Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Châu Á là thị trường tiêu thụ khí đốt hứa hẹn nhất của Gazprom

10:17 | 24/09/2021

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo giới chuyên gia Nga, Gazprom coi châu Á là thị trường xuất khẩu khí đốt hứa hẹn nhất. Tập đoàn hiện sở hữu trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới và có kế hoạch tăng sản lượng khí đốt xuất khẩu sang các thị trường châu Á, chủ yếu là Trung Quốc.
Châu Á là thị trường tiêu thụ khí đốt hứa hẹn nhất của Gazprom
Khánh thành đường ống dẫn khí Power of Siberia của Gazprom. Ảnh: Gazprom.

Hiển nhiên, châu Âu vẫn là thị trường chính của Gazprom, nhưng giới chức EU đang cản trở sự gia tăng nguồn cung khí đốt từ Nga, tiêu biểu là dự án North Stream 2, bất chấp tình trạng thiếu hụt khí đốt và giá nhiên liệu tăng kỷ lục tại thị trường này khi mùa đông sắp đến. Trang tin 1prime mới đây có bài viết phân tích về chiến lược thị trường của tập đoàn dầu khí Gazprom đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Châu Á là thị trường khí đốt triển vọng nhất

Trong khuôn khổ Đại hội kinh doanh quốc tế do Gazprom chủ trì vào tuần qua, Tổng giám đốc điều hành Gazprom Aleksei Miller cho biết, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là thị trường hứa hẹn nhất cho các nhà xuất khẩu khí đốt. Thị trường này có quy mô ngày càng lớn. Theo nhiều dự báo khác nhau, tăng trưởng tiêu thụ khí đốt tại khu vực này sẽ lên tới 1.500 tỷ m3/năm vào năm 2040 và 60% sản lượng trong đó đến từ các nguồn nhập khẩu.

Trong số các quốc gia tiêu thụ khí lớn tại châu Á, Trung Quốc nổi bật với nhu cầu khí đốt đang tăng nhanh. Theo ông Miller, tiêu thụ khí đốt tại quốc gia này trong nửa đầu năm 2021 đã tăng 15,5% và sản lượng nhập khẩu đã tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu của Tổng cục hải quan Trung Quốc, nhập khẩu khí đốt của nước này trong nửa đầu năm 2021 đạt 59,81 triệu tấn (trị giá 21,01 tỷ USD), tăng hơn 18,3% so với cùng kỳ 2020. Phần lớn nguồn khí nhập khẩu ở dạng nhiên liệu LNG.

Gazprom bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2019 sau khi hoàn thành xây dựng đường ống khí đốt Power of Siberia. Theo ông Miller, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổng lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống này đã vượt mốc 10 tỷ m3. Dự kiến trong năm nay, xuất khẩu khí đốt của Nga qua Power of Siberia sẽ lên tới 9 tỷ m3. Công suất thiết kế của đường ống Power of Siberia là 38 tỷ m3/năm và dự kiến sẽ được lấp đầy vào năm 2025. Trước đó vào năm 2014, Gazprom và tập đoàn dầu khí CNPC (Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong thời hạn 30 năm với tổng giá trị hợp đồng khoảng 400 tỷ USD. Phía Gazprom nhấn mạnh, ngay sau khi hợp đồng này được ký kết, Trung Quốc đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của Gazprom, đánh dấu sự hợp tác giữa nhà sản xuất khí đốt lớn nhất và nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất.

Bên cạnh đó, Gazprom cũng lên kế hoạch tăng nguồn cung sang thị trường châu Á. Ngoài việc xuất khẩu khí đốt qua đường đống Power of Siberia, Gazprom còn xuất khẩu khí đốt thiên nhiên sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ dưới dạng nhiên liệu LNG, thông qua công ty con Gazprom Marketing & Trading (đăng ký tại Singapore). Tập đoàn hiện đang vận hành nhà máy sản xuất khí hóa lỏng Sakhalin LNG trong khuôn khổ tổ hợp năng lượng Sakhalin. Công suất ban đầu của nhà máy đạt 9,6 triệu tấn/năm và hiện đã tăng lên kỷ lục 11,6 triệu tấn/năm (2020) do nhu cầu tiêu thụ tại khu vực châu Á-TBD tăng mạnh. Các đối tác Nhật Bản là những khách hàng chính của Sakhalin LNG, tiêu thụ 51,6% sản lượng của nhà máy.

Sau đại dịch, nhu cầu khí đốt thiên nhiên đang tăng nhanh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chủ yếu tại thị trường Trung Quốc khiến giá LNG tại đây tăng mạnh. Do đó, các nhà sản xuất LNG tại Mỹ và Qatar đã hướng dòng xuất khẩu khí đốt tập trung vào thị trường châu Á, giảm nguồn cung sang châu Âu về mức tối thiểu.

Tiềm lực của Gazprom

Trong bài phát biểu của mình tại Đại hội kinh doanh quốc tế, ông Miller cho biết, Gazprom sở hữu trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới và tập đoàn này sẽ không gặp vấn đề với trữ lượng của mình trong một trăm năm tới.

Khu vực sản xuất khí đốt chính của Gazprom nằm trên bán đảo Yamal. Theo lãnh đạo Gazprom, hoạt động sản xuất khí đốt tại các mỏ khí trong khu vực này sẽ kéo dài đến năm 2132 với cơ sở tài nguyên lớn nhất là mỏ khí Bovanenkovskoye, trữ lượng có thể phục hồi ước đạt 4.900 tỷ m3. Theo Gazprom, tổng trữ lượng các mỏ của hãng ở khu vực Yamal và trên thềm lục địa đã vượt ngưỡng 20.000 tỷ m3. Nhờ có trữ lượng tài nguyên khổng lồ, Gazprom có thể tăng đáng kể sản lượng trong trường hợp nhu cầu khí đốt đạt đỉnh. Theo ông Miller, sản lượng khí đốt bổ sung của hãng có thể đạt 150 tỷ m3.

Để cung cấp khí đốt từ Yamal, Gazprom đã hình thành hàng lang vận tải khí đốt, cho phép vận chuyển khí đốt đến vùng tây bắc Nga, bao gồm cả khu vực Ust-Luga. Cảng Ust-Luga sẽ là điểm khởi đầu của đường ống North Stream 2. Với công suất thiết kế 55 tỷ m3/năm, đường ống sẽ bổ sung đáng kể nguồn cung khí đốt trực tiếp từ Nga sang thị trường châu Âu.

Châu Âu không đủ khí đốt

Trong bài phát biểu của mình, lãnh đạo Gazprom cũng đề cập đến tình hình thị trường khí đốt ở châu Âu. Mùa đông lạnh giá năm 2020-2021 đã tiêu thụ lượng lớn khí đốt dự trữ từ các cơ sở lưu trữ ngầm dưới lòng đất, ước tính vào khoảng 66 tỷ m3. Ngoài ra, tốc độ lưu trữ khí đốt vào các kho ngầm trong mùa hè vừa qua đã chậm hơn khoảng 3 tuần so với cùng kỳ hàng năm. Theo tính toán của Gazprom, lưu trữ khí đốt ở châu Âu hiện đang thấp hơn 22,9 tỷ m3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Miller, châu Âu sẽ bước vào mùa đông năm nay với sự thiếu hụt dự trữ trong các kho chứa khí đốt ngầm do không thể bù đắp kịp trong năm 2021. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Gas Infrastructure Europe, tính đến ngày 16/9, tỷ lệ lấp đầy tại các cơ sở lưu trữ khí đốt châu Âu đã đạt 71,26%. Nếu tiếp tục bơm khí vào kho chứa với tốc độ hiện nay, thì tỷ lệ lấp đầy sẽ đạt khoảng 80% vào đầu mùa đông. Việc không đủ nguồn khí dự trữ có thể khiến giá khí trên thị trường giao ngay tăng mạnh.

Ông Miller nhấn mạnh, tình hình thị trường ở châu Âu đang ảnh hưởng đến giá cả và giá khí ở châu Âu đã phá vỡ tất cả các kỷ lục trước đó, thậm chí sẽ lập những kỷ lục mới trong tương lai gần. Trên sàn giao dịch TTF (Hà Lan), giá khí hợp đồng giao tháng 10 (15/09) đã tăng lên mức kỷ lục 963,9 USD/1000 m3, trước khi giảm xuống dưới 750 USD/1000 m3 và hiện đã quay trở lại trên mức 900 USD/1000 m3.

Trong năm 2021, Gazprom có kế hoạch xuất khẩu khoảng 183 tỷ m3 khí đốt sang các nước châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Tập đoàn có thể tăng nguồn cung ra thị trường nếu đường ống North Stream 2 sớm được EU cấp phép hoạt động. Châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu khí đốt chính, nhưng quan hệ giữa Gazprom và các đối tác EU trở nên phức tạp hơn trong những năm gần đây. Dưới áp lực của Mỹ, các cấu trúc của EU đang hành động đi ngược lại với lợi ích của các nền kinh tế phát triển nhất trong liên minh, cản trở việc gia tăng nguồn cung của Gazprom cho thị trường EU với lý do “độc lập năng lượng” khỏi Nga.

Tiến Thắng