Bản tin Năng lượng xanh: Mỹ đề xuất giảm phí sâu cho điện gió, điện mặt trời trên đất liên bang
Mỹ đề xuất giảm phí sâu cho điện gió, điện mặt trời trên đất liên bang
Trước đó, từ năm 2022, với thẩm quyền của Bộ Nội vụ Mỹ, Cục Quản lý đất đai Hoa Kỳ (BLM) đã giảm khoảng 50% phí cấp phép cho các dự án phát triển năng lượng mặt trời và gió, sau khi các nhà phát triển phàn nàn rằng mức phí quá cao để thu hút đầu tư.
Đề xuất hôm thứ Năm (15/6) của Bộ Nội vụ Mỹ sẽ tiếp tục giảm các khoản phí đó và đưa những thay đổi này trở thành một quy định chính thức, khiến chúng khó có thể bị đảo ngược hơn dưới một chính quyền chính trị mới trong tương lai.
Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu khử cacbon cho ngành điện của Mỹ vào năm 2035, một mục tiêu đòi hỏi phải triển khai nhanh chóng một lượng lớn năng lượng gió và mặt trời. Cục Quản lý đất đai quản lý 1/10 diện tích đất ở Mỹ và Bộ Nội vụ được Quốc hội Mỹ cho phép phát triển 25 gigawatt (GW) năng lượng tái tạo trên các vùng đất liên bang vào năm 2025.
Bộ Nội vụ Mỹ cho biết đề xuất của BLM sẽ giảm khoảng 80% phí dự án và sẽ cho phép cơ quan chấp nhận các đơn đăng ký tại các khu vực ưu tiên phát triển năng lượng gió và mặt trời nằm ngoài các cuộc đấu giá cạnh tranh. Một số đề xuất về việc làm cũng được đưa ra để phù hợp với cam kết của Tổng thống Biden rằng chống biến đổi khí hậu có thể hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ.
BLM sẽ tiếp nhận ý kiến về đề xuất này trong 60 ngày và sẽ hoàn thiện quy định trong năm tới. BLM cũng đang trong quá trình xác định các khu vực mới để phát triển năng lượng mặt trời ở miền Tây Hoa Kỳ. Đại diện ngành năng lượng mặt trời của Mỹ cho biết họ đang xem xét đề xuất của BLM.
Serbia triển khai phiên đấu giá năng lượng tái tạo 450 MW đầu tiên
Hôm 14/6, Serbia công bố khởi động phiên đấu giá năng lượng tái tạo đầu tiên. Các dự án điện gió có tổng công suất 400 MW và các dự án quang điện mặt trời có tổng công suất 50 MW sẽ được hỗ trợ thông qua hợp đồng trong 15 năm.
Việc công bố này diễn ra sau một dự án hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Khai thác và Năng lượng Serbia, với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và được Chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ thông qua một khoản trợ cấp từ Ban Thư ký Kinh tế Nhà nước Thụy Sỹ (SECO).
Hôm 14/6, Thủ tướng Ana Brnabić của Serbia công bố về việc khởi động các phiên đấu giá năng lượng tái tạo đầu tiên tại trụ sở của EBRD ở London, nơi Thủ tướng Serbia đã có cuộc gặp với Chủ tịch EBRD Odile Renaud-Basso để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, cùng sự hợp tác các công viên khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác.
Chương trình hỗ trợ này khuyến khích sự hội nhập thị trường năng lượng tái tạo, với việc các nhà phát triển năng lượng tái tạo nhận được hỗ trợ phù hợp với giá thị trường, bên cạnh thu nhập từ việc bán điện sản xuất được trên thị trường điện. Các cuộc đấu giá đại diện cho vòng đầu tiên của kế hoạch 3 năm, trong đó dự kiến phân bổ cho 1.000 MW đối với công suất phát điện gió và 300 MW đối với điện mặt trời.
Matteo Colangeli, Giám đốc EBRD của Western Balkan, cho biết sẽ hỗ trợ Serbia trong tham vọng khử cacbon trong ngành điện và đẩy nhanh quá trình tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo thông qua các cuộc đấu giá công khai và minh bạch. Cho đến nay, EBRD đã đầu tư 8,5 tỷ euro vào Serbia, với 400 triệu euro đã được phê duyệt trong năm nay, trong đó có 300 triệu euro dành cho lĩnh vực năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và khử cacbon của Serbia.
Tấn công mạng vào cơ sở năng lượng tái tạo: Cơn ác mộng của ngành điện châu Âu
Theo dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU), với nỗ lực của các chính phủ EU nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng gấp đôi năng lượng tái tạo, năng lượng gió và mặt trời chiếm hơn 1/5 nhu cầu năng lượng của châu Âu vào năm 2021, và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo năng lượng châu Âu đang lo ngại về khả năng những kẻ phá hoại có thể tấn công mạng vào các cơ sở năng lượng sạch, xâm nhập vào các hệ thống năng lượng gió và mặt trời dễ bị tổn thương, phá hoại mạng lưới năng lượng số hóa.
Stephan Gerling, nhà nghiên cứu cấp cao tại Kasperky's ICS CERT, chuyên nghiên cứu và phát hiện các mối đe dọa mạng đối với các cơ sở công nghiệp, cho biết các nhà máy điện truyền thống như khí đốt và hạt nhân thường hoạt động trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được ngăn cách với bên ngoài, khiến chúng ít bị tấn công mạng hơn là các phá hoại vật lý. Ngược lại, ngày càng có nhiều cơ sở năng lượng tái tạo nhỏ hơn trên khắp châu Âu chạy trên các hệ thống đa dạng của bên thứ ba được kết nối kỹ thuật số với lưới điện và nằm dưới ngưỡng giám sát do các cơ quan an toàn đề ra,
E.ON - nhà điều hành mạng lưới năng lượng lớn nhất châu Âu với mạng lưới rộng 1 triệu dặm vuông - cũng đã nhận thấy nguy cơ tấn công mạng ngày càng tăng. Giám đốc điều hành Leonhard Birnbaum cho biết về vấn đề này tại cuộc họp cổ đông của tập đoàn vào tháng 5 vừa qua. Công ty đã mở rộng đội ngũ nhân viên mạng chuyên dụng của mình lên khoảng 200 người trong những năm qua.
Toàn bộ ngành điện châu Âu có thể chưa được chuẩn bị cho quy mô của thách thức an ninh này - đó là quan điểm của nhiều người trong ngành.
Cuộc khảo sát của DNV với khoảng 600 chuyên gia năng lượng được thực hiện vào tháng 2 và tháng 3 cho rằng việc thiếu kỹ năng an ninh mạng nội bộ là trở ngại lớn nhất để bảo vệ hiệu quả cơ sở năng lượng trước một cuộc tấn công mạng. Jalal Bouhdada, Giám đốc điều hành của Công ty an ninh mạng Applied Risk, một bộ phận của DNV, cho biết, đối với các công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ là sản xuất năng lượng chứ không phải an ninh mạng, do vậy, điều này có nghĩa là họ phải làm việc tích cực hơn để bảo mật mọi khía cạnh của cơ sở hạ tầng./.
Thanh Bình
(Source: Reuters)
-
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc dự báo giảm tháng thứ 6 liên tiếp
-
Nhà đầu tư tích trữ vàng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
-
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo rủi ro gia tăng
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên