Cậu bé mù chơi 5 loại nhạc cụ
Thành tích của Bùi Ngọc Thịnh vừa được ghi danh vào sách kỷ lục Việt Nam. Dù có số phận không may mắn vì bị mù ngay từ lúc chào đời nhưng cậu bé đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt với âm nhạc.
Năng khiếu thiên bẩm
Đồng hành cùng kỷ lục gia nhí Bùi Ngọc Thịnh là ba và mẹ em: chị Lê Thị Thu Thủy và anh Bùi Văn Lộc cũng là 2 người khiếm thị. Cả gia đình 3 người ấy bước vào khán phòng với gương mặt rạng ngời hạnh phúc trong sự chào đón của mọi người dù họ không nhìn thấy được những người xung quanh mình.
Chị Thủy tâm sự, khi mang thai Thịnh chị luôn mang trong lòng niềm hi vọng đứa con thân yêu chào đời sẽ có đôi mắt sáng nhưng khi Thịnh được 6 tháng tuổi, mọi người trong gia đình phát hiện mắt Thịnh có vấn đề, mỗi lần đưa đồ chơi cho Thịnh không trúng tay thì em không cầm, đút cơm không đúng miệng thì em không há miệng. Mọi người bắt đầu sinh nghi nhưng vẫn không muốn tin điều bất hạnh đã diễn ra với ba mẹ em giờ lại tiếp diễn với cuộc đời em. Khi Thịnh được 1 tuổi, trong một lần đưa con đi khám bệnh, bác sĩ cho biết Thịnh bị mù bẩm sinh.
Chị Thủy chia sẻ “Lúc đó tôi gần như ngã gục, không còn điều gì đau đớn hơn. Nếu biết trước như thế này tôi đã không sinh con. Cả 2 vợ chồng mù đã khổ giờ lại thêm con cũng bị mù không biết cuộc sống sẽ đi về đâu?”.
Tuy nhiên, chính đứa con ấy đã đem đến cho vợ chồng anh Lộc, chị Thủy nhiều niềm vui trong cuộc sống. Không có đôi mắt sáng như những đứa trẻ khác nhưng Thịnh sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc thiên bẩm. Ba tuổi Thịnh mới bắt đầu tập đi, lên 4 tuổi Thịnh vẫn chưa đứng vững nhưng đáng nhạc nhiên là khi được ba mẹ dẫn đến đội văn nghệ của Hội Người mù huyện Ninh Hòa, khi tay trống trong đội vừa buông dùi nghỉ là cậu bé liền mò tới lấy tay gõ vào mặt trống.
Đến năm 6 tuổi, Thịnh xin bố mẹ cho được đi học đánh trống. Dù biết Thịnh còn nhỏ nhưng vì thương con, anh chị vẫn tìm thầy cho cậu bé học. Không thể nhìn thấy bằng mắt, Thịnh học bằng cách sờ tay lên mặt trống và tự cảm nhận những âm thanh phát ra rồi tập lặp lại. Một năm sau, cậu bé đã có thể đánh hơn 100 điệu trống khác nhau.
Lên 7 tuổi, Thịnh lại năn nỉ mẹ cho đi học ghi-ta cổ điển. Cây đàn thùng khi đó còn to cao hơn cả người Thịnh. Về việc học ghi-ta cổ, Thịnh kể em gặp sự phản đối của gia đình, em buồn quá cứ khóc hoài suốt mấy ngày. Cuối cùng ba mẹ cũng cho đi học nhưng chặng đường học loại đàn này cũng gian nan lắm.
Thịnh nhớ lại: "Học đàn ghi-ta cổ phải dùng lực ngón tay rất mạnh nên những ngày đầu các ngón tay của em đều bị tứa máu. Nhiều hôm máu chảy bết dính cả vào dây đàn nhưng em chưa bao giờ thấy nản, phải học cho đến cùng. Em bị mù, ít có bạn chơi cùng nên muốn học đàn vì nghe trên đài có nhiều người cũng khiếm thị như em mà chơi đàn rất giỏi”.
Học cả ngày với thầy giáo, về đến nhà cậu bé lại lao vào mải miết tập luyện đến 10 giờ đêm. Hai tháng đầu, cậu đã chơi thành thạo 36 điệu nhạc cổ. Đến nay, Thịnh đã chơi được gần 150 điệu, trong đó có những điệu khó như Tây Thi.
Lên 9 tuổi, Thịnh tiếp tục học đàn organ, rồi đàn sến, đàn nhị. Cứ thạo nhạc cụ này em lại đòi học tiếp nhạc cụ khác. Em bảo “Em muốn học nhiều loại nhạc cụ vì muốn được làm việc liên tục, khi dàn nhạc người ta chơi đàn ghi-ta cổ rồi thì em chơi đàn sến, người ta chơi đàn sến thì em chơi đàn nhị, người ta chơi organ, em chơi trống…”.
Đứa con trời ban
Gia đình anh Lộc, chị Thủy sống nương tựa nhau ở Hội Người mù huyện Ninh Hòa. Hội không được trợ cấp tiền từ Nhà nước, các hội viên phải làm nhiều việc để sinh nhai: bó chổi, làm hương trầm, tăm tre… Thu nhập từ những công việc này của mỗi người khoảng mười mấy ngàn đồng mỗi ngày, tháng nào nhiều lắm thì được 500.000 đồng.
Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng chị Thủy luôn cố gắng dè sẻn, dành dụm tiền cho con đi học đàn. Biết cha mẹ vất vả nhưng niềm đam mê đã luôn thôi thúc Thịnh đến với âm nhạc.
Chơi thành thạo 5 loại nhạc cụ, Thịnh muốn học tiếp đàn violon và đàn tranh. Thịnh cười bẽn lẽn nói: "Em đã chơi thử đàn violon rồi, không đến nỗi khó lắm nhưng nó đắt quá, bố mẹ chưa mua cho em học. Còn với đàn tranh thầy giáo nói chỉ những người sáng mắt mới học được vì khi đeo móng tay vào, người chơi không thể cảm nhận dây bằng ngón tay nữa nhưng em rất mê âm thanh của loại nhạc cụ này và nghĩ mình sẽ học được…”.
Thịnh còn nuôi ước mơ sau này sẽ trở thành một nhạc sĩ và hiện giờ cậu đã sáng tác được 3 bài hát. Thịnh nói: “Em sẽ cố gắng rèn luyện để trở thành nhạc sĩ. Em mong muốn có môi trường học tập tốt để phát huy hết khả năng của mình”.
Ba bài hát Thịnh sáng tác đều lồng vào đó những tâm sự của em gồm bài: “Cho ta, Ước mơ và Tung tăng” trong đó Thịnh đặc biệt thích bài “Cho ta”. Thịnh chia sẻ: “Em thấy ba mẹ cực quá nên viết bài này để thể hiện tình yêu thương ba mẹ. Lần đầu tiên em đàn organ và hát bài này, ba mẹ em đã rất xúc động”. Đây cũng là bài hát Thịnh trình bày cùng đàn organ trong buổi trao kỷ lục Việt Nam “…Cha mẹ sinh ra ta. Cho ta cả cuộc đời. Bầu trời xanh bao la. Không phủ kín tình cha. Biển rộng xanh mênh mông. Không đong đầy tình mẹ. Mai sau lớn nên người. Con xây đắp cho đời. Công ơn cha với mẹ. Suốt đời con không quên”.
Chị Thủy tự hào hướng về cậu con trai giỏi giang nói trong hạnh phúc: “Vậy là trời cũng đã thương vợ chồng tôi nên mới cho Thịnh khả năng chơi được nhiều loại nhạc cụ. Vợ chồng tôi chỉ mong ước sau này Thịnh lớn lên, nhờ vào khả năng thiên phú này mà em có thể nuôi sống được bản thân và gia đình mình. Được vậy là vợ chồng tôi yên tâm và mãn nguyện lắm”.
Mai Phương
-
Tổng thống Bulgaria tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển