BĐS vẫn thói nào tật đấy, ích kỷ và rất… tham lam
Một khu đô thị ở Hà Nội. |
Như Petrotimes đã thông tin, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra Dự thảo Thông tư 36/2014 trong đó giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống còn 40%, nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay BĐS từ mức 150% hiện nay lên mức 250%. Sau khi những nội dung chính của Dự thảo được công bố, rất nhiều ý kiến phản đối từ phía các Hiệp hội, Hội, các doanh nghiệp… kinh doanh BĐS đã được đưa ra trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tựu chung những ý kiến này cho rằng, thị trường BĐS đang trên đà phục hồi, thị trường đang khởi sắc và sự khởi sắc này đang tạo nên những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Vậy nên, nếu Ngân hàng Nhà nước siết van tín dụng BĐS thì thị trường sẽ gặp khó, chịu tác động tiêu cực, thanh khoản BĐS sẽ bị… tắc.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì rõ ràng những ý kiến này được đưa ra không hề dựa theo lợi ích chung của nền kinh tế mà chỉ dựa trên lợi ích của một nhóm doanh nghiệp, của một bộ phận nhà đầu tư đang tham gia hoạt động đầu cơ, lướt sóng trên thị trường.
Điều này cũng được ông Phạm Huyền Anh - Phó chánh Thanh tra NHNN đã khẳng định, Thông tư 36 áp dụng đối với việc bỏ vốn đầu tư tạo lập, nhận mua, chuyển nhượng, thuê, cho thuê, mua bán kinh doanh BĐS... nhằm mục đích sinh lợi. Và như vậy hệ số rủi ro chỉ tác động đến những mục tiêu đầu tư BĐS để sinh lời chứ không phải toàn bộ thị trường BĐS.
Trong khi đó, trong rất nhiều diễn đàn, hội thảo được tổ chức trước đây, khi đề cập tới câu chuyện nợ xấu, dư nợ khủng của BĐS, giới chuyên gia đã chỉ ra rằng, “cục máu đông” nợ xấu, “nấm mồ chôn tiền” của nền kinh tế sinh ra từ chính các hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại nhằm trục lợi tại các dự án BĐS sinh ra.
TS Nguyễn Minh Phong, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Petrotimes về vấn đề nợ xấu BĐS cũng chỉ rõ, phần lớn nguồn vốn đầu tư triển khai các dự án BĐS là vốn vay ngân hàng. Khi thị trường vận hành tốt, BĐS là kênh đầu tư sinh lời nhanh với mức lợi nhuận khủng. Chỉ cần có quan hệ, dù không có nhu cầu nhưng xin được xuất nhà giá gốc thì vẫn cứ mua, thậm chí không có tiền thì đi vay ngân hàng. Mua rồi, họ mang ra ngoài bán là kiếm cả trăm triệu đồng.
BĐS nhiều khi sôi động, nhộn nhịp theo TS Nguyễn Minh Phong là ảo, là không dựa trên giá trị thực, nhu cầu thực. Vậy nên mới có chuyện, các doanh nghiệp đua nhau chạy dự án chỗ này, mở dự án chỗ kia. Có dự án rồi thì lại chạy tiếp. Trong khi đó, vốn trong tay không có, toàn là vốn vay. Thị trường gặp khó một chút, thanh khoản giảm một chút, sản phẩm làm ra bị tắc, không bán được thì dẫn đến nợ, mà nợ BĐS là nợ khủng, hàng trăm tỉ đồng/dự án. Tình trạng dự án treo, chậm tiến độ, khiếu kiện trên thị trường BĐS cũng sinh ra từ đó.
Cũng chính bởi thói làm ăn theo kiểm chụp giật, thiếu định hướng chiến lược như vậy nên những năm 2011-2012, khi thị trường BĐS mất cân đối cung-cầu, đóng băng, ế ẩm, BĐS đã trở thành một nút thắt, một điểm nghẽn trong tiến trình xử lý nợ xấu của nền kinh tế.
TS Phạm Sỹ Liêm-nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng từng chua chát thừa nhận rằng, phần lớn nguồn vốn lưu thông trên thị trường BĐS là vốn vay. Và là vì vốn đi vay, mà vay quá nhiều, quá lớn nên chi phí lãi vay cũng không hề nhỏ khiến giá thành các sản phẩm BĐS luôn ở mức cao, vượt quá sức mua của người dân. Sản phẩm BĐS vì thế cũng không bán được dẫn tới nợ xấu và dư nợ cao.
Nói vậy để thấy rằng, việc Ngân hàng Nhà nước đưa Dự thảo siết tín dụng BĐS là cần thiết để tránh lặp lại tình trạng như những năm 2011-2012, mà để tháo gỡ nó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã phải vô cùng vất vả.
Chuyện phản ứng của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đối với chủ trương siết tín dụng BĐS của Ngân hàng Nhà nước như vậy là không thỏa đáng và cũng không hề dựa trên lợi ích chung của nền kinh tế. Chúng ta thử hỏi, nếu không siết tín dụng BĐS, không kiểm soát dòng tiền từ các tổ chức tín dụng lưu thông vào thị trường BĐS thì thị trường BĐS sẽ ra sao. Phải chẳng, trên đà phục hồi của thị trường, các doanh nghiệp lại ào ào đi xin lập dự án BĐS? Rồi giới đầu cơ, lướt sóng lại nhộn nhịp với các giao dịch mua đi bán hay không?...
Những kiến nghị, đòi hỏi về việc hoãn sửa đổi Thông tư 36 vì thế thể hiện sự ích kỷ và rất… tham làm của giới kinh doanh BĐS chứ chẳng phải vì mục đích tốt đẹp nào như những gì mà họ nói.
BĐS hãy đừng đỏi hỏi, hãy "làm thật, ăn thật" chứ đừng mãi trông chờ vào sự hỗ trợ kinh tế vì đất nước vẫn còn rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn khó khăn, cần được hỗ trợ là để phát triển chứ không riêng gì BĐS!
Thanh Ngọc
-
Cân nhắc bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế tối thiểu áp dụng tạm hoãn xuất cảnh
-
Tin tức kinh tế ngày 8/11: Giá lương thực thế giới tăng cao kỷ lục
-
Chính quyền Biden tạo thêm thách thức cho LNG trước khi ông Trump nhậm chức
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 8/11: Giá dầu thế giới lại quay đầu giảm
-
Fed cắt giảm lãi suất 0,25%