Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bảo hiểm xe cơ giới hay bảo hiểm xe ôtô

10:41 | 09/08/2011

596 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 5 năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 33,2%, bảo hiểm xe cơ giới luôn là nghiệp vụ dẫn đầu về doanh thu trong các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT).

Tính tới hết quý II/2011, doanh thu phí bảo hiểm gốc của nghiệp vụ này đạt 3.101 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 31% trong cơ cấu nghiệp vụ BHPNT. Tuy nhiên, tỉ lệ bồi thường (TLBT) nghiệp vụ này cũng thuộc vào dạng “topten” của thị trường. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2011 là 43%, chỉ xếp sau 2 nghiệp vụ bảo hiểm hàng không (50%) và bảo hiểm con người (44%)…

Nghịch lý thiếu – thừa

Tổng số phương tiện cơ giới đăng ký lưu hành cả nước hiện nay là 34.422.042 chiếc. Trong đó, ôtô là 1.796.474 chiếc và xe máy là 32.625.568 chiếc. Số lượng xe máy lưu hành gấp 18 lần số lượng xe ôtô. Nhưng trong cơ cấu nghiệp vụ xe cơ giới thì doanh thu bảo hiểm xe máy chỉ bằng khoảng 1/6 so với bảo hiểm ôtô (15/85%). Thêm vào đó, có tới 65% số lượng xe máy lưu hành hiện nay không tham gia bảo hiểm, trong khi con số này chỉ là 10% đối với ôtô.

Mặt khác, phí bồi thường phải trả hầu hết là từ bảo hiểm vật chất ôtô còn TLBT bảo hiểm xe máy lại ở mức rất thấp, quanh mức 10% (2 quý đầu năm 2011 là 12,7%). Những con số liệt kê trên đây phần nào cho thấy được tiềm năng to lớn của thị trường bảo hiểm xe máy Việt Nam.

Dẫu thể hiện rõ là mảnh đất màu mỡ và có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng bảo hiểm xe máy lại không được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ thực sự quan tâm. Sự chú ý dành hầu hết cho bảo hiểm ôtô với sự tham gia của nhiều DNBH lớn nhỏ cả trong và ngoài nước. Bên cạnh những “ông lớn” quen thuộc như: PJICO, PVI, Bảo Việt, Bảo Minh… gần đây đã xuất hiện thêm hơn 20 hãng cùng hàng chục văn phòng đại diện của các hãng bảo hiểm liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.

Dĩ nhiên, càng nhiều đối thủ thì sự cạnh tranh càng quyết liệt hơn để giành giật khách hàng. Đặc biệt là khi các doanh nghiệp đều tập trung vào một mục tiêu là bảo hiểm ôtô. Có thể nói, tình trạng của bảo hiểm xe cơ giới hiện nay là “ Ít ôtô nhưng nhiều DNBH cạnh tranh, nhiều xe máy nhưng ít DNBH quan tâm”. Hay nói một cách khác, bảo hiểm xe ôtô là “người chơi chính” trong sân chơi bảo hiểm xe cơ giới.

100 lớn hơn 1?

Thực tế các DNBH đều biết thị trường bảo hiểm xe máy ở Việt Nam là lớn nhưng có 3 điều khiến họ không mấy mặn mà với việc mở rộng phát triển ở thị trường này:

Đầu tiên là hệ thống giao thông của Việt Nam rất kém. Mới đây, đồ án quy hoạch phát triển thủ đô đã được công bố nhưng đó mới chỉ là ở Hà Nội và là kế hoạch trong tương lai xa.

Tiếp đến là ý thức người dân chưa tốt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về số người chết vì tai nạn giao thông. Trung bình cứ 100.000 người có 13 người chết vì tai nạn giao thông và đa phần các vụ tai nạn xuất phát từ ý thức kém của người dân khi tham gia giao thông.

Thứ ba là phí bảo hiểm ôtô cao, việc định giá bồi thường cũng đơn giản hơn xe máy. Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ: “Tôi thích bán bảo hiểm cho ôtô bởi sự thực là anh bán bảo hiểm cho 100 chiếc xe máy cũng không bằng anh bán cho 1 chiếc ôtô”. Xét một cách khách quan, với giá trị hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ đồng/xe ô tô thì nhận định 100 không bằng 1 trên là câu trả lời cho lý do mà DNBH ôtô luôn chiếm tỉ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

Ngoài ra, với tình trạng phụ tùng xe máy được bán tràn lan với nhiều “kiểu giá” khác nhau thì việc định giá phí bồi thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là nếu như gặp phải khách hàng xấu có ý định trục lợi thì rủi ro đối với DNBH là rất lớn.

Tóm lại, rất khó để “trách” các DNBH khi dành phần ưu ái nhiều hơn cho bảo hiểm ôtô bởi việc gỡ những nút thắt phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan hơn là bản thân họ. “Tăng trưởng bảo hiểm xe máy, khi nào mới theo kịp sự phát triển của thị trường?”, có lẽ đây là một câu hỏi mà rất lâu nữa mới tìm được đáp án…

Anh Phạm