Báo động ô nhiễm môi trường từ xe máy cũ nát
Ẩn họa ô nhiễm môi trường từ xe cũ nát
Hiên nay ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xe máy chiếm tới 95% các phương tiện giao thông và tiêu thụ 56% xăng, lượng phát thải hydrocarbon chiếm 94%, carbon monoxide (CO) chiếm 87% và ôxit nitơ chiếm 57%. Điều này cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện cơ giới gây ra ngày càng ở mức báo động.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 40 triệu xe máy, trong số này có những xe hoạt động từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước nhưng vẫn còn lưu thông. Không chỉ mất an toàn giao thông, trong quá trình hoạt động những chiếc xe "quá đát" này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân. Những chiếc xe này do sử dụng công nghệ lạc hậu nên khả năng đốt cháy nhiên liệu không hết, thải ra ngoài môi trường gấp nhiều lần ô tô và phần lớn khí thải độc hại là hydrocarbon, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Chiếc xe máy trơ khung vẫn được sử dụng (ảnh: Vũ Hoàng) |
Còn theo các nhà khoa học thì trong khí thải của các phương tiện có rất nhiều thành phần độc hại như ôxit nitơ, hydrocarbon, CO, khi thải ra môi trường sẽ xảy ra phản ứng hóa học tạo ra các loại khí độc hại, làm cho con người bị ngộ độc, thậm chí ngạt thở. Bởi đốt cháy nhiên liệu chính là quá trình phân giải các chất hữu cơ.
Thành phần khí thải này lại phụ thuộc nhiều vào chất lượng động cơ. Động cơ càng cũ, công nghệ càng lạc hậu thì việc đốt cháy triệt để nhiên liệu càng bị giảm đi, khí thải độc hại vì thế càng tăng. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện "quá đát" thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2-4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề ô nhiễm không khí, những chiếc xe máy "quá đát" còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Những chiếc xe máy quá cũ kỹ, nhiều bộ phận bảo đảm an toàn giao thông của xe không còn, nhưng vẫn lưu thông trên đường.
Thu hồi xe máy cũ nát - khó khả thi?
Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, trong đó thời điểm thu hồi, xử lý đối với các phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng là từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện quyết định trên là điều khó khả thi. Bởi, trên thực tế chỉ có quy định niên hạn áp dụng với xe tải và xe khách, còn đối với xe ô tô con và xe máy thì vẫn chưa có quy định. Như vậy, chưa thể xác định xe như thế nào nằm trong diện bị thu hồi.
Mới đây, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các bộ ngành về thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, cấp nước, xử lý rác thải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự kiến đến kỳ họp HĐND thành phố diễn ra vào tháng 6/2017, thành phố sẽ trình HĐND chương trình liên quan đến hạn chế xe máy, sau đó sẽ trình Chính phủ. Tinh thần đề xuất theo hướng, thành phố sẽ bỏ ra một khoản kinh phí hỗ trợ và có biện pháp thu hồi các xe máy, ô tô đã quá hạn sử dụng.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 2,5 triệu xe máy trong số 6 triệu xe đang lưu thông đã hết hạn sử dụng từ năm 2000. Do vậy, trong đề án liên quan đến việc hạn chế các phương tiện cá nhân dự kiến trình lên HĐND vào tháng 6 tới, thành phố sẽ tính đến chuyện thu hồi các loại ô tô, xe máy quá cũ mà vẫn còn sử dụng hằng ngày.
Liên quan đến xe "quá đát", một số cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho hay, do vướng mắc về pháp lý nên lực lượng chức năng khó xử lý xe "quá đát". Hiện, lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ có thể xử lý được các trường hợp xe cũ nát kéo, chở hàng cồng kềnh, không có giấy tờ xe.
Với tình trạng chất lượng không khí trong nội đô ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì chủ trương thu hồi các xe máy cũ nát là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, ngoài việc cần xây dựng các quy định pháp lý cần thiết, cũng cần có những quy định, hành động cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi có xe máy thuộc diện phải thu hồi, tiêu hủy.
Xuân Hinh - Đông Nghi
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị