Bài 1: Cần nhanh chóng “nâng cấp” hệ thống quản lý xăng dầu
Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có những biến động được đánh giá là rất bất thường. Hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh tại một số địa bàn và các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thời gian vừa qua chủ yếu do biến động lớn từ thị trường chứ không phải do các quy định về quản lý Nhà nước.
Kinh doanh xăng dầu phải đặt việc phục vụ người dân lên hàng đầu |
Việc điều hành mặt hàng xăng dầu phải thực hiện cùng một lúc nhiều mục tiêu như giữ ổn định giá để kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển thị trường xăng dầu lành mạnh, cân đối, có tính cạnh tranh; kiểm soát chặt chẽ đối tượng gia nhập thị trường…
Về các mục tiêu điều hành giá mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, tại một số thời điểm, khi tập trung thực hiện mục tiêu này sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm mục tiêu khác. Ví dụ như việc kiểm soát, giữ ổn định giá bằng cách không điều chỉnh đủ và kịp thời các chi phí trong cơ cấu giá điều hành mặt hàng xăng dầu dẫn đến việc thua lỗ hoặc không bảo đảm khuyến khích doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng để cung ứng cho thị trường, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Hay việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện gia nhập thị trường xăng dầu sẽ mâu thuẫn với việc thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường xăng dầu. Còn việc xử lý mạnh tay đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp dẫn đến hệ quả về việc gián đoạn nguồn cung…
Ở đây cần phải nói thêm rằng, các mục tiêu điều hành giá xăng dầu như cân đối chi phí, khuyến khích doanh nghiệp… đều phải xếp sau mục tiêu “duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường phục vụ sản xuất, đời sống của người dân”. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, sản phẩm xăng dầu cần sự quản lý của Nhà nước, bởi vậy doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bắt buộc phải thực hiện yêu cầu hay mục tiêu nói trên.
Hiện nay, có thể nói, Nhà nước chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu nêu trên, trong khi đó, xăng dầu là lĩnh vực có đóng góp rất lớn cho nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các loại thuế, phí. Việc bình ổn giá xăng dầu đang được thực hiện bằng công cụ duy nhất là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG). Đây là quỹ nằm hoàn toàn ngoài cân đối ngân sách nhà nước, toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG chỉ để điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ BOG hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý.
Việc dự trữ xăng dầu để bảo đảm cung ứng cho thị trường bằng hình thức dự trữ lưu thông bắt buộc do các doanh nghiệp tự thực hiện và tự bỏ chi phí lưu kho, chi phí tài chính, chi phí quản lý… Trong đó, việc tính giá xăng dầu một mặt bằng trên cả nước đã vô hình chung ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở khu vực vùng sâu, biên giới, hải đảo bởi chi phí vận chuyển rất lớn.
Nhà nước gần như không chi ngân sách cho các hoạt động bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu. Ngoài ra, khi tính toán giảm các mức thu thuế để hỗ trợ giảm giá xăng dầu trong nước, các cơ quan chức năng luôn cân nhắc kỹ và chỉ thực hiện khi giá xăng dầu tăng rất cao (khi đó, mặc dù Nhà nước cắt giảm mức thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu nhưng do giá tăng nên về cơ bản lượng thu cho ngân sách nhà nước vẫn giữ được mức tương đương như giai đoạn giá bình thường), do đó ngân sách nhà nước không chịu sức ép và gánh nặng khi điều chỉnh giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu.
Xăng dầu cũng như các mặt hàng thiết yếu khác, đang được kinh doanh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, để duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường, các doanh nghiệp cũng cần có động lực là lợi nhuận.
Vì vậy, về lâu dài, để bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường xăng dầu, Nhà nước cần xem xét chỉ đạo việc tăng nguồn lực về dự trữ quốc gia đối với mặt hàng xăng dầu để bình ổn thị trường khi cần thiết, giảm dần việc đưa ra những yêu cầu mang tính hành chính mệnh lệnh, bắt buộc (nhưng không có sự hỗ trợ về nguồn lực) đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng của quốc gia.
Thành Công
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11