IPO Vinalines: Điều gì hấp dẫn nhà đầu tư?
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có bản công bố thông tin cho các nhà đầu tư trong đợt IPO dự kiến diễn ra đầu tháng 9/2018.
Vinalines sẽ bán 20% vốn trong đợt IPO và 14,8% vốn cho nhà đầu tư chiến lược |
Theo đó, Vinalines sẽ bán 20% vốn trong đợt IPO và 14,8% vốn cho nhà đầu tư chiến lược. Khoảng 0,2% vốn sẽ được phân bổ qua việc bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên và tổ chức công đoàn của Tổng công ty. Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 65% vốn điều lệ của Vinalines.
Theo lộ trình, Vinalines sẽ tiến hành IPO trước, và sau đó sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Giá đấu thành công bình quân trong đợt IPO sẽ được sử dụng để làm giá khởi điểm cho đợt chào bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư
Các tập đoàn Hàn Quốc như Hyundai Motor, SK và tập đoàn xi măng Thái Lan Siam Cement hiện tại đang là những nhà đầu tư quan tâm tới Vinalines. Trong đó, Hyundai Motor đã gửi 1 bức thư chính thức tới Vinalines với mong muốn tham gia vào đợt cổ phần hóa, trong Siam Cement đang quan tâm tới việc hợp tác với Vinalines trong lĩnh vực khai thác cảng biển - một "mỏ vàng" mà Vinalines đang sở hữu.
Trong một diễn biến khác, Vinalines đã được phê duyệt kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại Cảng Hải Phòng từ 92,56% xuống 65%, và tại Cảng Đà Nẵng từ 75% xuống 65% để gia tăng vốn phục vụ cho mục đích kinh doanh. Quỹ Dự trữ Quốc gia vương quốc Oman, một quỹ đầu tư được thành lập từ năm 1980 để quản lý ngân sách dự trữ của Chính phủ Oman, đã từ lâu mong muốn trở thành một cổ đông chiến lược của Cảng Hải Phòng và vừa qua đã một lần nữa đề xuất được đầu tư vào Cảng Hải Phòng.
Năm 2017, Vinalines đã ký Biên bản ghi nhớ với Rent A Port N.V, một công ty chuyên về đầu tư và quản lý cảng thuộc Tập đoàn Ackermans & van Haaren của Vương quốc Bỉ về khả năng hợp tác trong các dự án bến cảng ngũ cốc chuyên dụng, khu chế biến, hệ thống logistics, trong đó cũng bao gồm điều khoản cho phép Rent-A-Port N.V. tham gia đầu tư, mua 10% vốn điều lệ của Vinalines khi thực hiện cổ phần hóa.
Thế mạnh riêng mang đến sự khác biệt
Với 3 ngành nghề kinh doanh chính bao gồm vận tải biển, khai thác cảng biển, và dịch vụ hàng hải, Vinalines chào đón các nhà đầu tư tài chính và các tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải để hỗ trợ Tổng công ty nắm bắt những cơ hội thương mại và làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang gia tăng vào Việt Nam.
Đội tàu hiện tại của Vinalines bao gồm 84 chiếc, tổng trọng tải hơn 1,8 triệu tấn gồm các tàu container, tàu chở hàng rời, tàu chở dầu và các loại tàu khác, các dịch vụ cảng khác, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu vận tải biển trong nước với một hệ thống khách hàng lớn bao gồm các công ty đa quốc gia. Xét ở góc độ quy mô, đây là doanh nghiệp vận tải biển lớn nhất Việt Nam.
Mặt khác, Vinalines đang khai thác và vận hành 14 cảng biển tại các vị trí chiến lược trải dài Việt Nam, chiếm gần 27% công suất thiết kế và 20% tổng chiều dài cầu bến cả nước. Tổng công ty cũng sở hữu hệ thống kho bãi hàng hải lớn nhất Việt Nam về mặt diện tích thông qua 9 doanh nghiệp thành viên.
Với lợi thế độc nhất là doanh nghiệp hàng hải có đủ ba dịch vụ trên, Vinalines đang và sẽ đẩy mạnh dịch vụ logistics trọn gói để phát huy lợi thế về cảng biển-vận tải biển-dịch vụ hàng hải.
Trong những năm gần đây, Vinalines đã trải qua một giai đoạn tái cơ cấu thành công và giảm số nợ từ 11,4 nghìn tỷ đồng năm 2014 xuống còn 2,61 nghìn tỷ đồng năm 2017. Tổng công ty ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất trong năm vừa qua tăng 7,8% so với năm 2016, đạt 15,79 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất năm 2017 đạt 969 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2016.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Vinalines được nhiều nhà đầu tư ngoại “nhòm ngó” | |
'Ông lớn' vận tải biển Vinalines đã vượt qua sóng lớn? | |
Cổ phần hoá Vinalines: Hơn 300 người sẽ phải nghỉ việc | |
Vinalines hồi sinh sau tái cơ cấu |