Cần dẹp ngay… “đinh tặc”!
Ba người chết vì một chiếc đinh
Với những người dân ở xã Tân Khai (Hớn Quản, Bình Phước) thì vụ tai nạn này đã để lại nhiều ám ảnh. Thông tin ban đầu cho biết, anh Lâm Hoàng Hiệp điều khiển xe tải mang biển số 93C-058.75 chở hàng đông lạnh đang lưu thông theo hướng từ TP Hồ Chí Minh đi thị xã Bình Long (Bình Phước). Đến đoạn ấp 3 (xã Tân Khai) do xe chạy với tốc độ khá cao nên khi xe bị cán phải đinh, lốp trước của xe bị nổ.
Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Sự việc khiến tài xế Hiệp mất lái rồi đâm thẳng vào xe đầu kéo mang biển số 51R-0473 đang nằm bên lề đường đối diện. Cú tông quá mạnh khiến anh Hiệp cùng hai người đàn ông ngồi trên cabin xe tử vong tại chỗ.
Vụ tai nạn kinh hoàng này đã cướp đi sinh mạng của 3 con người.
Sự việc này một lần nữa gây phẫn nộ trong dư luận. Bởi đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những cái chết tang thương từ… “đinh tặc”.
Cách đây hơn chục năm, “đinh tặc” đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều người đi đường. Năm 2013, tại xã Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũng xảy ra một vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân cũng chính là do đinh tặc. Hai thanh niên đi xe máy hướng từ Đồng Nai về TP HCM, khi đến đoạn đường thuộc xã Bình Thắng thì bất ngờ xe máy cán phải đinh và bị nổ bánh sau, khiến chiếc xe bị lật bất ngờ, cả hai người ngã xuống đường. Cùng lúc đó, một chiếc xe tải lao tới, cán ngang qua hai người, vụ việc này làm một người chết tại chỗ và một người bị thương nặng.
Mặc dù liên tiếp những vụ tai nạn thương tâm, cơ quan truyền thông báo chí đã nhiều lần lên tiếng cảnh tỉnh, thế nhưng qua các năm, nạn “đinh tặc” vẫn chưa có dấu hiệu nguôi nóng. Ở miền Bắc, trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hay Quốc lộ 5… đã một thời, “đinh tặc” trở thành nỗi ám ảnh của nhiều tài xế. Còn TP HCM, báo chí liên tục phản ánh việc các con đường ven của TP HCM bị rải dày đặc đinh. Mỗi ngày cơ quan chức năng thu được cả kilôgam đinh trên các tuyến đường.
Hiện trường vụ tai nạn khiến 3 người chết ở Bình Phước |
Xử đinh tặc thế nào?
Việc rải đinh đã trở thành vấn nạn từ lâu nên trước nay đã khá nhiều điều luật đề cập đến việc xử phạt. Tại Khoản 5, Điều 14, Nghị định số 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ, chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây ảnh hưởng trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn, tháo dỡ dây, vật cản và làm sạch mặt đường giao thông do vi phạm hành chính gây ra.
Mức phạt này dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Và khi Nghị định 171/2013/NĐ-CP ra đời, tại Điều 11, Khoản 5 và Khoản 6 quy định phạt tiền cao hơn là 5-7 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi ném đá, rải đinh, tạo vật cản… cũng chưa giúp nạn rải đinh nguôi nóng.
Mới đây nhất, hành vi này được đề xuất mức phạt lên tới 500 triệu đồng và bị khép vào loại tội phạm hình sự.
Cụ thể trong Bộ luật Hình sự sửa đổi tại Điều 270 có nội dung quy định tội rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ như sau: Người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Đối với các trường hợp phạm tội từ 2 lần trở lên, phạm tội trên các tuyến đường cao tốc, trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác, làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù 2-5 năm.
Đối với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng như đối tượng tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tù từ 5-12 năm và bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.
Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định “đinh tặc” là tội phạm là điều cần thiết.
Về điều này LS Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Trước tiên phải khẳng định rằng, hành vi rải đinh trên đường là hành vi vô cùng nguy hiểm, tiềm tàng khả năng gây ra những hậu quả nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Nếu hậu quả xảy ra, hành vi này xâm phạm tới nhiều khách thể được Luật Hình sự bảo vệ đó là quyền tài sản và tính mạng sức khỏe...
Nếu hậu quả chưa xảy ra hoặc hậu quả xảy ra là không đáng kể thì hành vi rải đinh sẽ bị xử phạt hình chính và chế tài xử phạt cũng rất rõ ràng, cụ thể: điểm a, khoản 5, Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP xử phạt tiền 5-7 triệu đồng.
Có cơ quan xử lý người thực hiện hành vi rải đinh về “Tội cản trở giao thông” theo quy định Điều 203 Bộ luật Hình sự, nhưng cũng lại có cơ quan khác lại truy cứu trách nhiệm hình sự của người rải đinh về “Tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” theo quy định Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Tuy vậy, dù xử lý người đã thực hiện hành vi rải đinh về tội nào trong hai tội trên đi chăng nữa thì đều chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu tội phạm của hai tội danh này. Do vậy, việc bổ sung điều luật xử lý đối với hành vi rải đinh vào Bộ luật Hình sự theo Luật sư Cường là hết sức cần thiết và kịp thời, gỡ vướng cho các quy định cũ.
Trông chờ vào… lương tâm
Đề ra mức phạt ở đây khá cao và có thể hình thức phạt này đã đủ sức răn đe. Tuy nhiên, thep Luật sư Đặng Xuân Cường thì có thể điều chỉnh mức phạt tiền cho hợp lý hơn. Bởi, phần lớn những người vi phạm nhận thức về pháp luật chưa cao, điều kiện kinh tế khó khăn. Việc làm của họ chủ yếu là để kiếm thêm thu nhập cho bản thân dựa trên những thiệt hại tài sản của người khác. Mức phạt tiền quá cao, có thể khó thi hành trong thực tiễn với loại tội này.
Đề cập đến một vấn đề khác là việc bắt quả tang được đinh tặc và để họ tâm phục khẩu phục cũng là việc đáng bàn. Trước nay, các vụ rải đinh đều là lén lút, nhất lại là khi nhiều địa phương còn bao che, chưa thực sự hành động quyết liệt thì đinh tặc vẫn còn được nước hoành hành.
Nên nhớ, nạn đinh tặc ở nước ta không phải là mới. Vậy hơn chục năm qua, cơ quan chức năng làm gì mà không dẹp được nạn này? Rất nhiều đơn vị liên quan thay vì hành động thì lại luôn ngụy biện bằng những lý do rất... trời ơi. Để đến lúc người dân không thể ngồi yên mà tìm cách tự cứu mình bằng những chiếc máy thu gom đinh tự động.
Thế nhưng, lòng tham của con người không đáy, đang tâm đi rải đinh đang đánh đổi lương tâm bằng những đồng tiền bẩn thỉu. Chỉ vì lợi ích của bản thân mà họ sẵn sàng đánh đổi tính mạng của đồng loại mình để lấy vài đồng tiền vá săm, gieo đau thương tang tóc đến biết bao gia đình. Ngay như vụ tai nạn mà nguyên nhân đến từ việc rải đinh ở Bình Phước vừa qua, 3 người đàn ông thiệt mạng, tuổi đời của họ còn rất trẻ, đều là lao động chính trong gia đình. Vậy là thêm 3 gia đình bị tang tóc thương đau!
Chẳng nhẽ, cứ để những hồi chuông gióng lên rồi tắt, để rồi lại liên tiếp những gia đình phải gánh chịu thương đau từ… “đinh tặc” thế này?!
Huyền Anh - Ngọc Dung
Năng lượng Mới số 506
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo