Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bí ẩn Mạc Can

21:47 | 04/07/2017

Theo dõi PetroTimes trên
|
Gặp nhà văn Mạc Can trong một con hẻm nhỏ vô danh giữa lòng Sài Gòn, ông kể mình chưa từng từ chối một cuộc phỏng vấn nào cả, nhưng chuyện người ta hỏi ông cũng chỉ có bấy nhiêu đó. Trả lời riết như vậy sợ người ta cũng chán.  

Nghe Mạc Can nói chuyện, bao giờ cũng có chút bỡn cợt duyên dáng nhưng không thiếu vị chát trong từng lời kể. Đến lúc cuối mới chợt hiểu ra một điều thú vị: Cuộc đời của người nghệ sĩ già này vốn dĩ được dệt nên bởi những câu chuyện đầy mâu thuẫn nhưng lại rất hợp tình hợp lý.

Sáng nào cũng vậy, Mạc Can ngồi với mấy người bạn thơ trong một quán cóc, nhâm nhi ly cà phê, nhìn người xe qua lại, tán dóc mấy câu chuyện không chủ đề.

Mạc Can ngồi đó với vẻ mặt khắc khổ, ông ôm cái cặp da đeo chéo, trong đó luôn luôn có mấy tờ báo mà ông nhận lời viết bài. Thi thoảng ông lại mở túi ra, đóng túi vào để tìm cái tẩu thuốc. Hỏi ông rằng, chỉ viết báo thì làm sao đủ sống, ông xua tay: “Người ta còn kêu tôi đi đóng phim nữa. Mà thiệt ra tôi già rồi, đâu có muốn đóng. Nhưng đó là cái nghề của mình, từ chối cũng khó”. Mạc Can nói về nỗi day dứt với nghề của người nghệ sĩ đã sống quá một nửa đời người. Công việc nó vốn tự tìm đến, chứ ông nào phải cực khổ tìm kế sinh nhai như người ta.

bi an mac can

Mạc Can nheo nheo đôi mắt hằn sâu vết chân chim, mủm mỉm cười: “Tôi có nhiều sự lựa chọn mà”. Quả thực, ông không đóng phim thì đi viết báo, không viết báo thì làm ảo thuật. Còn không có việc gì làm thì… ngồi chơi. Đấy, ai bảo Mạc Can khổ? Cơm, áo, gạo, tiền giờ đây đối với người nghệ sĩ già cũng giống như những tiếng cười mà ông mang đến cho đời. Lúc có, lúc không nhưng về bản chất, nó đủ để ông khuây khỏa hết những năm tháng còn lại.

Thắc mắc rằng, vì sao lâu rồi Mạc Can không ra mắt sách mới, ông rít một hơi thuốc, nhả làn khói tan chầm chậm rồi nói với tông trầm: “Nhà xuất bản bây giờ họ tìm những cái mới. Còn tôi xưa rồi”. Nói về văn, Mạc Can viết theo một phong cách lạ, có tưởng tượng cũng không tài nào hình dung được. Ông hóm hỉnh bảo, có lẽ nhờ vậy mà người ta cho ông giải A viết sách. Đó là tài sản lớn nhất của “cây bút trẻ” Mạc Can rồi, chứ thiết nghĩ có ai làm giàu nhờ buôn chữ đâu.

Khi nghe có ai đó nói rằng, chưa đọc sách mình viết, ông lại… mừng. “Người ta nói chỉ mới coi tôi diễn có duyên chứ chưa đọc sách tôi viết. Tôi vui nhiều hơn buồn. Vì người ta chỉ biết tôi tới đó thôi, biết nữa rối lắm”.

Mạc Can bán chữ, bán tiếng cười trọn cuộc đời. Cái niềm vui nho nhỏ mới đây nhất là tên ông được ghi vào quyển “Các tác giả Việt Nam”, xuất bản ở nước ngoài. “Tôi tép riu sao có tên trong cái cuốn bự dữ vậy?”. Trong những câu chuyện miên man, chuyện về “nghiệp buôn chữ” mà ông kể thường khiến người nghe cười ngặt nghẽo. Mạc Can nói ông hay được mấy trường đại học mời về diễn thuyết cho sinh viên. Dù ông bảo: “Tôi có biết gì đâu mà nói”, nhưng những gì ông nói ra, người ta lại thấy hay, thấy hợp lý. Cách Mạc Can viết sách cũng đâu có giống người ta: Mỗi sáng ông viết một chữ rồi… đi chơi. Ông “tưng tửng” lý giải: “Văn chương nó vậy. Một chữ là một nghĩa, hai chữ đã thành nghĩa khác. Mỗi ngày một chữ như kiến tha lâu đầy tổ”.

Cách Mạc Can viết sách cũng đâu có giống người ta: Mỗi sáng ông viết một chữ rồi… đi chơi.

Mạc Can nói mình không hề buồn, cuộc sống của ông bây giờ đủ đầy lắm. Ông có cả nhà chứ sao người ta viết rằng, ông không nhà, không cửa? “Nhà tôi bự lắm nha. Nhà thờ đó”. Chân của Mạc Can bây giờ rất yếu, đi đứng không còn tiện như trước nữa. Một chỗ ở hẳn hoi là thứ ông cần nhất lúc này. Mà thật ra ông còn cần nhiều thứ nữa, nhưng có hỏi thì chắc ông cũng không trả lời đâu.

Mạc Can bảo, ông chẳng hề buồn về cuộc sống không vợ, không con, hay không có chỗ trú thân. Nỗi buồn của ông vô định, không tên mà khi nghĩ đến chẳng thể nào vui lại được. Đó là cái buồn của chia ly, mất mát, của sự kết thúc một đời người ngắn ngủi. Nhưng nghĩ đi cũng nghĩ lại, sống hoài mà không chết chắc còn buồn hơn nữa. Hỏi Mạc Can rằng, có phải vì ông còn nhiều điều muốn làm hay không mà lại buồn khi nghĩ đến cái chết.

Ông nhìn vô định vào dòng xe nối đuôi nhau trên đường, gương mặt không chút biểu cảm: “Tôi nghĩ, tôi làm đủ rồi. Tuổi này mà sợ chết thì tức cười lắm, vì nếu cứ sống hoài, há chẳng phải khổ hơn còn gì. Buồn sao đặng khi dù có hết nợ với đời, vẫn có 2 người bạn già bên kia đợi mình”. Ấy là ông nhắc đến 2 người bạn thân của mình là cố nhà văn Sơn Nam và cố diễn viên Hồ Kiểng.

72 năm trên cuộc đời này, dường như mọi thứ đến với Mạc Can đều gói gọn trong hai chữ “bất ngờ”, bất ngờ viết sách, bất ngờ được giải thưởng văn học. Bất ngờ đóng phim, bất ngờ được giải thưởng điện ảnh. Kể cả chuyện ông bất ngờ được tạc tượng sáp. Tất cả điều đó đâu phải do Mạc Can tính toán kỹ càng để đạt được. Thành tựu duy nhất không phải do bất ngờ mà ông có được có lẽ là mang tiếng cười đến cho người đời. Nhưng chuyện đó, Mạc Can chỉ xem là chuyện nhỏ, là chuyện hẳn nhiên ông phải làm.

Thanh Hằng