Cán bộ công nhân viên EVN đã vượt khó để giữ vững nguồn điện trong mọi tình huống
Ảnh minh hoạ |
PV: Thưa ông, năm 2021, EVN đã thực hiện nhiệm vụ kép “đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID-19” như thế nào?
Ông Dương Quang Thành: Năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, tập thể CBCNV EVN đã vượt khó, thậm chí đã có những mất mát, hy sinh để giữ vững nguồn điện trong mọi tình huống. Nhiều cán bộ công nhân viên của EVN ở nhiều tỉnh, thành phố không ngại gian khó, vất vả để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện tại những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao. Nhiều cán bộ nhân viên phải xa gia đình dài ngày để trực vận hành tập trung nhằm giữ an toàn cao nhất cho vận hành hệ thống điện, góp phần quan trọng giúp Tập đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ kép.
Trong điều kiện trên, Tập đoàn và các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời cơ bản đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, cũng như các sự kiện lịch lớn của đất nước. Trong đó điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 246,21 tỷ kWh, tăng 3,25% so năm 2020. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được nâng cao, năng suất lao động bình quân năm 2021 của toàn EVN ước đạt 2,62 triệu kWh/người, tăng 3,1% so với năm 2020.
Trong đầu tư xây dựng, EVN và các đơn vị đã đưa vào vận hành 2 dự án nguồn điện, khởi công 3 dự án nguồn điện, gồm thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng và nhiệt điện Quảng Trạch I, EVN và các đơn vị đã khởi công 195 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện 110-500kV.
PV: Như ông vừa trao đổi, để giữ vững nguồn điện trong mọi tình huống, đã có những mất mát, hy sinh. Vậy Tập đoàn đã chăm lo cho CBCNV cũng như chia sẻ với cộng đồng như thế nào?
Ông Dương Quang Thành: Thời gian vừa qua đã có nhiều CBCNV của các đơn vị thuộc EVN bị lây nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch bệnh COVID-19 phải điều trị hoặc phải cách ly tập trung. Trong bối cảnh đó, Đảng uỷ, lãnh đạo Tập đoàn, Công đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực để cùng chính quyền địa phương và ngành y tế điều trị tốt cho những CBCNV bị nhiễm bệnh. Mặc dù vậy, trong số những người bị nhiễm bệnh đã có người bị tử vong và đó là sự mất mát rất lớn, vô cùng đau xót.
Bên cạnh sự quan tâm, chăm lo, động viên kịp thời đến người lao động ở những nơi có dịch, EVN cũng đã thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng xã hội, nhường cơm sẻ áo, quyên góp ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19, hỗ trợ các ngành, các địa phương, chung tay cùng cả nước để vượt qua đại dịch. Tập đoàn và các đơn vị đã thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực. Trong năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã miễn, giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với tổng giá trị giảm ước trên 3.000 tỷ đồng.
Do những diễn biến phức tạp dịch bệnh COVID-19 trong năm, EVN và các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện “Tháng tri ân khách hàng” trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022 với chủ đề: “Đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19”. Trong tháng 12/2021, EVN và các đơn vị thành viên trên khắp cả nước đã tiếp tục tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện Tuần lễ hồng EVN năm 2021 - lần thứ VII. Sau khi kết thúc, chương trình đã thu nhận được hơn 9.700 đơn vị máu để chuyển đến Viện Huyết học và truyền máu Trung ương.
PV: Năm 2022 được dự báo sẽ có những thách thức lớn hơn năm trước, EVN đưa ra giải pháp gì để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch, thưa ông?
Ông Dương Quang Thành: Mục tiêu xuyên suốt và quan trọng nhất của EVN là tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Tập đoàn xây dựng phương án vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống. Bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thời tiết, thuỷ văn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi. Xây dựng và thực hiện các phương án đảm bảo an ninh cho hệ thống thông tin viễn thông, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn xử lý sự cố mất an toàn thông tin. Phấn đấu không để xảy ra tai nạn lao động, tăng năng suất lao động. Các hoạt động tuyên truyền tiếp tục thực hiện theo kế hoạch để phục vụ cho sản xuất và cung ứng điện, tập trung hơn vào các chủ đề, nội dung về tiết kiệm điện, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, cảnh báo về an toàn điện mùa mưa bão...
Về đầu tư nguồn điện, EVN phấn đấu hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 (100MWp), Phước Thái 3 (50MWp). Phấn đấu khởi công dự án NMNĐ Ô Môn IV (1.050MW). Hoàn thiện các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn các dự án nguồn điện trọng điểm: Thủy điện Trị An mở rộng, NMNĐ Dung Quất I&III, NMNĐ Ô Môn III, NMNĐ Quảng Trạch II.
Về đầu tư lưới điện, hoàn thành 264 công trình, khởi công 233 công trình lưới điện 110-500kV. Tập trung đầu tư các công trình lưới điện trọng điểm để nâng cao năng lực truyền tải, đấu nối các nguồn điện lớn và giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện, nguồn điện năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện Lào và cấp điện phụ tải quan trọng (đặc biệt khu vực miền Bắc).
PV: Hội đồng thành viên (HĐTV) EVN đã ban hành Nghị quyết số 531/NQ-HĐTV thông qua chủ đề năm 2022 của EVN là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Xin ông cho biết vì sao Tập đoàn chọn chủ đề này và ông có thể giải thích cụ thể hơn chủ đề này?
Ông Dương Quang Thành: Năm 2022, HĐTV Tập đoàn chọn chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, với mục tiêu tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong điều kiện bình thường mới. Đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với các diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và các điều kiện khí tượng thủy văn, các diễn biến kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước để đảm bảo an toàn cho người lao động và an toàn trong vận hành hệ thống điện, nâng cao tính hiệu quả trong mọi hoạt động của Tập đoàn.
Thích ứng an toàn, tức là EVN nhanh chóng thích ứng an toàn để tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa tham gia sản xuất. EVN phải thích ứng an toàn trong môi trường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ. Kịp thời tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới, tích cực thực hiện chuyển đổi số, song phải luôn đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an toàn hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin, an toàn hệ thống dữ liệu.
Linh hoạt có thể hiểu là EVN và các đơn vị cần linh hoạt trong công tác vận hành hệ thống nguồn điện và lưới điện, chủ động và sẵn sàng các kịch bản ứng phó linh hoạt khi có tình huống lây lan dịch bệnh tại các đơn vị, nhà máy, địa phương hay khi có sự cố, có diễn biến bất thường của khí hậu, thủy văn. Thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, quy định về phòng, chống dịch tại các cấp chính quyền địa phương, tình hình phát triển kinh tế - xã hội để chủ động, linh hoạt đề ra các chủ trương, kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.
Hiệu quả, ở đây có nghĩa là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, làm giảm nhu cầu phụ tải hệ thống điện toàn quốc, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2022 và các năm tới được dự báo có nhiều khó khăn. Do đó, EVN và các đơn vị cần triệt để thực hành các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động.
PV: Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước cũng như đáp ứng tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện, Tập đoàn có đề xuất kiến nghị gì với các cấp, các ngành, thưa ông?
Ông Dương Quang Thành: Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII để EVN và các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện. Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các công trình nguồn và lưới điện.
EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021-2025. Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm bảo tiến độ dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành từ tháng 5/2022 và chủ đầu tư nguồn điện khác đảo bảo đưa vào vận hành đúng tiến độ. Chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện khu vực miền Bắc tập trung củng cố thiết bị, tăng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy, đặc biệt trong các tháng cao điểm nắng nóng tại miền Bắc (từ tháng 5-7); chuẩn bị đủ nhiên liệu để huy động theo nhu cầu hệ thống.
PV: Xin cảm ơn ông!
Xuân Tiến (thực hiện)
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
PC Long An: Hơn 5 giờ khắc phục sự cố điện do thiết bị Drone gây ra
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV