Cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng từ 46 ngày xuống 35 ngày: Có khả thi?
Một đầu mối - Một thủ tục
Theo ghi nhận của Doing Business 2017, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2016 là 1 trong 5 chỉ số có sự cải thiện tốt nhất về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cụ thể, số thủ tục giảm từ 6 xuống còn 5, thời gian thực hiện giảm từ 59 ngày xuống còn 46 ngày so với năm 2015. Kết quả là, chỉ số chung của môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 9 bậc so với năm trước, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.
Tuy đã tăng được khá nhiều bậc và đứng thứ 7 trong các nước ASEAN nhưng thời gian tiếp cận điện năng của Việt Nam vẫn còn cao (46 ngày), trong khi bình quân của các nước ASEAN 4 là 35 ngày. Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2017 Việt Nam phải đưa thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 35 ngày và đến năm 2020, phải nằm trong ASEAN 4. Đây thực sự là vấn đề không đơn giản, bởi càng về sau, việc rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng ngày càng phức tạp và khó khăn hơn nhiều.
Giao dịch viên Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Điện lực TP Hồ Chí Minh |
“Hơn thế, không chỉ chúng ta thay đổi, các quốc gia khác cũng đẩy mạnh cải cách. Do đó, cơ hội tăng bậc xếp hạng của Việt Nam càng ngày càng khó” - Th.S Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho hay.
Để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, một trong những khâu có thể đột phá là cải cách thủ tục hành chính, từ đó rút ngắn thời gian. Hiện nay, chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam vẫn còn 5 thủ tục; trong khi đó Timor-Leste chỉ có 3 thủ tục; Malaysia, Singapore, Philippines, Cambodia 4 thủ tục...
Theo Th.S Nguyễn Minh Thảo, phương án tốt nhất, đó là ngành điện trở thành đầu mối duy nhất thực hiện toàn bộ quy trình tiếp cận điện năng. Doanh nghiệp chỉ cần làm việc “một cửa” với EVN. Còn EVN sẽ tự luân chuyển các thủ tục trong hệ thống của mình và làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN). Nếu làm được như vậy, chúng ta chỉ còn duy nhất một thủ tục. Đặc biệt, EVN kiểm soát được cả quy trình, chắc chắn thời gian sẽ được rút ngắn.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, những năm qua, Tập đoàn đã triển khai quyết liệt các giải pháp giảm thời gian cũng như nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng. Cụ thể, EVN đã xây dựng quy trình tiếp cận điện năng và được các đơn vị triệt để áp dụng trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng theo nguyên tắc “3 dễ”: “Dễ tiếp cận - Dễ tham gia - Dễ giám sát”. Mọi giao dịch với khách hàng như tiếp nhận hồ sơ, trả lời, ký hợp đồng xây dựng công trình điện, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện… đều được thực hiện theo cơ chế “một cửa” thông qua phòng giao dịch khách hàng.
EVN còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp nhận yêu cầu của khách hàng qua nhiều kênh như phòng giao dịch khách hàng, hệ thống website, giám sát tiến độ thực hiện trên phần mềm trực tuyến... Đặc biệt, những năm gần đây, EVN đã thực hiện công khai, minh bạch giá bán điện; nâng cao chất lượng điện năng và không còn tình trạng cắt điện đột xuất.
Với những nỗ lực không ngừng, thời gian tiếp cận điện năng thuộc trách nhiệm của ngành điện đã giảm mạnh. Nếu năm 2014, thời gian thực hiện các thủ tục thuộc trách nhiệm của ngành điện trung bình là 45,51 ngày, đến cuối năm 2016, chỉ còn trung bình dưới 7 ngày, mức giảm gần như đã kịch trần.
Để giảm thời gian tiếp cận điện năng hơn nữa, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan QLNN, các địa phương và chính các nhà đầu tư. Bởi hiện nay, thời gian thực hiện thủ tục thiết kế và xây dựng trạm biến áp của nhà đầu tư mua điện vẫn kéo dài tới 20 ngày; còn thời gian thực hiện thủ tục cấp phép, đào đường của các cơ quan QLNN tại các địa phương là 15 ngày.
Theo Th.S Nguyễn Minh Thảo, sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị sẽ quyết định sự thành công. Dù EVN có trở thành một đầu mối duy nhất và chúng ta chỉ còn 1 thủ tục, để giảm được thời gian cũng cần sự phối hợp tốt giữa các đơn vị liên quan.
“Đặc biệt, Nhà nước phải tăng cường cơ chế giám sát thực thi; quy trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị khi triển khai không đúng quy trình, thủ tục… Đồng thời cần phải có một quy trình xử lý “1 cửa liên thông” cấp quốc gia và kết nối hệ thống công nghệ thông tin giữa EVN và các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương” - Th.S Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo EVN, thời gian tới, EVN và các đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chỉ số tiếp cận điện năng, tăng cường minh bạch về giá điện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 35 ngày trong năm 2017, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng của chính quyền các địa phương và các nhà đầu tư.
Hạ Anh
-
EVNHANOI cảnh báo khách hàng cảnh giác với cuộc gọi mạo danh để lừa đảo
-
Hoàn thành cấp điện tái thiết cho khu dân cư thôn Kho Vàng, Nậm Tông
-
Kịch bản cung ứng điện năm 2025
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng