Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bi kịch "lịch sử" của ngành giáo dục!

09:10 | 08/04/2013

1,330 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hàng trăm học sinh lớp 12 tập trung ra hành lang, reo hò và đồng loạt xé đề cương môn Sử ngay trong trường học của mình khi biết không thi tốt nghiệp THPT môn này. Đó có lẽ là một dấu ấn buồn “lịch sử” với môn học này!

>> Học sinh xé đề cương Lịch sử: Lỗi của cả hệ thống giáo dục!

Vài năm trở lại đây, môn Lịch sử luôn để lại những nỗi buồn khôn tả với các nhà giáo dục tâm huyết sau mỗi kỳ thi. Cụ thể, năm 2011 là năm mà điểm thi đại học môn Lịch sử được xem là “thấp kỷ lục” với hàng ngàn điểm 0. Ở hệ THPT cũng không mấy khả quan khi tỉ lệ bài thi đạt điểm trên trung bình thấp nhất trong các môn thi với 72,91%. Tình hình này kéo đến năm 2012, điểm 0 thi đại học môn Sử vẫn còn tràn lan.

Và mới đây, hàng trăm học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP HCM tập trung ra hành lang trường mình, cùng reo hò và đồng loạt xé đề cương môn Sử thả xuống sân trường, nó như là “giọt nước tràn ly” về nỗi buồn môn Sử suốt mấy năm qua.

Trước tiên, hành động đó của các em học sinh là rất đáng trách, đó là hành động thiếu suy nghĩ, biểu hiện sự quay lưng với những gì cha ông để lại. Nhưng với các em học sinh này, người ta có thể cảm thông là do tuổi trẻ bồng bột, là do áp lực môn Sử nên việc không thi tốt nghiệp môn này như là một giải tỏa lớn! Song, hành động ấy chứa đựng nhiều thông điệp đáng suy ngẫm khác.

Đó là việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường. Thật ra, vấn đề này người ta đã nói mãi suốt mấy năm qua. Đã có quá nhiều hội nghị, cũng như rất nhiều giải pháp được đưa ra để cải thiện tình hình dạy và học môn Lịch sử.

Hình ảnh học sinh xé đề cương môn Sử

Thậm chí, từ 5 năm trước, tại một hội nghị, các nhà Sử học đã có giải pháp là phối hợp với Bộ Giáo dục để giải quyết vấn đề dạy và học môn Sử.

Thế rồi, sau ngần ấy năm, với hàng loạt những giải pháp đổi mới, tình trạng vẫn ở thế “giậm chân”. Thậm chí còn tệ hơn khi hàng trăm học sinh reo hò xé nát đề cương thi Sử chỉ vì được giải thoát khỏi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp. Đó là một hình ảnh rất đau lòng!

Bất cứ nhà giáo dục nào cũng đau lòng khi chứng kiến cảnh này, và thầy cô dạy Sử của trường này hẳn là người đau lòng nhất. Nhưng vấn đề là thầy cô sẽ trả lời thế nào khi có câu hỏi đặt ra là việc dạy môn Sử trong trường này đã diễn ra ra sao, để dẫn đến nông nỗi này? Câu trả lời phải chăng cũng là tình hình chung: Lý thuyết khô cứng, thiếu minh họa bằng phim ảnh, không có phương pháp học, chủ yếu là học thuộc lòng…

Cũng có ý kiến cho rằng, đây là hậu quả nặng nề của việc xem nặng thành tích, xem nhẹ chất lượng cốt lõi bên trong của sự học. Cho rằng, học sinh thời nay đi học vì bị ép học chứ không học vì ham học, đam mê tìm hiểu kiến thức. Chính vì vậy khi “thoát” được môn nào là “vứt” môn ấy ngay…

Có thể, tất cả những lý do ấy đều rất chính xác, song từ việc tìm thấy nguyên nhân đến giải pháp giải quyết hiệu quả là một vấn đề hoàn toàn khác. Và nó sẽ là một quãng đường rất xa khi người đứng đầu ngành giáo dục có lúc xem hàng ngàn điểm 0 môn Sử của thí sinh thi đại học vào năm 2011 là “bình thường”!

Bi kịch hơn, mới đây người ta cũng nghĩ là bình thường khi thẳng tay “đuổi” môn Văn ra khỏi kỳ thi tuyển sinh vào các ngành văn hóa nghệ thuật với một trong những lý do rất buồn cười là không muốn bỏ sót những tài năng nghệ thuật nhưng kém môn Văn!

Trong khi đó, văn học là cái nôi của mọi loại hình nghệ thuật; và từ ngày xưa ông cha ta đã đúc kết rằng, học văn là học làm người. Thật không thể tưởng tượng nổi một nghệ sỹ mà không có văn hóa thì sẽ thành nghệ sỹ kiểu gì? Phải chăng chính vì không xem trọng văn học của người nghệ sỹ nên ngày nay càng đẻ ra nhiều những gương mặt dị hợm, hết phát ngôn ngớ ngẩn rồi cởi đồ khoe thân để nổi tiếng?!

Còn đối với lịch sử, thật khó có thể có niềm tự hào về dân tộc, tổ quốc mình khi không yêu lịch sử, khi dân ta lại không biết sử ta. Tương tự cũng sẽ khó có sự nhận thức về truyền thống dân tộc và từ đó ý thức chính trị trong giới trẻ cũng mất đi khi các em học sinh coi nhẹ môn Sử.

Vậy thì tại sao không biến môn Sử là môn thi bắt buộc trong các kỳ thi THPT thay vì chỉ là môn phụ như hiện nay? Và để môn Sử không còn là nỗi ám ảnh nữa thì phải chăng cũng rất cần những thay đổi quyết liệt trong cách dạy và học môn Sử từ phía các nhà làm giáo dục?!

Lê Trúc