Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Châu Phi trước cú sốc giá dầu

10:46 | 27/05/2020

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các nước sản xuất dầu mỏ ở châu Phi, đặc biệt là vùng hạ sa mạc Sahara, đã từng hứa sẽ cải cách nền kinh tế trong những đợt khủng hoảng giá dầu trước, lại một lần nữa đứng bên bờ vực khánh tận trước sự sụp đổ giá dầu do đại dịch Covid-19.

Mặc dù có sự phục hồi nhẹ trong những tuần gần đây, với giá khoảng 30 USD/thùng dầu Brent trên sàn InterContinentalExchange (ICE) ngày 19-5-2020, nhưng vẫn còn rất xa mức giá mà các nước sản xuất dầu dùng làm tham chiếu để tính toán ngân sách.

chau phi truoc cu soc gia dau
Châu Phi trước cú sốc giá dầu

Nigeria và Angola chiếm khoảng 40% và 30% trong số hơn 4 triệu thùng mỗi ngày được khai thác ở hạ sa mạc Sahara. Chính phủ hai nước đã tính toán ngân sách dựa trên mức giá 55 và 57 USD/thùng, đã phải hạ mức dự toán ngân sách xuống hơn 20 USD/thùng vào tháng trước.

Rơi vào tình trạng suy thoái liên tục kể từ năm 2016, Angola đã buộc phải sử dụng 1,3 tỉ euro từ quỹ quốc gia và đã đẩy nhanh chương trình tư nhân hóa - nhà kinh tế Carlos Rosado cho biết. Do phụ thuộc vào dầu mỏ, giá dầu sụp đổ do đại dịch Covid-19, Angola là một trong những quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nề nhất, theo Ngân hàng Thế giới. Ngày 24-4-2020, công ty dầu mỏ nhà nước Angola Sonangol công khai kêu gọi đấu thầu bán cổ phần trong 10 công ty, nhằm tập trung vào hoạt động cốt lõi. Sonangol phải loại bỏ các hoạt động không liên quan đến hoạt động cốt lõi của mình. Việc tái cấu trúc Sonangol là một phần trong dự án nhằm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp dầu mỏ, chiếm 90% xuất khẩu của Angola. Tổng thống Joao Lourenço lên nắm quyền vào năm 2017 với lời hứa sẽ vực dậy nền kinh tế Angola, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới mặc dù có nguồn thu đáng kể từ bán dầu. Kế hoạch của ông Joao Lourenço là tiết kiệm, tư nhân hóa và thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ, trong bối cảnh sản xuất vàng đen của Angola đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên.

Tại Congo, nước sản xuất dầu lớn thứ ba vùng hạ sa mạc Sahara, Tổng thống Denis Sassou Nguesso đã yêu cầu viện trợ khẩn cấp từ 300-500 triệu USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Algeria, nước lớn nhất trên lục địa châu Phi, vốn phụ thuộc vào dầu mỏ, không thoát khỏi bị ảnh hưởng từ khủng hoảng giá dầu giảm. Algeria dự đoán tăng trưởng kinh tế khoảng 1,8% với giá dầu dự kiến ở mức 60 USD/thùng. Sự sụp đổ của giá dầu từ năm 2014 đã khiến Algeria mất một nửa doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ, chiếm hơn 90% doanh thu từ bên ngoài đất nước. “Cuộc khủng hoảng hiện nay đã khiến chúng ta nhận thức về sự bấp bênh của nền kinh tế phụ thuộc vào tiền bán dầu”, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune thừa nhận. Ông Tebboune thông báo sẽ xem xét giảm 30% ngân sách hoạt động của nhà nước, giảm nhập khẩu từ 41 xuống còn 31 tỉ USD. Ngoài ra, Algeria sẽ không còn thuê các công ty tư vấn nước ngoài để tiết kiệm 7 tỉ USD mỗi năm. Sonatrach, công ty dầu mỏ nhà nước lớn nhất Algeria, sẽ phải giảm chi phí vận hành và chi phí đầu tư 7-14 tỉ USD...

Siva Prasad, nhà phân tích tại Rystad, cảnh báo: “Tình hình của các nước sản xuất dầu mỏ nhỏ không khác lắm so với các nước sản xuất dầu mỏ lớn trong khu vực”.

Gabon, Guinea Xích đạo và Chad sản xuất dầu mỏ ít hơn 10 lần so với Nigeria, nhưng dầu vẫn chiếm vị trí quan trọng trong tài chính công vì quy mô nhỏ của nền kinh tế. Mặt khác, các quốc gia này có “ẩn tình” chính trị khác nhau.

Tại Guinea Xích đạo, phần lớn dân số chưa thực sự thấy được lợi ích của dầu mỏ và không nhìn thấy khủng hoảng. Gabon có gần 100.000 công chức trên 2 triệu dân, việc giảm mức chi tiêu của Nhà nước sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với người dân - Benjamin Augé, nhà nghiên cứu tại trung tâm châu Phi của Viện Pháp quan hệ quốc tế (Ifri), phân tích.

“Một số quốc gia sản xuất dầu lớn đang chịu những căng thẳng cực độ về cán cân tài chính nay giá dầu sụp đổ có thể dẫn đến thu nhập từ dầu mỏ xuống mức thấp lịch sử” - Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo - “Ở một số nước vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, với giá dầu sụp đổ, chính phủ sẽ gần như không thể có tiền để tài trợ cho các lĩnh vực như y tế, việc làm trong khu vực công hoặc giáo dục”.

Từ năm 2014, khi giá vàng đen giảm xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng, các nước sản xuất dầu mỏ ở châu Phi đã đồng loạt “thề thốt” sẽ đa dạng hóa nền kinh tế để ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn. Vài năm sau, sự đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế ở các nước này gần như không thay đổi gì.

Ngoại lệ hiếm hoi, Ghana có nền kinh tế đa dạng hơn nhiều so với Nigeria, vì ngành dầu mỏ ở Ghana được phát triển muộn. Mãi những năm 2010, ngành dầu khí của Ghana mới rục rịch phát triển khi các nguồn tài nguyên khác đã được khai thác triệt để - Nj Ayuk, Chủ tịch Phòng Năng lượng châu Phi, cho biết.

Ngay cả khi giá dầu tăng lên, nguồn thu trong tương lai vẫn có khả năng bị ảnh hưởng. Những dự án dầu mỏ bị hoãn lại đến cuối năm 2021 hoặc thậm chí 2022 nhiều hơn so với các dự án được duy trì. Shell ở Nigeria, BP, Total và ENI ở Angola, ENI ở Ghana..., tất cả đều bị ảnh hưởng bởi giá dầu xuống thấp. “Chúng tôi đã đình chỉ tất cả các hoạt động khoan dầu ở Angola cũng như ở những nơi khác”, Olivier Jouny, Giám đốc điều hành của Total tại Angola cho biết. Các dự án dầu mỏ của Total tại Angola có mức chi phí khai thác khá cao, với gần 50 USD/thùng.

Theo các chuyên gia, hiện nay, chi phí sản xuất dầu ở Nigeria dao động 15-30 USD/thùng, so với gần 50 USD/thùng hồi 5 năm trước. Điều này cho thấy các công ty dầu mỏ đã thực hiện các biện pháp tích cực để cắt giảm chi phí.

Algeria dự đoán tăng trưởng kinh tế khoảng 1,8% với giá dầu dự kiến ở mức 60 USD/thùng. Sự sụp đổ của giá dầu từ năm 2014 đã khiến Algeria mất một nửa doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ, chiếm hơn 90% doanh thu từ bên ngoài đất nước.

S.Phuong