Cảnh báo tình trạng buôn người qua biên giới
4.000 người bị bán
Mới đây, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Chương trình hành động của Liên Hiệp Quốc về hợp tác chống nạn buôn bán người (UN-ACT) đã tổ chức hội nghị “Tìm kiếm cơ hội hợp tác trong phòng chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại”. Tại hội nghị, Thiếu tá Phạm Mai Hiên - Phó trưởng phòng 9, Cục Tham mưu Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, từ năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng của Việt Nam đã phá trên 2.000 vụ với 3.200 đối tượng lừa bán gần 4.000 nạn nhân, chủ yếu ra nước ngoài. Trong đó, 80% số vụ buôn bán người qua biên giới sang Trung Quốc, Lào, Campuchia với các thủ đoạn xuất cảnh lao động, bán phụ nữ làm vợ, ép bán dâm, xuất cảnh bằng du lịch, thăm thân nhân rồi bán sang nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dave Pennant - cán bộ cao cấp đặc trách Việt Nam thuộc Bộ Nội vụ Vương quốc Anh nói: “Cuộc chiến buôn bán người và nô lệ vẫn chưa kết thúc, nạn nô lệ chưa bị đẩy lùi về quá khứ và ngay bây giờ vẫn còn những số phận đang phải sống trong tình trạng sợ hãi và bị đối xử vô nhân đạo ở các nước trên thế giới. Những kẻ buôn người và chủ nô đứng sau nạn nô lệ thời hiện đại đang bóc lột và lạm dụng những mảnh đời vô tội”.
Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 45 trường hợp xuất cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả |
Cũng theo ông Dave Pennant, Đại sứ quán Anh đã và đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam trong công tác triệt phá tội phạm, truy tố những kẻ phạm tội và hỗ trợ nạn nhân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Công tác hợp tác quốc tế trong việc đấu tranh với loại tội phạm toàn cầu này hết sức quan trọng và có vai trò thiết yếu nhằm đẩy mạnh hành động, chung tay truy bắt tội phạm buôn người, giúp các nạn nhân được tự do.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn buôn bán người là do tình trạng thiếu lao động phổ thông ở một số nước có đường biên giới chung với Việt Nam. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như tình hình mất cân bằng giới tính, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và chấp hành pháp luật trong nhân dân còn hạn chế, chưa sâu rộng, phần lớn nạn nhân chưa có thông tin khi tìm việc làm hoặc lấy chồng nước ngoài nên dễ bị lừa gạt, không có kỹ năng tự bảo vệ mình.
Để hạn chế tình trạng này, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn bán người, cũng như tham gia các công ước quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người. Triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương về phòng chống tội phạm buôn bán người, như nghị định thư về việc phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Kiên quyết điều tra khám phá, xử lý nghiêm các vụ án buôn bán người, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm buôn bán người xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, bắt, xử lý các đối tượng phạm tội.
Thủ đoạn lừa việc làm
Là một trong những địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc, những năm gần đây, Lạng Sơn đã đấu tranh có hiệu quả với các ổ nhóm buôn bán người, qua đó giải cứu hàng trăm trường hợp bị lừa bán sang bên kia biên giới. Đơn cử như vụ giải cứu hai thiếu nữ bị lừa bán sang Trung Quốc vào ngày 22-3-2017. Chỉ vì tin lời của người bạn quen qua mạng xã hội facebook, hai thiếu nữ quê ở Hải Phòng đã bị Lê Văn Việt và Lê Văn Luận (cùng ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) lừa bán sang Trung Quốc. Thủ đoạn của các đối tượng này là lên mạng xã hội làm quen với các cô gái trẻ, sau đó rủ nạn nhân lên biên giới chơi và bán sang Trung Quốc.
Hay vụ tiếp nhận 45 công dân Việt Nam cư trú tại các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị và Quảng Bình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê vào giữa tháng 3-2017. Do không có giấy tờ hợp pháp nên 45 người này đã bị công an nước sở tại bắt giữ 35 ngày. Trải qua quãng thời gian bị giam giữ nơi đất khách, trắng tay trở về nước, cộng thêm một khoản nợ vay mượn để làm lộ phí, những công dân này vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi.
“Đang không có việc làm, khi nghe mọi người rủ sang Trung Quốc làm cho công ty, vợ chồng tôi cũng đi theo. Chúng tôi bắt xe lên Lạng Sơn đi qua đường tiểu ngạch sang đến đất Bằng Tường thì bị Công an Trung Quốc bắt do nhập cảnh trái phép. Vợ chồng tôi bị giam giữ cùng với mấy trăm người. Bây giờ tôi quá sợ không dám đi nữa…” - anh Phùng Văn Khánh (21 tuổi, ở thôn Tô Xã, xã Quảng Phường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) ngậm ngùi chia sẻ khi vừa được Công an tỉnh Lạng Sơn đón về nước.
Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, các trường hợp xuất cảnh trái phép ra nước ngoài phần lớn là những người nông dân nghèo. Họ xuất cảnh vào những lúc nông nhàn, thất nghiệp và mục đích chủ yếu là tìm việc làm có thu nhập chính đáng. Thế nên, khi bị một số người rủ rê, lôi kéo, vẽ ra ảo tưởng kiếm tiền dễ dàng ở nước ngoài khiến họ tìm đến địa bàn biên giới Lạng Sơn, vượt biên trái phép sang Trung Quốc.
Do thiếu hiểu biết, ngôn ngữ bất đồng nên khi ra nước ngoài làm thuê kiếm sống rất khó khăn, vất vả. Nhiều trường hợp mất hết tài sản, bị bắt giam phải làm công ích nhiều ngày, thậm chí có trường hợp phải trả giá đắt bằng cả tính mạng.
Thượng tá Lý Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ đầu tháng 3-2017 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị tiếp nhận 114 công dân Việt Nam từ phía Công an Trung Quốc trao trả. Để tránh những hậu quả xấu khi ra nước ngoài làm thuê, công dân hãy tìm hiểu thông tin chính xác về công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động hay không, địa chỉ rõ ràng không, quyền lợi ra sao. Khi đi phải đăng ký làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp.
“Để ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, chúng tôi đã làm tốt công tác tham mưu, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là không ngừng cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy thông hành, hộ chiếu. Thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xuất cảnh trái phép qua các đường mòn biên giới. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng nắm tình hình, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện đấu tranh triệt xóa các đường dây, tổ chức đưa dẫn người xuất cảnh trái phép…” - Thượng tá Lý Anh Tuấn nói.
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước TOC (Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia) và Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp, trừng trị tội phạm mua bán người. Tham gia Công ước và Chương trình hành động ASEAN về phòng, chống mua bán người. Đồng thời, Việt Nam cũng đã xây dựng Đề án “Truyền thông về phòng chống mua bán người”. Xây dựng chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng; lập đường dây nóng về phòng chống mua bán người. |
Thiên Minh - Xuân Hinh
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng