Bộ Tài chính lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi
Theo đó, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương, 137 điều. Về bố cục, so với luật hiện hành, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi ghép hai chương: “Thanh tra và xử lý vi phạm” và “Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại” thành một Chương “Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại” để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng khái quát, bao quát các nội dung của Luật. Đồng thời dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa một số khái niệm (như chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…) trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo hơn với thực tiễn và pháp luật có liên quan.
Ảnh minh hoạ. |
Tại Chương II, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa một số điều kiện cụ thể về hoạt động chào bán/phát hành chứng khoán. Đối với hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng, Dự thảo Luật tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để phù hợp với tính chất của việc chào bán và thông lệ quốc tế. Dự thảo Luật quy định điều kiện về mức vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tối thiểu 30 tỷ đồng; nâng quy định điều kiện hoạt động kinh doanh lên 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi (thay vì 1 năm như Luật hiện hành); Quy định điều kiện riêng đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng; Quy định tổng giá trị của đợt phát hành thêm; quy định khoảng cách các đợt chào bán; quy định tỷ lệ phân phối tối thiểu đối với các đợt chào bán cổ phiếu để huy động vốn đầu tư cho dự án của tổ chức phát hành…
Đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ, điều kiện chào bán được quy định chặt chẽ hơn, phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, đối tượng tham gia đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đồng thời, quy định thời gian hạn chế tối thiểu ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp vì đây là những đối tượng gắn bó lâu dài với công ty hoặc có am hiểu thị trường chứng khoán và khả năng chấp nhận rủi ro cao.
Tại Chương III, Dự thảo Luật Chứng khoán bổ sung, sửa đổi về quy định đối với công ty đại chúng như: sửa đổi quy định về nâng tiêu chí về vốn để trở thành công ty đại chúng (từ 10 tỷ lên thành 30 tỷ đồng); quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của công ty đại chúng (trong đó có vấn đề quản trị công ty, kiểm toán, công bố thông tin) để đảm bảo tính xác thực, đầy đủ, công khai và minh bạch trong hoạt động của công ty đại chúng cũng như quyền tiếp cận thông tin của cổ đông và công chúng nhà đầu tư. Đối với các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, Dự thảo Luật cũng có những sửa đổi, bổ sung cơ bản để đảm bảo tính rõ ràng, phù hợp và khả thi hơn.
Tại Chương IV, ban soạn thảo đã sửa đổi bổ sung về mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Theo đó, SGDCK Việt Nam được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Chứng khoán. Đồng thời cũng tính đến các yếu tố đặc thù trong thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể của SGDCK bảo đảm cho SGDCK thực hiện tốt chức năng tổ chức và giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán.
Tại Chương V, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Dự thảo Luật đã sửa đổi tên gọi của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ thanh toán chứng khoán Việt Nam. Về quy mô tổ chức, hoạt động, bộ máy quản lý điều hành của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ thanh toán chứng khoán Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tương tự như SGDCK.
Ngoài các nội dung cơ bản trên, Dự thảo Luật lần này cũng sẽ có những điểm sửa đổi, bổ sung về các quy định liên quan tới công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; về công bố thông tin; về thanh tra, xử lý vi phạm...
Dự thảo Luật Chứng khoán đã được Bộ Tài chính công bố, đăng tải nội dung để lắng nghe các ý kiến góp ý cho Dự thảo. Từ đó Cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua.
T.Ngà
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 23/10: Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều
-
Các chuyên gia nói gì về nhu cầu dầu từ nay đến năm 2035?