Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chân dung nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc

07:00 | 23/12/2012

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 19/12, ứng cử viên của đảng bảo thủ cầm quyền Park Geun-hye đã giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử tổng thống và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Vì sao bà Park Geun-hye được người dân Hàn Quốc tin tưỏng?

Nhiều nhà bình luận đánh giá việc bà Park đắc cử như thắng lợi của chủ nghĩa nữ quyền. Đây là những nhận định không hoàn toàn chính xác. Thành công của Park Geun-hye không khỏi không liên quan tới nguồn gốc xuất thân của bà.

Bà là con gái của cựu Tổng thống Park Chung-hee, người lãnh đạo cứng rắn và có công lớn trong việc đưa kinh tế Hàn Quốc trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới từ những năm 1961-1979. Vì vậy, thành công của bà Park Geun-hye có nét tương tự với tình hình ở Nam Á, những nơi một số phụ nữ thuộc gia tộc chính trị có ảnh hưởng đã lần lượt lên nắm quyền, ví dụ bà Indira Gandhi ở Ấn Độ và bà Benazir Bhutto ở Pakistan.

Bà Park Geun-hye ăn mừng chiến thắng

Còn có những yếu tố nào khác đã mang lại chiến thắng cho bà Park Geun-hye? Thứ nhất, vai trò chính là tính chủ nghĩa khu vực ở Hàn Quốc. 86% cử tri ở tỉnh bắc Cholla và 92% cử tri thành phố Gwangju ủng hộ ứng cử viên đối lập Mun Jae In. Cả hai khu vực này là chỗ dựa quan trọng của phe đối lập, thường được gọi là "các lực lượng tiến bộ". Họ vốn từng căm ghét cha bà Park Geun-hye. Mặt khác, bà Park Geun-hye giành được lá phiếu của 80% người đi bầu tỉnh bắc Gyeongsang và thành phố Daegu. Thành phố và tỉnh này là những trụ cột truyền thống của các lực lượng “bảo thủ” tại Hàn Quốc.

Tuổi tác cũng là một yếu tố đóng vai trò. Người Hàn ở độ tuổi 30 – 40 tích cực bổ phiếu chống bà Park Geun-hye. Quan điểm chính trị của họ được hình thành trong thập niên 1980 và đầu những năm 1990, khi bày tỏ thiện cảm với chế độ Park Chung-hee bị coi là việc làm không đứng đắn trong các trường đại học. Còn những cử tri lớn tuổi ủng hộ bà Park Geun-hye nhờ rằng cha bà đã để lại ấn tượng tích cực trong đa số họ. Đối với giới trẻ, tướng Park Chung-hee là một nhà độc tài. Còn các thế hệ trước coi ông như cha đẻ của phép lạ kinh tế Hàn Quốc.

Trong khi đó, bản sắc giới tính của người chiến thắng lại không có tác động đáng chú ý vào kết quả cuộc bầu cử. Mặc dù nữ giới Hàn Quốc có vẻ dễ dàng bỏ phiếu cho bà Park Geun-hye hơn cánh đàn ông, nhưng chỉ số chênh lệch vẫn rất thấp. Bà Park Geun-hye được 51,1% cử tri nữ hỗ trợ và 49,8% cử tri nam ủng hộ.

Tuy nhiên, chỉ những tính chất khu vực, tuổi tác hay giới tính không thôi chẳng thể xác định được kết quả của cuộc bầu cử. Một yếu tố khác đã đóng vai trò quyết định ở đây.

Giống như đối thủ chính Moon Jae In, bà Park Geun-hye tham gia tranh cử với khẩu hiệu mở rộng các chương trình xã hội. Nhiều người thậm chí còn nói rằng, thực sự cánh hữu ở Hàn Quốc đã giật chương trình của cánh tả Hàn Quốc. Điều này không hoàn toàn như vậy: dường như trong xã hội Hàn Quốc đã hình thành một sự đồng thuận về vấn đề chương trình xã hội. Hầu hết người Hàn Quốc không coi lý tưởng của mình là Mỹ với một thị trường tự do, mà họ chọn mẫu hình các nước Bắc Âu, nơi thực hiện chính sách dân chủ xã hội. Mặc dù cả hai ứng cử viên đều nói về sự cần thiết tăng mạnh các chi tiêu xã hội, bà Park Geun-hye là người đề ra chương trình có vẻ ôn hòa hơn, được đa số cử tri nhận thấy thực tế hơn.

Ngoài ra, bà Park Geun-hye được xem như một sự bảo đảm thực hiện chính sách ổn định và có tính kế tục. Người ta thường nói rằng Tổng thống Lee Myung-bak hiện nay không chiếm được cảm tình của người dân. Đó là sự thật, là số phận của tất cả các tổng thống Hàn Quốc. Nhưng mặc dù phê phán ông Lee Myung-Bak, cử tri Hàn Quốc nói chung không muốn những thay đổi đột ngột, họ hi vọng đường lối đã vạch ra sẽ được tiếp tục, dù với những điều chỉnh không thể tránh khỏi.

Rào cản nào ở phía trước?

Theo đánh giá của giới phân tích, trên cương vị tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc, bà Park Geun-hye sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề hóc búa. Về đối nội, chính quyền mới có kế hoạch xúc tiến xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Jeju, cải thiện năng lực của lực lượng cảnh sát biển, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp quản quyền chỉ huy thời chiến từ Mỹ vào năm 2015 và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Ngoài ra, để hiện thực hóa mô hình kinh tế mới, chính quyền của bà Park Geun-hye dự định sẽ thành lập Bộ Khoa học và Sáng tạo để hỗ trợ công cuộc cải cách và tạo thêm việc làm. Bà Park cũng cam kết sẽ giải quyết thỏa đáng các vấn đề nổi cộm trong xã hội dân sự Hàn Quốc hiệu nay như tình trạng quá tải giáo dục, nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ, nguy cơ mất việc làm trong nhóm lao động trên 40 tuổi và tình trạng người già bị bỏ rơi.

Về cơ cấu chính phủ mới, bà Park cam kết tôn trọng quyền lựa chọn các thành viên của Thủ tướng. Ngoài ra, nữ Tổng thống Hàn Quốc cũng sẽ xem xét khả năng sửa đổi Hiến pháp theo hướng rút ngắn thời gian nắm quyền một nhiệm kỳ xuống còn 4 năm so với 5 năm hiện nay.

Về đối ngoại, trong vấn đề Triều Tiên, bà Park dự kiến thực thi chính sách tiếp cận linh hoạt, kết hợp răn đe với can dự. Theo bà, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể đạt được trên cơ sở nỗ lực chung của hai phía. Riêng Hàn Quốc, chính phủ mới sẽ duy trì chính sách mở cửa để cải thiện quan hệ với chính phủ Bình Nhưỡng, nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo, tái tổ chức hoạt động đoàn tụ các gia đình ly tán và tăng cường trao đổi thương mại liên Triều, trong đó có kế hoạch mở rộng khu công nghiệp chung Kaesong. Tuy nhiên, bà Park cũng bày tỏ lo ngại về vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa của Triều Tiên vừa qua, cho rằng hành động này đang khơi lại quan ngại về an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Trong quan hệ với các nước khác, bà Park Geun-hye cam kết duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với các nước, chú trọng nâng mức quan hệ với quốc gia láng giềng Trung Quốc và ưu tiên tăng cường liên minh với Mỹ. Hàn Quốc cũng sẽ cân nhắc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương với Mỹ khi điều kiện cho phép.

Một vấn đề nữa cần theo dõi là liệu Hàn Quốc và Nhật Bản có thể kiềm chế những bất đồng của hai nước hoặc ít nhất tìm kiếm một giải pháp để đảm bảo những bất đồng hiện nay không vượt khỏi tầm kiểm soát. Việc trở lại nắm quyền của Đảng Dân chủ Tự do ở Nhật Bản sẽ gây nhiều khó khăn cho Seoul, đặc biệt do vấn đề nhạy cảm của những "phụ nữ bị làm nhục" và thực tế ông Shinzo Aben, tân Thủ tướng Nhật Bản, phủ nhận người Nhật Bản cưỡng bức những phụ nữ Hàn Quốc đó làm nô lệ tình dục trong Chiến tranh Thế giới Thứ II.

Thực tế trách nhiệm đối với mối quan hệ tích cực với Nhật Bản dưới chính quyền của bà Park sẽ thuộc về Nhật Bản, đặc biệt do bà Park là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, bà ta sẽ không bỏ qua vấn đề phụ nữ bị làm nhục. Điều này cho thấy rõ ràng Chính phủ Nhật Bản phải điều chỉnh lập trường về vấn đề này như một điều kiện tiên quyết để có thể thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc. Nếu các mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên xấu đi, vai trò trung gian của Mỹ sẽ trở nên ngày càng quan trọng.

Bà Park Geun Hye (giữa) chụp cùng cha là ông Park Chung Hee và mẹ là bà Yuk Young Soo với hai người em ở Seoul

Thân thế và sự nghiệp nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc

Tổng thống tân cử Hàn Quốc, bà Park Geun-hye, không phải là một nhân vật xa lạ trong giới chính trị Hàn Quốc từ bốn thập niên qua.

Ngày 15/8/1974, một vụ ám sát hụt đã diễn ra tại nhà hát quốc gia thủ đô Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee thoát chết nhưng vợ của ông đã tử thương. Kể từ đó, cô con gái lớn Park Geun-hye được coi là đệ nhất phu nhân, làm việc bên cạnh bố cho đến năm 1979 khi Park Chung-hee bị hạ sát bởi chính tay giám đốc an ninh tình báo của mình.

Park Chung-hee là một tướng quân đội, nắm chính quyền năm 1961 bằng một cuộc đảo chính quân sự. Ông tiếp tục làm tổng thống nhiều nhiệm kỳ liên tục trong 16 năm qua những cuộc bầu cử được gọi là dân chủ bắt đầu được tổ chức từ hai năm sau đó. Thực chất khi đó, Hàn Quốc sống dưới một chế độ độc tài đàn áp và không tôn trọng nhân quyền. Công bằng mà nói, Park Chung-hee là người vừa có công lại vừa có tội. Năm 2007, bà Park Geun-hye đã lên tiếng bày tỏ sự ân hận về những hành động đàn áp thành phần đối lập của cha mình, với lý do tập trung mọi nỗ lực cho sự phát triển kinh tế.

Bà Park Geun-hye sinh ngày 2/2/1952, tại Daegu, có một em trai và một em gái. Bà theo đạo Phật và chưa bao giờ lập gia đình. Tốt nghiệp kỹ sư điện Ðại học Sogang, bà tiếp tục học thêm tại Ðại học Grenoble, Pháp, nhưng phải bỏ dở trở về nước khi mẹ chết và sau đó chỉ nhận được bằng tiến sĩ danh dự Ðại học Văn hóa Ðài Loan và các đại học khác trong nước.

Bà đắc cử đại biểu Quốc hội năm 1998 và tái đắc cử ba nhiệm kỳ liên tiếp sau đó cho tới tháng 4/2012. Bà tham gia đảng Ðại Dân Tộc (GNP), tới năm 2011 đổi tên thành Saenuri và từ khi được bầu làm chủ tịch, bà đã đảng lãnh đạo thành công trong nhiều kỳ bầu cử khó khăn. Trong cuộc vận động tranh cử năm 2006, bà bị một kẻ tấn công bằng dao, làm đứt một đường dài 11 cm trên mặt, phải giải phẫu trong nhiều giờ và khâu 60 mũi.

Năm 2008, bà không thành công trong dự định tranh cử tổng thống vì đảng Ðại Dân tộc chọn ông Lee Myung-bak với một số phiếu chỉ hơn bà Park Geun-hye rất ít.

Theo một thăm dò dư luận hồi đầu năm nay của Viện nghiên cứu Hàn Quốc thì trong số 12 chính trị gia có triển vọng ứng cử tổng thống, bà Park Geun-hye là người có lập trường bảo thủ hơn hết. Quan điểm ấy thể hiện qua kỳ bầu cử năm 2008. Bà chủ trương kinh tế thị trường, giảm thuế, bớt các quy định, bênh vực sự duy trì luật pháp và trật tự chặt chẽ.

Tuy nhiên, từ năm 2009, bà bắt đầu hướng tới các vấn đề xã hội nhiều hơn. Bà được coi là một chính trị gia có lập trường cứng rắn không thỏa hiệp và bị những người đối lập phê phán là “con gái nhà độc tài”. Nhưng bà được dân chúng ủng hộ vì vào lúc tình hình kinh tế khó khăn, họ tin tưởng tới những thành công từ chế độ của cha bà. Tổng thống Park Chung-hee là người có công lớn nhất trong công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo với sự nở rộ của các tập đoàn tư nhân khổng lồ. Chính ông đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc hồi sinh từ đống đổ nát sau cuộc nội chiến, để rồi đi lên từ một đất nước nghèo nàn thành một trong những con hổ của châu Á.

Những nhận xét lạc quan tin tưởng rằng bà Park Geun-hye là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Hàn Quốc kể từ thế kỷ thứ 9 và người ta hy vọng bà có thể đem lại cho Hàn Quốc một sinh lực mới.

H.Phan (Tổng hợp)