Bỏ sổ hộ khẩu - hướng đi đúng của Chính phủ điện tử
Sổ hộ khẩu kết thúc vai trò
Tại Việt Nam, chế độ hộ khẩu được xây dựng cách đây hơn 50 năm với mục đích quản lý dân cư về mặt kinh tế cũng như kiểm soát an ninh trật tự xã hội.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 112 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, với nhóm thủ tục đăng ký thường trú (tại cấp huyện, cấp xã) sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Quyết định này sẽ đồng nghĩa với việc bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú. Bỏ giấy chuyển hộ khẩu, ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014 của Bộ Công an; bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh với trẻ em đăng ký thường trú. Cùng với đó là bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Đồng thời, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú.
Được biết, việc quản lý dân cư bằng thẻ Căn cước công dân hay còn gọi là thẻ căn cước, chứng minh nhân dân, giấy căn cước, thẻ nhận dạng cá nhân được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng, điển hình như: Pháp, Ý, Hà Lan, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Hay như ở Mỹ, họ đặt ra cách quản lý công dân qua các số công dân. Mỗi người dân khi sinh ra được cấp một mã số công dân. Số này không trùng lặp với số của người khác và khi người đó chết thì cũng mang theo số công dân đi, vì theo quy định số đó không được dùng lại cho người sống. Tất cả giấy tờ có giá trị chứng minh nhân thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ học sinh, thẻ sinh viên, thẻ thuế... đều được tích hợp chung trong con số này.
Hiện nay, trên thế giới chỉ còn lại Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam sử dụng phương thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu. Như vậy, việc Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân đã minh chứng sổ hộ khẩu gia đình đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và đến lúc nhường lại cho những thành tựu công nghệ tiên tiến.
Bước đột phá về quản lý dân cư
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An |
Nhìn nhận về Nghị quyết số 112/NQ-CP dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Giám đốc Hãng luật Intercode cho rằng, đây là một bước tiến lớn trong công tác cải cách hành chính liên quan đến quyền cư trú của đại bộ phận người dân. Khi Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, thủ tục đăng ký thường trú sẽ được thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư. Việc này là phù hợp với Điều 23 Hiến pháp 2013 quy định về việc: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú” ở trong nước. Như vậy, việc công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục hành chính, tư pháp như đăng ký tạm trú, tạm vắng, đăng ký kết hôn, xin việc làm, xác nhận nhân thân sẽ được loại bỏ.
Tuy nhiên để Nghị quyết số 112/NQ-CP đi vào thực tiễn cần phải đưa cơ sở dữ liệu dân cư điện tử triển khai xuống cấp phường, xã, thị trấn một cách hoàn thiện. Đồng thời, nên thí điểm ở một số thành phố lớn có hạ tầng dữ liệu tốt, để người dân, cán bộ viên chức phường, xã và các tổ chức khác có đủ thời gian để thích nghi và thực hiện.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng |
Đồng tình với quan điểm của luật sư, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho biết, việc thay đổi phương thức quản lý dân cư từ hộ khẩu, chứng minh thư sang mã số định danh cá nhân sẽ tạo ra những cơ hội cũng như quyền bình đẳng cho mọi người dân. Ngoài ra, việc định danh cá nhân sẽ khắc phục được những tiêu cực tham nhũng có thể xảy ra liên quan đến quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần chuẩn bị về tâm lý và quan trọng nhất là chuẩn bị tốt về hạ tầng xã hội để phục vụ người dân như trường học, trạm y tế, khu vui chơi. Do đó, cần có lộ trình cụ thể, xác định những mặt tích cực và tiêu cực và phải có thời gian chuyển tiếp.
Vẫn biết, từ chủ trương đến lúc thực thi còn là cả một quá trình, nhưng quá trình ấy không cho phép chúng ta chần chừ và kéo dài vô định. Bởi thực tế đã đòi hỏi cấp bách, chúng ta không thể làm khác. Việc đăng ký hộ khẩu, quản lý nhiều lĩnh vực dựa vào hộ khẩu đã không còn phù hợp trong điều hành, quản lý xã hội và hội nhập quốc tế. Nó cần được thay thế bằng những công cụ hiện đại, khoa học hơn nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cuộc sống người dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định bỏ hộ khẩu không phải là bỏ quản lý dân cư. Bỏ sổ hộ khẩu nhưng chắc chắn các biện pháp quản lý dân cư như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn thực hiện, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ. Đã là Nhà nước thì phải có chức năng quản lý, chứ không thể ai muốn vào thì vào. Bỏ hộ khẩu sẽ đơn giản hóa thủ tục nhưng không có nghĩa là bỏ quản lý, nguyên tắc là thế. Sáng 7-11, Bộ Công an đã tổ chức họp báo để giải đáp những băn khoăn xung quanh việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân là thông tin không đúng, không chính xác. Quản lý hộ khẩu là quản lý con người. Ở đây là bỏ phương thức quản lý hộ khẩu bằng giấy, để chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin thôi. |
Đông Nghi - Song Nguyễn
-
Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử
-
Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến
-
Hoàn thiện quy trình để sổ hộ khẩu giấy không còn làm phiền dân
-
Hoàn thiện quy trình điện tử bãi bỏ xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy trước 20/3
-
Trung tướng Tô Ân Xô nói về khó khăn khi bỏ sổ hộ khẩu
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam