"Bảo kê" chợ "cóc" kiếm tiền triệu mỗi ngày
Bảo kê bội thu sau mỗi buổi họp chợ
Thời gian vừa qua, một số người dân sống ở Tổ dân phố số 2 và 36 (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh, hằng ngày tại ngõ 176 phố Dương Quảng Hàm kéo đến đường bờ sông Tô Lịch tồn tại một cái chợ "cóc" nhưng chính quyền sở tại không xử lý. Chợ tạm này hoạt động sôi nổi từ 5h -10h sáng hằng ngày và chủ yếu buôn bán nông sản, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong khu vực như mất vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Đặc biệt, tại đây luôn xuất hiện một nhóm người tự xưng là "ban quản lý chợ" để thu tiền lệ phí họp chợ của người bán hàng. Ai không nộp đều bị hăm dọa, phá hàng hóa, đuổi không cho bán.
Theo phản ánh của những người dân sống gần chợ, mỗi khi chợ "cóc” này hoạt động lúc nào họ cũng phải sống chung với sự ồn ào và ô nhiễm môi trường. Mỗi lúc chợ tan, các loại rác thải do tiểu thương bỏ lại vương vãi khắp nơi, bốc mùi hôi thối. Kể cả sau khi nhân viên môi trường đô thị đến xử lý số rác thải này thì những tàn dư còn lại vẫn bốc lên rất khó chịu.
Hằng ngày vẫn có cả trăm người tụ tập họp chợ tại ngõ 176 Dương Quảng Hàm.
5h sáng ngày 11/7, phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có mặt tại chợ "cóc" này để tìm hiểu thực hư sự việc. Mặc dù là chợ tạm, chợ "cóc" nhưng quả thật, ở đây chẳng khác nào một chợ đầu mối về nông sản. Tờ mờ sáng, tại đây đã xuất hiện hàng trăm gian hàng lớn, bé họp giữa lòng đường của ngõ 176 Dương Quảng Hàm.
Đúng như lời người dân phản ánh, khi có người bán hàng cũng là thời điểm chợ tạm này xuất hiện một nhóm người (xưng là "ban quản lý chợ", mặc trang phục giống như bảo vệ dân phố) đi thu tiền “phế” họp chợ của người bán hàng. Theo quan sát của chúng tôi, nhóm thu tiền "phế" này ít nhất có 3 người (1 nữ và 2 nam - PV). Người phụ nữ tên Đại làm nhiệm vụ chỉ huy chung, hai người đàn ông trực tiếp đi thu (một người thu tiền, một người mang theo sổ sách ghi chép). Tất cả những người bán hàng ở đây phải “móc ví” ra để nộp “phế”. Mức đóng tùy thuộc vào loại hàng mà họ kinh doanh, người bán rau phải nộp 10.000 - 25.000 đồng/người, bán thịt là 20.000 đồng/người, còn những loại hàng hóa bán được ít như giày dép, quần áo chỉ phải nộp 5.000 - 10.000 đồng.
Theo một người bán hàng rau ở đây, ngoài việc nộp "phế" hằng ngày, trước khi được sắp xếp chỗ bán, họ phải bỏ một khoản tiền để mua vị trí. Trước vấn đề này, chúng tôi đã giả làm người tìm chỗ bán rau quả thì ông chủ quán nước trong chợ cho biết đã hết chỗ. Theo anh này thì vì khu vực chợ mới xuất hiện mấy nhà hàng và quán karaoke nên số lượng tiểu thương được phép vào chợ cũng hạn chế. Bởi nếu tập trung nhiều gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh họ sẽ đuổi ngay. Cũng theo anh này, để có một chỗ ngồi trong cổng chợ, mỗi tiểu thương đều phải nộp một khoản “lệ phí” nhất định (?!).
Với lượng người bán hàng lên đến hàng trăm, nhẩm tính thì nhóm người kia mỗi ngày cũng phải thu được 1 đến 1,5 triệu đồng. Số tiền đó sẽ vào tay ai, chính quyền hay túi của nhóm người trực tiếp đi thu thì chẳng một ai ở chợ “cóc” này biết, họ chỉ biết nộp để... yên phận!
Không có chủ trương họp chợ và thu tiền từ chính quyền?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết, chợ “cóc” trên nằm ở địa phận tổ dân phố số 2 và 36 được hình thành từ nhiều năm về trước. Người bán hàng chủ yếu là những người dân ở ngoại thành và cả dân trong khu vực. Đây là khu chợ tự phát không có chủ trương thành lập, quan điểm của phường và quận Cầu Giấy là cương quyết dẹp bỏ khu chợ tạm này.
Theo ông Hưng, từ đầu năm tới nay, UBND phường đã phối hợp với công an quận và Công an phường Quan Hoa ra quân giải tỏa khu chợ "cóc" này 2 lần. Thế nhưng, mỗi lần thấy bóng lực lượng chức năng thì người buôn bán lại dạt vào các nhà dân để trú, khi lực lượng chức năng rút thì họ lại ùa ra.
“Có thời điểm, nơi đây chốt trực gần 20 cán bộ công an, dân phòng, những lúc như vậy ngõ 176 vắng bóng hoàn toàn người buôn bán. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng rút về họ lại tụ tập để họp chợ” - ông Hưng cho hay.
Người đàn ông trung niên (mặc áo xanh) đang thu "phế" của một người bán rau.
Nói về việc xuất hiện một nhóm đối tượng tự xưng là "ban quản lý chợ" để đi thu tiền của người bán hàng, ông Hưng khẳng định là hoàn toàn không có và cũng chưa từng nghe phản ánh. Thế nhưng, khi phóng viên đưa ra hình ảnh ghi lại cảnh thu tiền thì ông Hưng lại quay sang nói: “Đây không phải là người của phường và phường cũng không chỉ đạo ai đứng ra thu tiền. Chắc một số người dân sống trong ngõ 176 đứng ra thu tiền để làm công tác dọn vệ sinh”.
“Phường không có chủ trương thành lập chợ và cương quyết dẹp bỏ chợ thì những người thu tiền đó không thể nào là do phường quyết định thành lập và không thể gọi là ban quản lý được. Chợ tự phát thì người thu tiền đó cũng chỉ là tự phát. Hành vi thu tiền là hoàn toàn vi phạm pháp luật” - ông Nguyễn Duy Hưng cho biết.
Phó Chủ tịch phường Quan Hoa còn chia sẻ thêm: “Hằng ngày, ở chợ tạm ngõ 176 Dương Quảng Hàm có hàng trăm người bán hàng, họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, không công ăn việc làm nên việc dẹp cũng cần tính đến “tình người”. Trong một số lần họp tổ dân phố để lấy ý kiến, 100% người dân thuộc tổ dân phố số 2 và 36 đều không đồng tình với việc dẹp bỏ chợ tạm này. Họ đều cho rằng, đây là nơi để họ kiếm sống”.
Cùng ngày, sau khi phóng viên PetroTimes cung cấp video clip ghi lại hình ảnh thu tiền tại chợ “cóc” cho lãnh đạo Công an phường Quan Hoa xem, Trung tá Nguyễn Đức Minh – Trưởng Công an phường Quan Hoa cho rằng: “Đây là người sống trên địa bàn phường”.
Theo Trung tá Minh, sau một thời gian hình thành chợ "cóc", hai tổ dân phố (số 2 và 36) có xin chính quyền phường thành lập một tổ trật tự để quản lý chợ và có thu phí để duy trì vệ sinh môi trường. Sau khi UBND quận và phường có chủ trương dẹp bỏ chợ, tổ quản lý chợ cũng giải tán. Người đang thu tiền trong clip ghi là thành viên của tổ trật tự cũ.
“Ngay chiều nay (chiều 11/7 - PV) tôi sẽ chỉ đạo công an triệu tập đối tượng này lên trụ sở công an phường để đấu tranh làm rõ hành vi thu tiền này” - Trung tá Minh cam kết.
PetroTimes sẽ thông tin tiếp về vụ việc!
Thiên Minh
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn