Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội trong thách thức
Chủ động ứng phó
Tháng 7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu), bao gồm: Trụ cột thứ nhất là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số (phân bổ lại quyền đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia giữa nơi đặt trụ sở chính và nơi hoạt động kinh doanh và phát sinh thu nhập).
Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ, ngành có liên quan đề xuất giải pháp chủ động ứng phó với tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu |
Trụ cột thứ hai, đặt ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế thu nhập.
Từ tháng 2/2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì các cuộc họp Tổ công tác đặc biệt với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu. Bộ Tài chính đã có Báo cáo số số 33/BC-BTC ngày 17/3/2023 và Báo cáo số 55/BC-BTC ngày 12/4/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về Thuế suất tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2).
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ, ngành có liên quan đề xuất giải pháp chủ động ứng phó với tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, cụ thể, bổ sung quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu gồm:
Thứ nhất, quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15% theo quy định QDMTT của OECD) để ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024) và áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Thứ hai, quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR), để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).
“Để hạn chế tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư”, Bộ Tài chính cho biết.
Cơ hội trong thách thức
GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhìn nhận, Việt Nam sẽ đứng trước một thách thức rất lớn là làm thế nào để bảo đảm vừa có lợi ích dân tộc, vừa đảm bảo lợi ích nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam thấy ở đây vẫn có thể tạo ra lợi nhuận và được hưởng một phần lợi nhuận đó.
Thuế tối thiểu toàn cầu chỉ đánh vào những tập đoàn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên, còn những tập đoàn có doanh thu thấp hơn sẽ không bị ảnh hưởng |
Khi thực thi thỏa thuận này, chúng ta sẽ tạo thêm nguồn thu đáng kể cho đất nước, ví dụ như Samsung hiện nay đóng thuế vào khoảng 5,9%, nếu áp dụng 15% thì họ sẽ phải nộp thêm 9% thuế. Nếu chúng ta có cơ chế nào đó đảm bảo lợi ích cho họ, thì sẽ tạo lên sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và quốc gia đầu tư.
Chính phủ Việt Nam hiện đang quan tâm rất lớn đến các dự án công nghệ tương lai, dự án công nghệ số, những dự án này cũng thu hút sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia từ Mỹ, châu Âu. Nếu chúng ta thực thi hiệp định này một cách tốt đẹp, phù hợp, cộng thêm các yếu tố trên thì Việt Nam sẽ trở thành một nước như các chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá là “điểm đến đầy hứa hẹn”.
“Thực tế, thuế tối thiểu toàn cầu chị đánh vào những tập đoàn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên, còn những tập đoàn có doanh thu thấp hơn sẽ không bị ảnh hưởng. Trong khi chúng ta có khoảng 100 tập đoàn lớn đầu tư, nhưng theo quan sát của tôi, chỉ khoảng 10 -15 tập đoàn chịu tác động bởi thuế tối thiểu toàn cầu và chịu tác động bởi sự thay đổi của luật pháp Việt Nam từ thuế tối thiểu toàn cầu.
Tôi cho rằng, đây là cơ hội nhiều hơn là thách thức, bởi vì các nhà đầu tư đang nhìn nhận chính phủ Việt Nam ứng xử thế nào với các tập đoàn đa quốc gia đang kinh doanh ở Việt Nam như Samsung, LG, Toyota, Intel... Hiện nay chúng ta có rất nhiều điều kiện để tạo nên một cơ chế mới và cơ chế đó không hoàn toàn phụ thuộc vào thuế như từ trước tới nay. Ví dụ chúng ta đang chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và coi trọng vào đầu tư nghiên cứu phát triển.
Đây là hướng mà tất cả các nước đều tiến đến để có thể chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, những ưu đãi này hoàn toàn có thể hỗ trợ bằng tài chính cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước để thực hiện. Điều đó sẽ bù đắp một phần họ mất đi do thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là chúng ta phải hiểu tâm lý của từng nhà đầu tư”, GS.TS. Nguyễn Mại phân tích.
Vị GS cũng giải thích thêm, Việt Nam có các nhà đầu tư châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nhà đầu tư châu Âu như Đức, Pháp hay nhà đầu tư từ Mỹ. Tâm lý của các nhà đầu tư này khi vào Việt Nam hoàn toàn khác nhau, vì vậy, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên lắng nghe, tham vấn ý kiến của họl thậm chí là bàn bạc với họ để thỏa thuận một cơ chế phân chia lợi ích cho thỏa đáng.
Việt Nam đã có 30 năm kinh nghiệm và đã tạo nên một nền tảng cơ hội để thu hút các nhà đầu tư kể cả những “đại bàng” lớn, thì vấn đề hiện nay chỉ là thực thi nhanh, công khai, minh bạch và chú ý đến lợi ích nhà đầu tư là điều quan trọng nhất.
Theo DĐDN
-
Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Thích ứng với “luật chơi” mới
-
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trước 13/7
-
Tín hiệu tích cực từ dòng vốn của doanh nghiệp FDI
-
Giải pháp ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu không ảnh hưởng vốn FDI
-
Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu