Cắt giảm chi tiêu công, nhìn từ góc độ vĩ mô
Ở tầm vĩ mô, đầu tư công là một trong ba lĩnh vực cần tái cấu trúc trong nền kinh tế tổng thế của Chính phủ. Đây được xem là giải pháp tình thế, nhằm hạn chế lạm phát đã và đang phi nước đại. Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có đang đổ “oan” cho đầu tư công hay không? Liệu đầu tư công có đúng là thủ phạm gây ra lạm phát? Và nếu tái cấu trúc thì nên như thế nào?
Có một thực tế là những công trình công cộng hay phúc lợi thường không sinh ra lợi nhuận trước mắt, nên các doanh nghiệp hiếm khi mặn mà theo đuổi hay muốn đầu tư lâu dài. Thường thì những dự án đó mang tầm vóc ý nghĩa quốc gia và cho xã hội nên việc Chính phủ phải làm hay phải đầu tư là chuyện khá dễ hiểu. Đầu tư công là nhiệm vụ của Chính phủ. Vì chỉ có Chính phủ mới được phép dùng thuế của dân để đầu tư công, cũng chỉ có Chính phủ mới có thể vay vốn ODA, hay các khoản vay dài hạn với tiền lời rất thấp…
Thời nào, xã hội nào cũng phải đối diện với bức tranh tương phản giàu – nghèo. Thời nào, xã hội nào cũng có cảnh “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Nên nhiệm vụ của Nhà nước, nhất là Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa chính là đem lại công bằng xã hội thông qua đầu tư công. Đầu tư công là hoạt động rất cần, rất chính đáng, thậm chí, được xem như nhiệm vụ hiển nhiên của Chính phủ.
Vậy tại sao lại có nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư công quá tốn tiền, không sinh ra lợi nhuận, đầu tư càng nhiều thì lạm phát càng lớn, giá cả sẽ tiếp tục tăng cao… rồi thì cần cấp bách cắt giảm đầu tư công để hạn chế lạm phát… Về vấn đề này, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng đó là một quan niệm không đúng. Đầu tư công không thể, không bao giờ là thủ phạm của lạm phát, của bão giá. Mà ngược lại, còn có vai trò quan trọng nhằm ổn định kinh tế theo hướng bền vững. Nếu như đầu tư công có dính dáng đến lạm phát thì là do quy hoạch sai, quá trình triển khai thực hiện có những lỗ hổng, sử dụng sai mục đích, hoặc thậm chí quản lý sai. Bản chất của đầu tư công không phải là lãng phí. Mà chỉ là do quá trình quy hoạch, thực hiện, và quản lý đã gây ra thất thoát lãng phí. Đổ hết lỗi cho đầu tư công, suy cho cùng, là một hình thức “chạy án” của những người đứng đằng sau nó mà thôi.
Thực tế, quy hoạch sai các dự án công, không phải là chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam. Duy ý chí, địa phương cục bộ, chia sẻ quyền lực, tham nhũng tắc trách… cũng không phải là chuyện riêng có ở Việt Nam. Khi phân bổ sai, thì tiền cũng sẽ đi sai đường, nhẽ ra vào trường học, bệnh viện thì lại vào du lịch khu nghỉ mát – vốn là các dự án đầu tư tư nhân. Giao cho địa phương quản lý không theo dõi, bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích rồi rốt cuộc tội vạ giáng hết xuống “ông” đầu tư công. Khi ngân sách Nhà nước bị thất thoát phí phạm, thì tiền không còn là đầu tư nữa mà đã thành chi phí, vô hình chung đầu tư công trở thành gánh nặng kinh tế của Nhà nước, thành yếu tố gây ra thất thoát, lạm phát. Những mục đích đúng đắn, những trọng trách an sinh cao cả của đầu tư công không được đảm bảo, mà đã bị lợi dụng bởi các thế lực ở địa phương, của những nhóm lợi ích đứng sau dự án…
Trước khi bắt tay vào tái cấu trúc nền kinh tế tổng thể, trong đó có tái cấu trúc đầu tư công, thiết nghĩ, cần nhìn nhận đúng về đầu tư công, về ích lợi, về bản chất, về những oan sai mà đầu tư công đang phải gánh chịu, để từ đó, không chỉ “minh oan” cho đầu tư công, mà còn đưa ra những giải pháp đúng đắn đối với vấn đề này. Nhất là trong lộ trình tái cấu trúc lắm gian nan phía trước. Chỉ khi giải quyết được hai vấn đề luôn gắn với đầu tư công là hiệu quả thấp và môi trường thuận lợi cho phí phạm, tham nhũng thì lúc đó mới có thể trả lại tiếng thơm trong sạch cho đầu tư công.
Đầu tư công là những công trình đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, những dự án xã hội, những công trình cơ sở hạ tầng hay phúc lợi như giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, các chương trình có mục tiêu quốc gia phục vụ công ích, không nhằm mục đích kinh doanh để thúc đẩy phát triển đất nước. Đầu tư công trong nhiều năm qua chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. |
Thành Lê
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Xem xét lại phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp
-
Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thu về 339 tỷ đồng
-
Doanh nghiệp Nhà nước cần được tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả kinh doanh
-
Giá vàng hôm nay (30/10): Tiếp đà tăng mạnh
-
Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân
-
Các hiệp hội đứng về nông dân đồng loạt ‘mong’ áp thuế GTGT phân bón 5%
-
Giá vàng hôm nay (29/10): Tiếp tục tăng mạnh
-
Chậm thay đổi chính sách thuế GTGT phân bón có thể khiến nông sản Việt thua thiệt trên trường quốc tế