Bản tin Năng lượng xanh: Mỹ, UAE ký hợp tác chiến lược thúc đẩy 100 tỷ USD đầu tư năng lượng sạch
Thỏa thuận được ký kết tại Hội nghị năng lượng Adipec ở Abu Dhabi, có tên là “Đối tác để tăng tốc năng lượng sạch” (PACE), và bao gồm bốn trụ cột chính: phát triển đổi mới năng lượng sạch và chuỗi cung ứng, quản lý khí thải carbon và mêtan, năng lượng hạt nhân và khử cacbon trong công nghiệp và vận tải.
Theo tuyên bố của chính phủ UAE, sự hợp tác đã “khẳng định cam kết của cả hai bên trong việc tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy tiến bộ trong hành động vì khí hậu”.
Nhà Trắng mô tả mối quan hệ đối tác mới là một thành tựu quan trọng trong chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Joe Biden. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden một lần nữa “thể hiện cam kết sâu sắc của mình trong việc đảm bảo một tương lai năng lượng sạch toàn cầu và an ninh năng lượng lâu dài khi Hoa Kỳ và UAE tuyên bố quan hệ đối tác bền chặt nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi nhanh chóng và suôn sẻ sang năng lượng sạch…”.
Nhà Trắng cho biết hai nước sẽ thành lập một “nhóm chuyên gia” để “xác định các dự án ưu tiên, loại bỏ các rào cản tiềm ẩn và đo lường tiến độ của PACE trong việc đạt được mục tiêu xúc tác 100 tỷ USD tài trợ, đầu tư, và các hỗ trợ khác và triển khai 100 gigawatt năng lượng sạch trên toàn cầu".
UAE là nước xuất khẩu dầu lớn nhưng đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển các nguồn năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có việc xây dựng nhà máy điện mặt trời một điểm lớn nhất thế giới và nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở thế giới Ả Rập. UAE có kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 28 vào năm 2023.
Kế hoạch đầy tham vọng của Mỹ và UAE được đưa ra vào thời điểm nhu cầu gia tăng và nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu ngày càng thu hẹp do nhiều năm đầu tư ít vào nhiên liệu hóa thạch, căng thẳng địa chính trị đã khiến nguồn cung bị thắt chặt và giá tăng cao đối với người tiêu dùng.
Quan hệ đối tác Đức-Canada và cuộc chạy đua vận chuyển hydro sạch của Canada đến châu Âu
Hàng chục công ty Canada đang chạy đua để vận chuyển hydro xanh đầu tiên từ Canada đến châu Âu vào năm 2025.
Đức và Canada đã ký một thỏa thuận vào tháng Tám để vận chuyển hydro sạch của Canada đến Đức vào năm 2025. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gặp nhau tại tỉnh Newfoundland và Labrador của Canada, nơi World Energy đang lên kế hoạch cho một dự án trị giá 12 tỷ USD để xuất khẩu amoniac bắt đầu vào cuối năm 2024. Một công ty con của World Energy muốn xây dựng 164 tuabin gió trên Bán đảo Port au Port của Newfoundland để cung cấp năng lượng cho một nhà máy hydro mới
Hydro được coi là yếu tố quan trọng đối với nỗ lực của châu Âu trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn, và đầu tư đã tăng tốc ở các nước như Australia và Chile. Miền Đông Canada, với gió tạo ra điện mạnh và khoảng cách vận chuyển ngắn, là một nguồn tiềm năng chính cho hydro xanh.
Một số công ty đang tiến hành các kế hoạch quản lý và cuối cùng là xây dựng, trong đó có Brookfield Renewable Partners và World Energy. Tập đoàn đường ống và tiện ích khổng lồ Enbridge Inc nói với Reuters rằng đang xem xét việc phát triển hydro trong khu vực.
Các công ty năng lượng Đức E.ON Group và Uniper SE đã ký các thỏa thuận không ràng buộc với EverWind Fuels, có trụ sở tại tỉnh Nova Scotia của Canada, để EverWind vận chuyển cho họ tổng cộng 1 triệu tấn amoniac xanh mỗi năm.
Trent Vichie, chủ sở hữu của Everwind cho biết EverWind đặt mục tiêu bắt đầu xuất xưởng 200.000 tấn vào năm 2025.Công ty có kế hoạch bắt đầu xây dựng dự án của mình tại một cảng hiện có vào năm tới. Trent Vichie đã chi 100 triệu USD cho dự án 6 tỷ USD và cho biết nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư chiến lược và tổ chức để giúp thanh toán phần còn lại. Citibank và CIBC đang tư vấn cho EverWind.
Tại Newfoundland, một công ty con của Brookfield có trụ sở tại Toronto đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy và trang trại gió trị giá 2 tỷ USD Canada (1,46 tỷ USD) để sản xuất 200.000 tấn amoniac hàng năm.
Teresa Jaschke, Người phát ngôn của E.ON Group, cho biết chuỗi cung ứng đang phát triển nhanh hơn dự kiến. Teresa Jaschke cho rằng công nghệ hydro sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các công ty Canada cũng phải đối mặt với những trở ngại lớn, như tình trạng thiếu thiết bị và sự phản đối của dân chúng địa phương. Sự phát triển hydro toàn cầu đã khiến các nhà máy sản xuất tuabin và máy điện phân không thể đáp ứng kịp với nhu cầu cao./.
Thanh Bình
(Source: CNBC, Reuters)