Bangladesh tiếp nhận lô uranium đầu tiên từ Nga
Nhà máy điện hạt nhân tại Bangladesh |
Phát biểu tại buổi họp trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết: "Hôm nay là một ngày đáng tự hào và vui mừng đối với toàn thể người dân Bangladesh". Thủ tướng Hasina đã bày tỏ lòng cảm ơn Tổng thống Putin trước "lời khuyên và hỗ trợ của Nga trong việc triển khai dự án nhà máy điện này".
Nhà máy điện hạt nhân được khởi công xây dựng vào năm 2017, tọa lạc tại làng Rooppur bên bờ sông Hằng và cách thủ đô Dhaka 175 km về phía Tây. Moscow đang tài trợ 90% chi phí dự án, trị giá 12,65 tỷ USD.
Trong chuyến thăm cơ sở điện hạt nhân hôm thứ Tư (ngày 4/10), Bộ trưởng Công nghệ Bangladesh Yeafesh Osman đã trả lời phỏng vấn rằng nhà máy gồm 2 lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò phản ứng có công suất 1.200 megawatt. Lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024 và lò phản ứng thứ hai sẽ hoạt động vào năm 2025.
Nhà máy điện thứ hai đang được lên kế hoạch
Với nhà máy này, Bangladesh hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra và dự kiến sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai ở phía Nam đất nước. Hiện địa điểm cuối cùng vẫn chưa được chọn. Các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt lên các công ty lớn của Nga, bao gồm Nhà máy điện hạt nhân nhà nước Rosatom, kể từ chiến sự Ukraine nổ ra vào năm ngoái đã khiến công trình bị trì hoãn do Bangladesh không thể trả nợ cho Nga bằng USD.
Hồi tháng 4, Bangladesh đã đồng ý thanh toán hơn 300 triệu USD bằng nhân dân tệ để lách lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương cho biết số tiền này vẫn chưa được thanh toán. Ông Osman giải thích rằng "cả thế giới đang phải đối mặt với vấn đề thanh toán này và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề".
Tuy nhiên, vấn đề trên không ảnh hưởng đến nỗ lực tăng cường quan hệ của Bangladesh với Moscow. Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có chuyến thăm đầu tiên đến Dhaka, nhân cơ hội này chỉ trích "sức ép mà Mỹ và các đồng minh của nước này gây ra cho Bangladesh".
Chính phủ của bà Sheikh Hasina đang tìm những đồng minh mới trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối tháng 1 năm sau. Trong khi đó, các chính phủ phương Tây và những người ủng hộ nhân quyền xem đây là hành động "bịt miệng" những người bất đồng chính kiến.
Mạng lưới điện căng thẳng
Nhà máy điện hạt nhân Rooppur là dự án cơ sở hạ tầng tốn kém nhất do Thủ tướng Hasina, người nắm quyền từ năm 2009, thực hiện. Đây sẽ là nhà máy điện lớn nhất cả nước về công suất phát điện sau khi đi vào hoạt động toàn diện.
Bangladesh sẽ sở hữu thêm nhiều nhà máy than và khí đốt đang được xây dựng, nhưng vẫn tìm cách giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Trong bối cảnh nắng nóng gay gắt vào mùa hè năm nay, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, Bangladesh đã phải đóng cửa nhà máy điện lớn nhất cả nước do không có đủ nguồn tài chính để cung cấp than đá cần thiết cho hoạt động.
Mạng lưới điện của Bangladesh ngày càng có nhiều dấu hiệu căng thẳng. Tháng 10/2022, có ít nhất 130 triệu người dân ở Bangladesh không có điện sinh hoạt sau khi mạng lưới điện ở nước này gặp vấn đề, dẫn đến tình trạng mất điện toàn quốc. Trước đó, Bangladesh đã phải gánh chịu cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng trong nhiều tháng do giá nhiên liệu và khí đốt toàn cầu tăng cao sau cuộc chiến Nga - Ukraine.
Các nhà máy điện diesel và một số nhà máy khí đốt của Bangladesh cũng đã ngừng hoạt động. Các nhà chức trách cho biết những tham vọng của Bangladesh về năng lượng nguyên tử là một yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại quốc gia này, do dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các điều kiện thời tiết cực đoan. Tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom của Nga, ông Sergey Kiriyenko nói với AFP rằng "điều này sẽ giúp Bangladesh giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ đây đến năm 2030".
Thiếu USD, Bangladesh gặp khó trong nhập khẩu nhiên liệu |
Nga quan tâm đến các dự án điện tại Việt Nam và Bangladesh |
Bangladesh đầu tư 3 tỷ USD vào năng lượng sạch |
Ý Thiên
AFP