Buộc tội công ty sản xuất chất độc da cam rải xuống Việt Nam
Tòa án quốc tế về Monsanto là một tòa án công dân không chính thức (có tính chất dân sự nên các kết luận đưa ra không mang tính ràng buộc pháp lý), gồm 5 thẩm phán đến từ các nước Argentina, Bỉ, Canada, Mexico và Senegal. Chủ tọa phiên tòa là bà Françoise Tulkens, cựu thẩm phán Tòa nhân quyền châu Âu. Trong hai ngày 16 và 18-4, các thẩm phán đã lắng nghe 30 nhân chứng, chuyên gia, nạn nhân và luật sư từ 5 châu lục nói về các vấn đề được đưa ra tòa. Công ty Monsanto từ chối trình diện tại tòa.
Phán quyết của tòa được chia làm hai mảng. Thứ nhất gồm 4 tội về hủy hoại môi trường và hai tội vi phạm nhân quyền. Theo tòa, việc thương mại hóa các sản phẩm độc hại như polychlorobiphényles (PCB), các loại thuốc diệt cỏ như Roundup, hay axít 2,4,5-trichlorophénoxyacétique, thành phần chính trong “chất độc da cam” được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh... đã gây ra cái chết của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Về nhân quyền, tòa kết luận rằng, Monsanto đã “tham gia vào các hoạt động gây tác hại tới các quyền của con người về môi trường lành mạnh, lương thực, y tế và tự do nghiên cứu khoa học”. Tổ chức Y tế Thế giới trong thông báo tháng 3-2015 cho biết loại thuốc diệt cỏ thông dụng nhất thế giới roundup có thể gây ung thư.
Biểu tình tố cáo Công ty Monsanto sản xuất chất độc da cam |
Tòa đặc biệt nhấn mạnh tới việc Monsanto đã thương mại hóa quá mức các giống cây trồng biến đổi gen. Chính điều này gây ảnh hưởng đến các quyền về lương thực và y tế vì đã ép buộc nông dân phải chấp nhận các phương thức canh tác không tôn trọng lối canh tác truyền thống, tức là ảnh hưởng đến các quyền của các dân tộc bản địa và các cộng đồng địa phương.
Ngày 25-5-2013, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại 436 thành phố, thuộc 52 quốc gia, từ Mỹ, Canada đến các nước Nam Mỹ như Argentina và nhiều nước châu Âu để phản đối Monsanto. Mục tiêu ngày hành động toàn cầu của những người biểu tình là tố cáo những hậu quả tệ hại của các cây trồng biến đổi gen, các sản phẩm hóa chất của Monsanto, đặc biệt là các loại thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Về phía các nhà vận động y tế cũng đang gia tăng nỗ lực đòi hỏi sản phẩm biến đổi phải có nhãn ghi rõ, mặc dù chính phủ nhiều nước lẫn giới khoa học khẳng định kỹ thuật này là an toàn. Cho đến nay, châu Âu hết sức thận trọng với các cây trồng biến đổi gen. Chỉ mới có hai giống biến đổi gen, một giống khoai tây của Công ty Đức BASF và một giống ngô của Monsanto là được cấp phép tại châu Âu. Giống khoai tây nói trên đã thất bại trên thị trường, còn giống ngô MON 810 của Monsanto đã hết hạn cho phép 10 năm và không được cho phép trở lại, do bị nhiều nước phản đối. Còn tại Mỹ, hệ thống siêu thị Whole Foods Markets Inc. mới đây tuyên bố, do đòi hỏi ngày càng lớn từ phía người tiêu dùng được sử dụng các thực phẩm không biến đổi gen, các hàng hóa của công ty sẽ phải ghi chú thành phần cây trồng biến đổi gen, nếu có và việc này sẽ được thực hiện từ năm 2018.
Liên quan tới tội đồng phạm tội ác chiến tranh của Monsanto, phán quyết có phần dè dặt. Phán quyết nói rằng: “Tòa không có khả năng đưa ra một kết luận cuối cùng” về vấn đề này nhưng thừa nhận sự phá hủy môi trường và những hậu quả gây ra cho nhân dân Việt Nam từ Monsanto. Các thẩm phán cho rằng, một giả định về việc Monsanto đã cung cấp phương tiện để tham chiến ở Việt Nam, đã biết về việc sử dụng sản phẩm độc hại và có thông tin về tác hại của sản phẩm độc hại đối với sức khỏe và môi trường... không thể được loại trừ.
Trong giai đoạn (1962-1973), hơn 70 triệu lít chất độc da cam (chứa dioxin) đã được rải xuống gần 2,6 triệu ha đất tại Việt Nam. Hoạt động này gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam. Hóa chất đó cũng gây tổn hại cho các binh sĩ Mỹ và các nước khác, gây ra các vụ kiện tụng về sự liên quan của Monsanto trong cuộc chiến. Ngày 12-7-2013, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã buộc Công ty Monsanto và Dow Chemicals phải bồi thường cho 39 cựu chiến binh Hàn Quốc bị bệnh, vì nhiễm chất độc da cam, do người Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời chiến tranh.
Tòa án cho rằng, có sự tương quan giữa hóa chất làm rụng lá cây và các chứng bệnh về da mà các cựu chiến binh này mắc phải, sau thời gian chiến đấu bên cạnh lính Mỹ tại Việt Nam. Tư pháp Hàn Quốc đã buộc Monsanto và Dow Chemicals, hai công ty sản xuất ra chất độc da cam phải bồi thường 466 triệu won (khoảng 315.000 euro) cho các nguyên đơn - số tiền mà có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ nhận được. Theo Hãng tin Yonhap, Dow Chemicals phản bác các kết luận của Tòa án Hàn Quốc và nêu ra các quyết định trước đây của tư pháp Mỹ. Tổng cộng có 16.000 cựu chiến binh Hàn Quốc đã nộp đơn vào năm 1999 kiện các công ty hóa chất Mỹ trên đây, đòi bồi thường thiệt hại 3,4 tỉ euro.
Mặc dù bản án hôm 18-4-2017 không có giá trị ràng buộc về pháp lý nhưng có tác dụng cảnh báo dư luận và sẽ giúp thúc đẩy công lý quốc tế. Theo các chuyên gia, bản án của tòa dành cho Monsanto là xác đáng và sẽ có tác dụng lớn về sau. Báo Le Monde dẫn lời chủ tọa Françoise Tulkens cho biết: “Đây là bản án về pháp luật, không có phiên tòa với hai bên đối đầu nhau, tuy nhiên chúng tôi đã đưa ra kết luận dựa theo nhiều báo cáo và chứng cứ được thừa nhận”. Bà Françoise Tulkens nói thêm, nếu tội ác tàn phá môi trường được đưa vào Luật hình sự quốc tế, như là tội ác thứ năm của nhân loại, thì các thẩm phán đã có thể phán quyết về tội hủy diệt môi trường của Monsanto với Việt Nam.
Tòa án quốc tế về Monsanto còn đi xa hơn khi tuyên bố, sẽ kiến nghị đưa khái niệm về tội ác tàn phá môi trường vào các luật quốc tế. Một trong những thay đổi quan trọng phán quyết là sẽ chuyển phán quyết đến Liên Hiệp Quốc, Tòa án Hình sự quốc tế, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Monsanto, là trách nhiệm của một công ty đối với môi trường sẽ được đưa vào luật. Trước giờ chỉ có các cá nhân của các công ty bị truy cứu trách nhiệm. “Luật doanh nghiệp và các quy định về thương mại quốc tế đang ưu ái quyền con người hơn quyền của môi trường tự nhiên. Đã tới lúc phải xác định lại một cách công bằng” - luật gia Valérie Cabanes, chuyên gia về nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhận định.
Ngoài ra, theo các thẩm phán, những nạn nhân của Monsanto cũng có thể sử dụng các luận điểm pháp lý trong phán quyết của tòa hôm 18-4 để kiện Monsanto ra các tòa án địa phương.
Hồi tháng 10-2016, Monsanto tuyên bố tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên công ty này không thừa nhận kết luận phiên tòa. “Phiên tòa này do một nhóm nhỏ những người phản đối Monsanto và phản đối những tiến bộ trong nông nghiệp, tổ chức. Họ từ chối mọi bằng chứng khoa học và những quyết định của luật pháp để đưa ra phán quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức và chính quyền ở những nơi mà chúng tôi có mặt và tái khẳng định cam kết xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới” - Brian Carroll, phát ngôn viên của Monsanto tại châu Âu, cho biết.
Về phần mình, chủ tọa phiên tòa Françoise Tulkens đánh giá, cho dù Monsanto từ chối đến dự phiên tòa theo lời mời của bà, hay phản đối phán quyết thì bản án vừa công bố vẫn giữ nguyên giá trị.
Có 3 triệu người Việt bị nhiễm chất dioxin trong chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam và 1 triệu người trong số đó gặp các vấn đề trầm trọng về sức khỏe, 150.000 trường hợp quái thai. |
S.Phương (tổng hợp)
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo