Chính phủ Pháp gỡ ngòi nổ phe “Áo vàng”
Sau khi thông báo hoãn tăng thuế xăng dầu, Thủ tướng Edouard Philippe ngày 5/12 tiếp tục xoa dịu phong trào “Áo vàng” với lời hứa “xem xét lại” biện pháp thuế khóa bị xem là bất công. Cụ thể là luật giảm thuế đánh vào tài sản người giàu (gọi tắt là ISF).
Tổng thống Pháp Macron (giữa) trên quảng trường Ngôi Sao-Paris sau bạo động ngày 1/12 |
Các biện pháp nhượng bộ đầu tiên, có thể làm thiệt hại 2 tỷ euro cho ngân sách, thông báo ngày 4/12/2018, sau 3 tuần khủng hoảng dường như không hạ nhiệt được phong trào “Áo vàng”.
Theo AFP, ngoại trừ đường ra vào hai nhà máy lọc dầu đã được khai thông, trên khắp nước, bóng “Áo vàng” vẫn tiếp tục tụ tập ở nhiều trục lộ kèm theo lời đe dọa “một ngày thứ Bảy đen” nữa tại Paris.
Viễn cảnh những hàng quán, trạm xe buýt, bến xe và những công trình biểu tượng của nền Cộng hòa tại thủ đô Paris bị đập phá, bị chìm trong khói lửa, một lần nữa gây lo ngại cho chính phủ và công luận. Chiều 5/12, Bộ trưởng Nội Vụ Pháp một mặt kêu gọi “những người Áo vàng ôn hoà” bỏ ý định biểu tình, mặt khác, trấn an dân chúng với lời cam kết huy động thêm lực lượng cảnh sát.
Giới công đoàn Pháp hoan nghênh thái độ nhượng bộ của chính phủ. Thế nhưng, một trong những phát ngôn viên của phong trào công dân tự phát này giải thích: “Muốn cả ổ bánh mì, chứ không thèm mảnh vụn”.
Trong phe đối lập, lãnh đạo đảng Những Người Cộng hòa đề nghị hành pháp ban hành tình trạng khẩn cấp. Trong ngày 6/12, Quốc hội Pháp sẽ tranh luận tìm một giải pháp thoát khủng hoảng.
Trong khi đó, ít nhất 200 trên tổng số 4.000 trường trung học Pháp lao vào phong trào phản kháng. Giới học sinh lớp 11, 12 bãi khóa chống lại lối thi tú tài mới, kể từ năm 2021 thêm phần vấn đáp, và thể thức ghi danh đại học qua hệ thống phân bổ, thường khi không đúng nguyện vọng của sinh viên.
Những người “Áo vàng” biểu tình trên đại lộ Champs-Elysées, Paris |
Theo các nhà quan sát, phản ứng càng chậm, chính phủ Pháp sẽ càng phải đối mặt với một phong trào ngày càng rộng lớn, với các yêu sách ngày càng quyết liệt hơn, thậm chí hết sức mâu thuẫn, trong lúc bản thân phong trào cho đến nay đã không hề có được các đại diện được ủy nhiệm để thương lượng với chính phủ. Cuộc đối đầu giữa một chính phủ - vốn được coi là ít có năng lực đối thoại với dân chúng - với một phong trào phản kháng muôn hình, muôn vẻ, “không người đại diện”, khó hứa hẹn điều gì tốt lành, một kết thúc có hậu, một thỏa hiệp chấp nhận được với các bên.
Cho đến nay, các cuộc tuần hành tại Paris nói riêng và phản kháng nói chung trên khắp nước Pháp gây thiệt hại kinh tế ước tính hơn 10 tỉ USD.
H.Phan
AFP