Áp lực tinh thần với trẻ em còn cao hơn người lớn
Để làm rõ những vấn đề trên, Báo Năng lượng Mới đã thực hiện cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Thanh Tú, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em Việt Nam.
PV: Thưa tiến sĩ, xin tiến sĩ giới thiệu đôi nét về Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em?
Tiến sĩ Trần Thanh Tú: Nói về vấn đề sức khỏe của trẻ em, chúng ta phải hiểu đúng với định nghĩa là không chỉ nói về tình trạng bệnh tật mà còn là trạng thái thoải mái về tinh thần. Ở đây, nói về sức khỏe của trẻ em Việt Nam là phải nhìn nhận đầy đủ 2 vấn đề thể chất và tinh thần.
Tiến sĩ Trần Thanh Tú, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em Việt Nam.
PV: Hiện nay, nhiều người cho rằng, người Việt đang yếu dần đi, biểu hiện rõ ràng ở trẻ em. Xin tiến sĩ cho biết điều này có đúng hay không và các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Tiến sĩ Trần Thanh Tú: Với nhận định của một người làm y khoa, tôi cho rằng trẻ em Việt Nam hiện nay sức khỏe tốt hơn trước kia. Nếu có yếu hơn là phía tinh thần của trẻ. Trẻ em hiện nay gặp quá nhiều áp lực và căng thẳng như áp lực học tập, kỳ vọng của cha mẹ… Có thể thấy rằng, về mặt tinh thần đứa trẻ hiện nay chịu đựng còn lớn hơn cả người trưởng thành. Trẻ học nhiều quá, ngày học 3 ca đến 12 giờ đêm, 1 giờ sáng mà không có thời gian vui chơi, giải trí thì không còn là trẻ con nữa. Vì vậy trẻ không nhìn ra quanh mình bằng ánh mắt trẻ thơ mà nhìn bằng sách vở, truyền hình, game…
Thể chất của người Việt đang tăng lên, mức tăng này không đồng đều giữa các vùng miền thành thị và nông thôn, lứa tuổi. Cũng có sự mất cân đối thể hiện như trẻ béo phì ở thành phố tăng lên nhưng vẫn có nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều trẻ suy dinh dưỡng. Tỷ lệ thừa dinh dưỡng cao không chứng tỏ sức khỏe tốt.
PV: Trẻ em Việt Nam được chăm sóc tốt hơn cách đây 20 năm, tỷ lệ trẻ tử vong mỗi năm giảm liên tục, các trang thiết bị y tế hiện đại, thuốc men được cung cấp nhiều hơn. Điều này có giúp trẻ em Việt Nam khỏe hơn?
Tiến sĩ Trần Thanh Tú: Chính xác là sức khỏe thể chất của trẻ em Việt Nam đang tốt hơn trước. Hiện nay, người ta đánh giá phát triển sức khỏe bằng sự phát triển chiều cao của trẻ chứ yếu tố cân nặng không có khả năng quyết định. Thời gian qua, so sánh với các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc thì sức khỏe trẻ em Việt Nam chỉ phát triển bằng 1/5.
Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em Việt Nam thành lập vào tháng 4/2010. Viện là nơi tổ chức, quản lý, thực hiện các nghiên cứu khoa học liên quan đến sức khỏe trẻ em, tham gia công tác đào tạo cán bộ nhi khoa và hợp tác quốc tế. |
Chiều cao trung bình của trẻ em Việt Nam trong 20 năm qua chỉ tăng từ 1,5 đến 2cm trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là từ 8 đến 10cm. Chất lượng cuộc sống của trẻ em hiện nay không được tốt do quá nặng nề về tâm thần. Mở rộng ra chúng ta có thể nhìn thấy hiện tượng trẻ em phạm tội đang gia tăng với biên độ ngày càng rộng hơn. Điều này có thể thấy qua độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hơn và cả lớn tuổi hơn. Biên độ phạm tội lùi xuống độ tuổi của trẻ em là 7-8 tuổi và mở rộng đến các ông bà già 70 tuổi. Cách đây 20 năm, không hề có trẻ em độ tuổi hơn 11, 12 phạm tội.
Sự bùng nổ thông tin đa chiều của mạng Internet ảnh hưởng lớn đến tâm thần. Trong khi đó, khả năng kiểm soát của con người ngày càng kém bởi sự xuống cấp của giáo dục truyền thống, sự coi nhẹ trong việc đánh giá, nhìn nhận về tội ác, bạo lực. Tội phạm gia tăng ở độ tuổi thanh thiếu niên là một vấn nạn mà theo tôi có xuất phát điểm từ cách nhìn nhận của xã hội và sự phát triển không đồng đều của con người giữa thể chất và tinh thần.
PV: Thưa tiến sĩ, có hay không sự khác biệt sức khỏe trẻ em nông thôn và thành thị, dân tộc thiểu số và người Kinh? Những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này?
Tiến sĩ Trần Thanh Tú: Hiện nay, đánh giá chung thì sức khỏe của trẻ em Việt Nam đang tăng lên. Những bệnh tật về nhiễm trùng, suy dinh dưỡng đang được kiểm soát, tỷ lệ tử vong hạ xuống. Ngược lại các bệnh của xã hội phát triển như rối loạn chuyển hóa, tai nạn giao thông và đặc biệt là các bệnh tự kỷ, tâm thần lại tăng lên. Những bệnh bẩm sinh, di truyền y học của chúng ta đã phát hiện và tiến hành điều trị. Có thể nói, sức khỏe trẻ em Việt Nam đang chuyển từ các bệnh của xã hội đang phát triển sang xã hội phát triển. Trẻ em nông thôn và thành thị, dân tộc và người kinh có sự khác biệt về chất trong tỷ lệ đánh giá về dinh dưỡng nhưng cũng theo xu hướng chung là tăng các bệnh về tâm thần và giảm các bệnh liên quan đến nhiễm trùng, bệnh dịch. Hiện nay, đã phát hiện nhiều bệnh mà trước đây chưa phát hiện, chúng ta nghiên cứu, chữa được sau đó lại phát sinh các bệnh khác do công tác phòng chống dịch bệnh chưa tốt như viêm não Nhật Bản, cúm gà… Bởi vậy ngành y tế Việt Nam luôn phải sẵn sàng để phát hiện, điều trị các chủng loại virus, bệnh nhiễm trùng mới xuất hiện.
PV: Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu y khoa đang nói về vấn đề tuổi dậy thì đến sớm ở trẻ em Việt Nam. Xin TS cho biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, liệu tuổi dậy thì sớm có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ hay không?
Tiến sĩ Trần Thanh Tú: Đầu tiên chúng ta phải xác định thời điểm dậy thì được cho là sớm hoàn toàn khác biệt với bệnh dậy thì sớm. Ngày xưa các cụ thường có câu “nữ thập tam, nam thập lục” để chỉ thời điểm dậy thì của người Việt Nam. Đến nay, điều kiện sinh hoạt, ăn uống đã đủ chất hơn nên trẻ em Việt Nam đã dậy thì sớm hơn. Hiện nay, ở bé gái có thể dậy thì vào lúc 11 tuổi và bé trai là 13 tuổi được coi là bình thường. Có những trường hợp đặc biệt có thể sớm hơn, nếu kiểm tra tất cả các yếu tố sức khỏe đều bình thường, không có yếu tố bệnh tật thì đứa trẻ đó vẫn có sức khỏe bình thường.
Trẻ em dậy thì sớm hơn có nghĩa là có nhu cầu về tính dục sớm hơn. Trong khi đó, sự giáo dục ở trường học, quan niệm của xã hội không theo kịp thực tế. Sự xung đột giữa nhu cầu và sự hiểu biết của trẻ dẫn đến hậu quả là hiện tượng sinh hoạt tình dục bừa bãi, tỷ lệ phá thai trong giới trẻ ngày càng tăng và độ tuổi ngày càng thấp. Đặc biệt là tội phạm liên quan đến vấn đề tình dục trẻ em cũng ngày càng nhiều. Nhìn nhận đánh giá của xã hội về những vấn đề này cũng ngày càng coi nhẹ hơn, gần như coi là chuyện bình thường. Nếu các định kiến xã hội (đạo đức, lối sống, giáo dục nề nếp gia đình) khắt khe hơn, phát luật nghiêm trị những tội hiếp dâm trẻ em hơn nữa chắc chắn những tội này sẽ giảm nhiều. Điều đó cho thấy cần thiết phải giáo dục giới tính, tình dục cho trẻ sớm hơn nữa. Cha mẹ phải dạy cho con mình phương pháp tình dục an toàn khi phát hiện ra trẻ có nhu cầu (tò mò về vấn đề tính dục) chứ không phải lấp liếm hoặc lảng tránh.
Theo chúng tôi, thì dậy thì sớm theo y học chỉ là vấn đề sinh lý mà có sớm thì kết thúc sớm, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ.
PV: Một số nhà nghiên cứu đánh giá người Việt đang bị thoái hóa gen với biểu hiện tăng mạnh loạn giới tính, giới tính thứ 3. Thưa tiến sĩ, liệu hai chứng bệnh này có liên quan đến nhau hay không và khả năng điều trị hai căn bệnh này tại Việt Nam như thế nào?
Tiến sĩ Trần Thanh Tú: Có thể khẳng định, “loạn giới tính” là một vấn đề đang gây tranh cãi. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu về những người đồng tính vì không thể lôi người đang sống ra mổ xẻ, xét nghiệm được. Có thể khẳng định, loạn giới tính hay giới tính thứ ba không thuộc phạm trù bệnh về thoái hóa gen. Theo tôi, vấn đề loạn giới tính thường được nhìn nhận, đánh giá nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống, môi trường sống cũng ảnh hưởng rất nhiều.
Một lần nữa cũng cần nhấn mạnh là sự thay đổi về nhìn nhận của xã hội đã góp phần công khai hóa các hiện tượng về loạn giới tính và giới tính thứ 3. Trước đây, nhiều người có là “gay”, lesbian cũng rất hiếm khi dám nhận, đến nay sự bùng nổ, công khai đến mức quá trớn (thường xuyên có chuyện “gay” trêu trọc, tán tỉnh đàn ông bình thường một cách trơ trẽn và thô thiển giữa nơi công cộng).
PV:Một số thói quen xấu của người Việt như lười vận động, ham chơi bời hưởng thụ đang được người lớn “áp đặt” vào trẻ em, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ý kiến của tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Trần Thanh Tú: Có thể nhìn nhận vấn đề này khách quan qua sự đánh giá của một người nước ngoài “không kể mùa đông, mùa hè, mỗi chiều các quán bia, quán nhậu luôn đông khách với đa số là đàn ông. Bố ngồi uống bia thì làm sao bảo con đi làm, đi học”. Rõ ràng, xã hội Việt Nam hiện nay chưa có một phong trào thể dục thể thao. Chi phí dành cho việc rèn luyện sức khỏe thường không được người Việt tính đến. Cha mẹ chính là những tấm gương cho con trẻ, có tác động lớn nhất đến trẻ trong suốt những năm phát triển của đời người. Chính sự lười biếng, ham hưởng thụ của người lớn đã vô tình áp đặt vào thế hệ kế tiếp. Mở rộng ra, hiện nay nhiều nơi đáng ra cần phải để làm sinh hoạt tập thể lại xuất hiện quá nhiều tệ nạn, thiếu an ninh trật tự. Vậy thì trẻ em làm gì có môi trường mà sinh hoạt, chơi thể thao.
Đặc biệt, đáng báo động về tình trạng sức khỏe trẻ em Việt Nam hiện đại là sức khỏe về tâm thần dẫn đến những hành động cực đoan. Đây là bệnh lý xuất hiện tại các nước mới phát triển và bắt đầu có sự manh nha tại Việt Nam: hiện tượng tự tử trong độ tuổi trẻ em. Nếu không tìm ra hướng giải quyết, giảm áp lực cho trẻ em như giảm tải học tập, tạo thêm nhiều môi trường cho trẻ được giải trí lành mạnh, vận động, thể thao… chắc chắn trẻ tự tử hàng loạt sẽ xuất hiện tại Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!
Trong số gần 10.500 trường hợp được khảo sát, công bố năm 2010 có tới 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống của mình, 73% đã trải qua cảm giác buồn chán và 7,5% có những hành động làm đau bản thân nhằm thoát khỏi tâm lý căng thẳng; thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi là nhóm có ý nghĩ tự tử cao nhất, nữ có ý nghĩ tự tử cao gấp 2 lần nam. |
Thành Công
-
Máy lọc nước nóng lạnh Karofi: Nâng tầm tiện nghi cho gia đình Việt
-
Người trẻ đua nhau làm việc tự do vào ban đêm: Năng động hay hại sức khỏe?
-
Khám bệnh và tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Bình
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
-
Long Châu nỗ lực từng ngày để hoàn thiện, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
- Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
- Tử vi ngày 27/10/2024: Tuổi Sửu nhận được tín nhiệm, tuổi Tuất khẳng định vị thế
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan