Châu Âu dọa bắt giữ tàu khoan của Thổ Nhĩ Kỳ
Các tàu khoan thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải |
"Trong trường hợp không có tiến triển từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi có thể đưa ra một danh sách các biện pháp hạn chế mới. Danh sách này sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 24 tháng 9”, ông Borrell cho biết sau một cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên EU tại Berlin.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy cho biết: "Việc EU viện đến lời đe dọa trừng phạt không giúp giải quyết được vấn đề. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết tâm hơn bao giờ hết”.
Căng thẳng giữa Ankara và Athens, vốn đang tranh chấp một số vùng lãnh hải ở phía Đông Địa Trung Hải, giàu hydrocarbon, đã leo thang trong tuần qua bằng các cuộc diễn tập quân sự, trong đó có cả các tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Hy Lạp, Síp, Pháp và Ý.
"Chúng tôi muốn cho cuộc đối thoại một cơ hội nghiêm túc và tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Đức - quốc gia đang giữ chức chủ tịch EU, trong việc tìm ra giải pháp", ông Borrell nói.
Nhưng do "sự thất vọng ngày càng tăng" với thái độ của Ankara, 27 bộ trưởng EU đã đồng ý trừng phạt những nhân vật mới - những người đã được Síp đề xuất tên - vì vai trò của những người này trong hoạt động khoan thăm dò trái phép của Ankara. Hiện tại, mới chỉ có 2 người chịu lệnh trừng phạt của EU.
Đại diện Liên minh châu Âu (EU) phụ trách ngoại giao Josep Borrell |
Khi được hỏi về "các biện pháp hạn chế" chống lại Thổ Nhĩ Kỳ có thể được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 24 tháng 9, ông Borrell cho biết có thể là lệnh cấm sử dụng các cảng của EU hoặc khả năng bắt giữ các tàu tham gia khoan thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông nói, các biện pháp trừng phạt nhắm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể được xem xét, nhưng chỉ ra rằng chúng sẽ chỉ được quyết định trong trường hợp những biện pháp nhắm vào ngăn cản việc khoan dầu khí của EU với Ankara tỏ ra không hiệu quả.
Về phần mình, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias nói với truyền thông Hy Lạp: "Tôi nghĩ rằng phía Hy Lạp đã đạt được những gì có thể, đó là các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ không giảm leo thang căng thẳng và không quay lại đối thoại".
Ông nói thêm: “Tôi hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tỉnh táo, ngừng các hành động khiêu khích, hành động tùy tiện và ngừng vi phạm luật pháp quốc tế”.
Cuộc khủng hoảng cũng đang làm gia tăng khoảng cách giữa các thành viên NATO. Trong cuộc điện đàm với ông Erdogan tuần trước, Tổng thư ký Liên minh Jens Stoltenberg nhấn mạnh sự cần thiết phải "đối thoại" và "giảm leo thang" Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan trả lời ông Stoltenberg rằng "NATO nên hoàn thành trách nhiệm chống lại các sáng kiến đơn phương không tôn trọng luật pháp quốc tế và gây tổn hại đến hòa bình khu vực".
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đảm bảo rằng ông muốn "tái tham gia một cuộc đối thoại công bằng" với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng với các "điều kiện tiên quyết". "Trong những năm gần đây, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là chiến lược của một đồng minh NATO", Tổng thống Macron nói.
Ông nói rằng Pháp không thấy hối tiếc về triển khai hai tàu chiến và hai máy bay Rafale để hỗ trợ Hy Lạp vào giữa tháng 8.
"Chúng tôi coi việc triển khai tàu khoan thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ là một sự khiêu khích", Tổng thống Pháp nói thêm.
Nh.Thạch
AFP
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường