Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bốn trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới

07:00 | 27/12/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, khoảng 27 triệu người trên thế giới đang nghiện ma túy nặng. Heroine, cần sa, cocain và nhiều chất gây nghiện khác tiếp tục là nguyên nhân làm chết khoảng 200.000 người/năm, làm tan vỡ nhiều gia đình, gây ra tình trạng mất an ninh xã hội.

Năng lượng Mới số 285

Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), cần sa là loại được dùng rộng rãi nhất với 224 triệu người ở độ tuổi 15-64 sử dụng trên khắp thế giới và châu Âu là thị trường tiêu thụ cần sa lớn nhất.

Số lượng người sử dụng các loại ma túy do Báo La Croix đưa ra cao hơn nhiều so với báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Theo ước tính của tờ báo này, có khoảng 10 triệu người sử dụng heroine, 20 triệu người dùng cocaine, trên dưới 200 triệu người sử dụng cần sa, chưa kể nhiều triệu người dùng các chất ma túy tổng hợp.

Cây anh túc được trồng hầu như khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tập trung ở 4 nơi được coi là trung tâm sản xuất và tiêu thụ ma túy lớn nhất thế giới là: Tam Giác Vàng (Myanmar, Thái Lan, Lào), “Lưỡi liềm vàng” (một phần Afghanistan và các nước láng giềng Iran, Pakistan, Tajikistan) và Tam giác bạc ở Mỹ Latinh và Thung lũng Beqaa ở Lebanon.

“Tam Giác Vàng” là khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar, có diện tích khoảng hơn 200.000km2. Phần lớn diện tích Tam Giác Vàng nằm trong vùng núi có độ cao 1.000m, có rất ít tuyến đường giao thông lại ở vào một vị trí đặc biệt nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ cả ba nước. Đây chính là điều kiện lý tưởng cho việc trồng cây anh túc mà một số nơi chiếm tới 80% diện tích đất trồng.

Nếu trong thập niên 60-80 của thế kỷ trước, Tam Giác Vàng nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới với trên 70% lượng ma túy trên toàn cầu mà chủ yếu được tinh chế dưới dạng heroine thì vào đầu thế kỷ XXI, theo báo cáo của UNODC, khu vực này chỉ còn cung cấp hơn 5% tổng sản lượng ma túy trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cây anh túc lại bắt đầu xâm chiếm mảnh đất này.

Vị trí hàng đầu về sản xuất ma túy hiện nay thuộc về khu vực “Lưỡi liềm vàng”. Đây là khu vực được hình thành chủ yếu trên biên giới các nước Afghanistan, Pakistan, Iran… Đồng thời còn bao gồm một phần nhỏ diện tích lãnh thổ của các quốc gia Trung Á như: Tajikistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan…

Trong đó, ma túy tập trung chủ yếu ở Afghanistan - “công xưởng ma túy” lớn nhất toàn cầu. Hiện Afghanistan đang sản xuất lượng heroine nhiều gấp hai lần so với lượng chế xuất của toàn thế giới mười năm trước với hơn 97% sản lượng heroine toàn cầu có nguồn gốc từ đây. Heroine sản xuất ở Afghanistan trị giá 30 tỉ USD/năm và một phần không nhỏ trong số tiền này đang tài trợ cho bọn phiến loạn và khủng bố quốc tế, gây nên tình trạng bất ổn định ngày một lan rộng trên thế giới.

Trong khi đó, châu Mỹ Latinh với trung tâm là các quốc gia như Colombia, Ecuador, Bolivia và Peru được coi là nơi sản xuất cocaine và trung tâm buôn bán ma túy lớn nhất toàn cầu với hơn một nửa lượng cocaine sản xuất và phân phối tiêu thụ trên thế giới. Tại đây, có một dải đất dài 50km nằm giữa biên giới Ecuador và Colombia, tiếp giáp lưu vực sông Amazon được mệnh danh là “Tam Giác Bạc” của châu Mỹ.

Ở khu vực này, Peru, Colombia và Bolivia là các nước trồng cây coca và sản xuất cocaine hàng đầu, còn Colombia và Mexico là địa điểm trung chuyển ma túy chủ yếu. Hiện nay, buôn lậu ma túy ở Colombia kiếm được 15 tỉ USD/năm, chiếm 1/7 tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này. Những cuộc xung đột vũ trang nội bộ các băng đảng ma túy và với lực lượng của chính phủ đã biến “thị trường” buôn bán ma túy Mexico thành một trong những “chiến trường” đẫm máu nhất thế giới.

Các quốc gia châu Phi, nhất là những nước bất ổn về chính trị và thường xảy ra xung đột sắc tộc, đã trở thành vùng đất lý tưởng cho bọn tội phạm ma túy Nam Mỹ mở những đường vận chuyển mới bằng cách sử dụng tàu buôn, máy bay tầm thấp và cả tàu ngầm để vận chuyển cocaine đến châu Phi. Tuy nhiên, dòng ma túy này hiện đã chuyển dịch về Lebanon - một trung tâm tinh chế ma túy mới nổi nằm bên bờ Địa Trung Hải.

Những dòng ma túy bất tận từ thung lũng Beqaa của Lebanon ào ạt theo các con đường mòn bí mật tập kết, vận chuyển qua Địa Trung Hải, vòng qua phía nam đảo Síp xâm nhập vào châu Âu. Đáng lo ngại hơn, các tổ chức khủng bố và các nhóm phiến loạn chống chính phủ tại đây đang dùng tiền bán ma túy để mua vũ khí, trang thiết bị và trả lương cho lính đánh thuê.

Thực tế, cho dù các chính phủ trên toàn cầu đã rất nỗ lực thì việc phòng chống ma túy của thế giới hiện nay vẫn tiếp tục là một cuộc chiến lâu dài, bởi dưới tác động của toàn cầu hóa, các tập đoàn buôn bán ma túy đa quốc gia cũng trở nên ngày càng lớn mạnh hơn.

Toàn Thắng (tổng hợp)