Khi mệnh lệnh của Thủ tướng được thực thi! (Bài 4)
Bài 4: Biến điều không thể thành có thể
Yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, khối lượng thi công lớn và vô vàn những khó khăn về nhân lực thi công, cung cấp cột thép, thời tiết, địa hình,… Khi bắt đầu triển khai, có lẽ rất ít người tin rằng, Dự án đường dây 500kV mạch 3 có thể hoàn thành đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng là đóng điện dự án trong tháng 6, hoàn thành toàn bộ và khánh thánh dự án dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Nhưng phát huy truyền thống hào hùng 70 năm của ngành Điện lực Việt Nam, toàn công trường đã thần tốc đưa dự án về đích.
Kịp thời gỡ nút thắt
Để đảm nguồn vốn cho dự án, ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, EVNNPT đã khẩn trương làm việc với một loạt các ngân hàng triển khai thủ tục thu xếp vốn cho dự án. Chung sức cùng ngành Điện, 5 ngân hàng gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu, Ngân hàng Quốc tế VIB đã đồng ý thu xếp vốn cho dự án.
EVNNPT đã chủ động làm việc với các ngân hành và sớm hoàn thành thu xếp vốn để triển khai các thủ tục trong quá trình thực hiện dự án. |
Ông Nguyễn Tuấn Tùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết: Để triển khai dự án, EVNNPT đã chủ động thu xếp nguồn vốn. Sau khi dự án được phê duyệt, tổng công ty đảm bảo nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn vay thương mại với số tiền 15.870 tỷ đồng (chiếm 70% vốn đầu tư dự án) đáp ứng ngay sau khi khởi công. Do vậy quá trình triển khai đảm bảo đúng tiến độ với các bước chuẩn bị vật tư thiết bị, xây lắp, hoàn thành nghiệm thu dự án hoàn tất theo đúng chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ giao.
Sau khi hoàn thành thu xếp vốn, 4 ban điều hành và 13 ban tiền phương đã được EVNNPT thành lập tại các tỉnh thường trực 24/7 tại công trường, một mặt kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho nhà thầu, mặt khác kiểm tra giám sát và quyết liệt điều hành, đôn đốc các nhà thầu tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực cho các dự án đường dây 500kV mạch 3 đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thi công xây dựng, các đơn vị trên công trường đã gặp không ít khó khăn thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua được, cụ thể như: Khó khăn về huy động máy móc, thiết bị thi công với đặc thù toàn tuyến có 239/1.177 là các vị trí móng cọc. Yêu cầu về tiến độ cấp bách, vì vậy cần phải huy động đồng thời các máy đóng, ép cọc, thời gian thi công móng cọc trung bình 100 ngày là thách thức lớn trong quá trình triển khai thi công các dự án. Khó khăn về địa hình tuyến với nhiều vị trí qua ao hồ, đầm lầy, trên đồi núi cao, đường lên các vị trí móng cột dài, dốc, đặc biệt rất khó khăn khi trời mưa đường dốc, trơn trượt, mặt bằng thi công một số vị trí không thuận lợi. Trước những thách thức này, để tháo gỡ khó khăn nhân lực đào đúc móng, thực hiện phương châm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ “4 tại chỗ”, chủ đầu tư, các nhà thầu đã phối hợp với chính quyền địa phương để huy động “nhân lực tại chỗ, máy móc, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ” đã đẩy nhanh tiến độ đào đúc móng.
Trong quá trình thi công, lãnh đạo EVN, EVNNPT thường xuyên đi đôn đốc các nhà thầu cung cấp cột thép đẩy nhanh tiến độ để đưa cột thép đến công trường. |
Dự án gặp nhiều khó khăn về công tác cung cấp cột thép khi tổng cộng 75 gói thầu cung cấp cột thép, do 18 nhà thầu/liên danh nhà thầu thực hiện, gồm 1.177 vị trí cột, tương ứng 139 ngàn tấn thép. Đây là khối lượng rất lớn, tiến độ yêu cầu trong thời gian ngắn, đòi hỏi các nhà sản xuất cột thép phải huy động tất cả các nguồn lực, làm việc tăng ca để đáp ứng tiến độ. Một số gói thầu cung cấp cột thép còn thiếu đồng bộ gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công lắp dựng cột. Tuy nhiên xác định rõ tính chất cấp bách của dự án các nhà thầu tăng cường nhân lực, thực hiện gia công “3 ca 4 kíp, 24/7”, xuyên ngày nghỉ, ngày lễ để hoàn thiện cung cấp cột thép các chi tiết cột còn thiếu hoặc sai khác. Lãnh đạo EVN/EVNNPT thường xuyên kiểm tra các nhà máy, đồng thời cắt cử cán bộ chuyên trách cùng với đơn vị tư vấn thiết kế thường xuyên bám trực tại nhà máy để đôn đốc, hỗ trợ và kiểm soát chặt chẽ công tác gia công hoàn thiện, đóng gói trước khi vận chuyển ra công trường của nhà thầu.
EVN/EVNNPT đã chỉ đạo các nhà thầu thực hiện linh hoạt công tác vận chuyển cột thép để rút ngắn thời gian vận chuyển, bàn giao đến công trường đáp ứng tiến độ dựng cột. Đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán giai đoạn để các nhà thầu có thêm kinh phí tăng cường nhân lực gia công khẩn trương hoàn thiện cung cấp cột đồng bộ. Đối với cột thép nhập khẩu, EVNNPT cử người sang nước ngoài lục từng công-ten - nơ để yêu cầu đối tác sớm hoàn thành cung cấp cột thép đáp ứng mục tiêu chỉ đạo.
Giai đoạn thi công dựng cột, kéo dây, EVN, EVNNPT đã huy động tối đa lực lượng trong toàn ngành và nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội, các đơn vị bạn tham gia hỗ trợ thi công dự án. |
Khó khăn về diễn biến bất lợi của thời tiết, khi những tháng đầu năm rét mướt, thời điểm các tháng 4, 5, 6, 7 và 8 mưa nắng thất thường, khắc nghiệt. Tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thường xuyên nắng nóng gay gắt, nhiều ngày có mưa lớn kèm theo giông, sét, trên núi thường có gió mạnh từ 3 đến 7 tiếng/ngày nên nhiều thời điểm phải dừng thi công để đảm bảo an toàn cho người lao động và thiết bị thi công. EVN/EVNNPT đã cùng các lực lượng tham gia dự án khắc phục bất lợi của thời tiết, thực hiện nhiều giải pháp như tranh thủ thời tiết khô ráo để tập kết vật tư thiết bị đến vị trí thi công, điều chỉnh lịch làm việc linh hoạt theo điều kiện thời tiết, bố trí địa điểm ăn nghỉ cho lực lượng thi công gần công trường, tăng cường tối đa thi công bằng cơ giới đối với các vị trí có đường giao thông thuận lợi…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức như trên, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các tỉnh, EVN/EVNNPT đã có nhiều giải pháp kịp thời trong công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc cung cấp vật tư thiết bị, cột thép, thi công xây dựng, huy động nhân lực, thiết bị thi công, bằng sự đoàn kết, sáng tạo, huy động tối đa mọi nguồn lực có thể trong ngành Điện, cùng với các nhà thầu và các đơn vị liên quan vượt qua tất cả các khó khăn thách thức để hoàn thành các Dự án theo đúng tiến độ đề ra.
Huy động nguồn nhân lực lớn chi viện cho dự án
Trong suốt quá trình triển khai dự án, EVN, EVNNPT liên tục quán triệt, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đôn đốc toàn công trường thực hiện tập trung cao độ, khẩn trương triển khai với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, làm việc liên tục 24/7, “3 ca, 4 kíp”, xuyên lễ, ngày tết, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn lao động, nhất là an toàn lao động tại các vị trí có địa hình khó khăn, phức tạp, hiểm trở và vào thời điểm thời tiết không thuận lợi.
Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và quyết liệt yêu cầu các nhà thầu thực hiện huy động tối đa các doanh nghiệp, cá nhân tại địa phương có đủ năng lực tham gia các hạng mục phù hợp như cung ứng vật liệu xây dựng, máy thi công các loại, cọc bê tông, lao động phổ thông đào đúc móng cột, phối hợp thực hiện công tác đền bù thi công,… để đẩy nhanh tiến độ. Chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát bố trí đủ nhân lực thường trực và bám sát công trường để giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các nhà thầu, đảm bảo chất lượng thi công, yêu cầu kỹ thuật, an toàn và mỹ thuật của các dự án.
Do phải thi công đồng loạt các vị trí cột, kéo dây, mặc dù các nhà thầu xây lắp đã huy động tối đa nhân lực xây lắp nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhân lực, trong khi đó để đáp ứng mục tiêu của Thủ tướng cần khoảng 15.000 kỹ sư công nhân. Để đảm bảo tiến độ dự án, lần đầu tiên trong lịch sử, EVN/EVNNPT đã huy động tối đa nhân lực từ các đơn vị trong EVN/EVNNPT để hỗ trợ tăng cường cho các nhà thầu. Đó chính là lý do vì sao trên công trường Dự án đường dây 500kV mạch 3, chúng ta đã bắt gặp màu áo cam đến từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT cho biết: Với tính chất cấp bách của dự án, đồng thời để đáp ứng mục tiêu tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao, ngay từ tháng 5/2024, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã huy động hơn 2.000 kỹ sư, công nhân từ các đơn vị trực thuộc cùng tham gia thi công dựng cột, kéo dây và hỗ trợ đôn đốc thi công. EVN cũng đã huy động nhân lực từ 5 Tổng công ty Điện lực tham gia tiếp sức cho dự án. Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã cử người hỗ trợ thi công cho dự án để đáp ứng được tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Thi công lắp đặt trên đường dây 500kV mạch 3 |
Đây là những công nhân, kỹ sư lành nghề, có khả năng dựng cột và kéo dây. Để bảo đảm tiến độ, các đơn vị đã hướng dẫn các kỹ sư, công nhân trực tiếp tham gia thi công tìm hiểu các tài liệu thiết kế dự án, các bản vẽ kỹ thuật, phân chia nhau phân công bóc tách, chia ra từng tổ, từng tốp để phân loại thanh, dựng cột theo thiết kế. Với tinh thần nhiệt huyết, cháy bỏng cùng công việc của các kỹ sư, công nhân được tăng cường đã làm việc xuyên lễ, xuyên ngày nghỉ với tinh thần ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương nên đã hỗ trợ dựng được nhiều vị trí cột và kéo được rất nhiều khoảng néo đường dây đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chất lượng qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.
Và trong quá trình đó, rất nhiều tình cảm được gửi gắm đên những người chiến sỹ áo cam. Trong đó bài thơ "Con gái gửi Ba" là tình cảm và cũng là lời động viên của cô con gái dành cho Ba - một công nhân ngành Điện trong những ngày Ba tham gia đội xung kích thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối để lại rất nhiều xúc động.
“Ngày Ba xa nhà, con bước vào phòng thi/Cùng bạn bè vượt kỳ thi cuối cấp/Giữa sân trường người người tấp nập/ Con chạnh lòng tìm bóng dáng Ba.
Theo lệnh động viên, Ba đã lên đường/ Xung kích thi công mạch ba lưới điện/ Trong giấc mơ con non nớt ẩn hiện/ Chiếc áo vàng Ba khoác vội bên hiên.
Bài thi của con có bóng mẹ dịu hiền/ Quyện mồ hôi Ba giữa trưa hè tháng Sáu/Cột điện giữa trời nóng như ai nấu/ Tay Ba chai sần, rộp từng lớp da non.
Bữa cơm chiều giờ còn hai mẹ con/ Nơi Ba ngồi vẫn còn vương hơi ấm/ Câu chuyện kể về đường dây vạn dặm/ Sừng sững nối liền mạch điện Bắc - Nam.
Quảng Bình thân yêu xa lắm, phải không Ba?/Nơi nắng nóng, gió Lào là đặc sản/ Con vẫn nhớ ở nơi đó có biển/ Khi nào về Ba gói sóng cho con.
Bài thi con đạt mười điểm vẹn tròn/ Là phần thưởng dành tặng cho Ba đó/ Công trình đường dây 500kV rất nhiều gian khó/ Quyết hoàn thành theo tiến độ nghe Ba.
Đường dây trên cao ngân nga bản tình ca/ Băng núi, vượt sông dựng hình hài Tổ quốc/ Tự hào 70 năm luôn là ngành đi trước/ Cho đất nước mình thắp sáng niềm tin”.
Khi niềm riêng tạm xếp lại, khi khó khăn, thử thách trở thành động lực, khi tất cả cùng chung một hàng ngũ, người Việt Nam chúng ta đã thực sự làm nên một kỳ tích mới.
Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, EVN, EVNNPT đã hoàn thành toàn bộ dự án sau hơn 6 tháng triển khai thi công . Một mốc thời gian thần tốc, thể hiện sự quyết liệt, táo bạo, dám nghĩ, dám làm và dám đi đến cùng từ Chính phủ đến các các ban ngành và công trường mạch 3. Và niềm vui vỡ òa liên tiếp diễn ra khi Dự án Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa hoàn thành đóng điện ngày 28/6/2024; Dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa hoàn thành đóng điện ngày 30/6/2024; Dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa hoàn thành đóng điện ngày 19/8/2024; Dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 – Phố Nối hoàn thành đóng điện ngày 19/8/2024; Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, hoàn thành đóng điện ngày 27/8/2024.
Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế toàn bộ khu vực miền Nam là rất lớn. Vì vậy, khi ấy, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã quyết định cho xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 với quyết tâm hoàn thành trong 2 năm để đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam, tạo sức bật rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội khu vực phía nam.
Những năm sau đó, Việt Nam đã phát triển đường dây 500kV mạch 2 và một phần mạch 3 ở phía Nam để đưa điện từ miền Trung, Tây Nguyên ra miền Bắc. Tuy nhiên do cơ cấu nguồn điện ở miền Bắc đã tới hạn, trong khi miền Nam và miền Trung đã phát triển nhiều trung tâm điện lực lớn và có gần 20.000 MW năng lượng tái tạo nhưng khả năng truyền tải của đường dây từ miền Trung ra miền Bắc tới hạn do đó việc xây dựng đường dây mạch 3 từ Quảng Trạch – Phố Nối có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hệ thống đường dây 500kV là “huyết mạch” quốc gia, đưa dòng điện đến khắp mọi miền Tổ quốc. Công trình có thể xem như một bản hùng ca trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi cả nước cùng lên công trường với ngành Điện. Với khát vọng "đi trước, mở đường cho phát triển", "Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực đi trước một bước sẽ tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bùi Xuân Tiến
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện