồn. Khi xã hội càng phát triển thì càng xuất hiện nhiều yếu tố gây nhiễu cho sự phát triển nhân cách của từng người.
Một nguyên nhân tác động trực tiếp đến lối sống này chính là mạng xã hội. Khi có trang mạng cá nhân, những người vô cảm này muốn đăng ngay những bức ảnh nóng, hot để cư dân mạng bàn tán. Nên họ sẵn sàng đứng quay phim, chụp ảnh. Họ chỉ nghĩ đến sự nổi tiếng của mình.
Có thể phạt tù người “vô cảm” Bàn về vấn đề trên, Luật sư Vũ Ngọc Chi - Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, Điều 102 Bộ luật Hình sự quy định rõ người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Luật sư Chi cũng cho hay, luật quy định rõ, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
Thảo Phượng
Năng lượng Mới 484
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng