Khi mệnh lệnh của Thủ tướng được thực thi! (Bài 2)
Bài 2: Tất cả vì tiến độ dự án trọng điểm quốc gia
Để có được kết quả đó là tinh thần làm việc hăng say của các cấp chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân sẵn sàng nhường đất cho dự án trọng điểm quốc gia.
2 tháng bàn giao xong mặt bằng
Ngày 18/1/2024, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã phối hợp với các địa phương có dự án đi qua đồng loạt tiến hành triển khai thi công dự án. Đối với các dự án đầu tư truyền tải điện trước đó, khó nhất là khâu giải phóng mặt bằng vì công trình đường dây truyền tải là công trình dạng tuyến trải dài qua nhiều địa bàn, địa hình khác nhau… Trong thời gian này, tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án chưa đáp ứng được như kỳ vọng bởi đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, đi qua địa bàn nhiều địa phương có đặc thù khác nhau. Trong đó có 5.248 hộ gia đình, 96 tổ chức bị ảnh hưởng, có 167 hộ gia đình phải di dời tái định cư thuộc đồng bào các dân tộc của 211 xã, phường, thị trấn của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh có đường dây đi qua, với tổng diện tích đất cần sử dụng là 1,83 triệu m2.
Ngày 18/1/2024, EVN, EVNNPT đã phối hợp với các địa phương, các nhà thầu triển khai thi công đồng loạt các dự án |
Nhưng từ ngày 27-28/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra, đôn đốc, động viên việc thực hiện dự án và họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương liên quan. Thủ tướng chỉ đạo phải phân công rõ trách nhiệm của bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư, thúc đẩy tiến độ dự án, với tinh thần thần tốc, tăng tốc triển khai dự án, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty cần thống nhất ý chí, cùng nhau hành động, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Tại cuộc họp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là dự án trọng điểm Quốc gia, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành, hệ thống chính trị, người dân. Đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ, đổi mới cách làm, nếu trước đây chỉ có chủ đầu tư thôi, thì bây giờ các địa phương vào cuộc, cùng nhau bàn bạc cùng nhau làm. Đây là nhiệm vụ chung, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Đây là một áp lực rất lớn, với một khối lượng lớn, đi qua nhiều địa phương. Chúng ta phải làm bằng được để góp phần cung cấp đầy đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng và kinh doanh”.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, một không khí lao động sục sôi lan tỏa trên khắp công trường, cùng với đó, chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt với tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm việc 3 ca, 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”.
Ngày 28/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với các, bộ, ngành, 9 tỉnh có dự án đường dây 500kV mạch 3 đi qua và yêu cầu các địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng dự án. |
Giải phóng mặt bằng sớm là điều kiện then chốt, tạo thuận lợi rất lớn cho công tác tổ chức thi công, có mặt bằng đến đâu là hoàn thành móng, cột đến đó. Tại 9 địa phương đường dây đi qua, các đồng chí bí thư, chủ tịch các tỉnh thường xuyên đến công trường để đôn đốc các huyện, xã đẩy nhanh tiến độ mặt bằng và xử lý tại chỗ các khó khăn có liên quan.
Hà Tĩnh là địa phương có khối lượng đường dây đi qua nhiều nhất và số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất với chiều dài 142 km, bao gồm 285 vị trí cột và 113 khoảng néo, trong đó có 178 vị trí cột nằm ở khu vực rừng núi hiểm trở. Để đảm bảo tiến độ dự án, Hà Tĩnh đã phải giải phóng mặt bằng, thu hồi hơn 581.000 m² tại vị trí móng và nhiều diện tích hành lang an toàn, ảnh hưởng đến 1.276 hộ dân.
Đây là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, địa hình thi công cheo leo, gió Đông Nam, gió Lào cường độ lớn, giông sét và sạt lở thường xuyên nên khi triển khai các nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thi công.
Ông Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân; thực hiện tốt phương châm: “Tuyên truyền liên tục, vận động đa chiều”; tuyên truyền, vận động là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành thông qua kênh các cơ quan truyền thông, qua mạng xã hội và qua tuyên truyền miệng. Trong tổ chức, thực hiện, cán bộ, đảng viên phải nêu gương, tạo sức lan tỏa. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu sẽ huy động tối đa đội ngũ cán bộ xả thân vì nhiệm vụ chung; khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội…
Trong suốt quá trình triển khai dự án, Thủ tướng đã 4 lần đi thị sát công trường để động viên các đơn vị tham gia thi công dự án |
Ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An (nay là Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) cho biết: Có thể nói, khi có chủ trương triển khai dự án đi qua địa bàn tỉnh với chiều dài gần 100 km, 202 vị trí móng cột, tỉnh Nghệ An cũng rất áp lực trước yêu cầu gấp rút về tiến độ. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An xác định việc triển khai dự án là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung khắc phục khó khăn, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm hoàn thành sớm nhất, cao nhất, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt, “khó ở đâu tháo gỡ ở đó”.
Trước các vấn đề, tình huống phát sinh, lãnh đạo tỉnh đã có mặt ngay tại hiện trường để tập trung xử lý; nhận được thông tin phản ánh vướng mắc, tỉnh cho kiểm tra, chỉ đạo xử lý ngay không chờ văn bản báo cáo. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo về bồi thường hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án; phân công bộ phận thường trực dự án, duy trì cơ chế thông tin hàng ngày, hàng tuần. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ triển khai dự án; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn triển khai công trình.
Với sự vào cuộc quyết liệt đó, toàn bộ vị trí móng đã được bàn giao cho nhà thầu thi công trong tháng 3/2024 và toàn bộ hành lang tuyến đã được bàn giao trong tháng 5/2024 để các đơn vị tham gia dự án tăng tốc thi công.
Dỡ nhà trước, nhận tiền đề bù sau
Từ rất lâu rồi mới có một dự án trọng điểm quốc gia, nơi mà triệu trái tim người Việt đều dõi theo, ngóng trông tiến độ và chờ ngày về đích. Có được điều đó, cũng bởi người dân được thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho một dự án mà như thể dành cho một cuộc tổng tiến công, với những bước đi táo bạo, thần tốc, với cách làm và tư duy đổi mới đến thế.
Lãnh đạo EVN, EVNNPT cũng thường xuyên có mặt tại công trường để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương trong thực hiện giải phóng mặt bằng |
Công trình không thể bàn giao mặt bằng nhanh nếu không nhận được sự ủng hộ của người dân các địa phương 9 tỉnh có dự án đi qua. Ít có dự án nào mà sự đồng thuận của người dân cao tới như vậy. Họ sẵn sàng nhường đất, nhường chỗ ở, nơi làm ăn, sinh kế… cho dự án. Thậm chí có những hộ gia đình chủ động tháo dỡ nhà cửa, di dời mồ mả cha ông, để dự án sớm đi vào triển khai.
Ông Nguyễn Đình Sơn (xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Chủ trương của Đảng và Chính phủ cho triển khai Dự án đường dây 500kV mạch 3 là đúng đắn hoàn toàn. Gia đình tôi rất hiểu về việc mất điện khi làm trang trại không có điện phải dùng máy phát nên rất tốn kém. Có điện đủ rồi để đảm bảo rồi thì sẽ rất tốt cho sản xuất và sinh hoạt. Chính vì thế chúng tôi sẵn sàng nhường đất ngay sau khi có chủ trương để ngành Điện thi công dự án được nhanh nhất”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nói: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp". Thành công của dự án này chính là phát huy được sức mạnh từ nhân dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và cảm ơn sâu sắc, chân thành tới đồng bào, nhân dân các dân tộc tại các địa phương đã đồng tình ủng hộ dự án, nhường chỗ ở, nơi thờ tự, đất canh tác, nơi sản xuất, kinh doanh cho công trình, đồng thời tích cực tham gia hỗ trợ công tác hậu cần, vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ thi công dự án.
Ông Lê Trọng Ba (thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá) cho biết: “Đường dây đi qua nhà thì tôi di dời nhà trước, tôi phá nhà trước khoảng 2 tháng sau mới lấy tiền. Chưa cần tiền đền bù nhưng tôi phải tìm nơi để di chuyển nhà ra chỗ khác để cho công trình nhà nước được thuận buồm, được tốt đẹp”.
Ông Lỗ Văn Bảo (thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) chia sẻ: “Thay đổi chỗ là một sự xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên trong gia đình, chúng tôi không lo lắng, suy tư sao được. Tuy nhiên, đây là chủ trương của Đảng, của Nhà nước, khi Nhà nước cần đất để triển khai công trình, dự án phục vụ sự nghiệp phát triển của quốc gia thì mình không thể làm thinh. Bởi vậy, tôi đã quyết định và thuyết phục gia đình cùng đồng thuận để chuyển về nơi ở mới để vì tiến độ dự án trọng điểm quốc gia”.
Rời xa nơi chôn rau cắt rốn, đối với nhiều người không phải việc dễ dàng. Nhưng nhờ các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, việc kiểm đếm rõ ràng, minh bạch. Nên hầu hết người dân đều hiểu rõ tầm quan trọng của dự án, tích cực phối hợp trong việc kê khai, kiểm đếm, giải phóng mặt bằng. Đồng bào bị ảnh hưởng trong khu vực dự án đi qua đã hết sức tích cực phối hợp, đồng thuận, hỗ trợ dự án không để xảy ra khiếu kiện, phức tạp, người dân tự nguyện nhường mặt bằng cho dự án. Vậy mới thấy, khi lòng dân đã thuận, thì không gì là không thể.
- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng: Chủ đầu tư cùng các bộ ngành đã làm tốt công truyền thông để nhận được sự ủng hộ của dự án này, xem dự án này không phải trách nhiệm của EVN mà của các bộ ngành bởi đây là dự án trọng điểm an ninh năng lượng, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Đặc biệt, chủ đầu tư đã truyền thông tốt để nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong quá trình thi công dự án và sau này dự án đi vào hoạt động nhận được sự bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ của nhân dân để dự án phát huy hiệu quả. - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM - Bùi Quang Huy: Các đội hình thanh niên tình nguyện thuộc Trung ương đoàn đã hoàn thành hỗ trợ tháo dỡ 262 công trình nhà ở, 150 chuồng trại và vật kiến trúc; giải tỏa, phát quang 176 ha rừng sản xuất và chặt hạ 22.826 cây tại khu vực đồng bằng, khu vực dân cư nơi có hành lang tuyến đường dây 500kV đi qua để bàn giao mặt bằng thi công công trình. Qua việc triển khai đợt thi đua cao điểm này, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào và quyết tâm của tuổi trẻ khi được tham gia đóng góp sức trẻ vào các công việc quan trọng của đất nước; từ đó phát huy sức mạnh nội tại của đoàn viên thanh niên, tinh thần vượt khó, dấn thân, dám nghĩ, dám làm, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. |
Bùi Xuân Tiến
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện