Ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, VCCI đề xuất giải pháp cứu doanh nghiệp
VCCI: Việc thực hiện các chủ trương của Thủ tướng chậm và thiếu nhất quán |
VCCI: Một nửa doanh nghiệp sẽ phá sản |
VCCI đề nghị mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế do Covid-19 |
Theo kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh; trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu; 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm; 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019; có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
Dịch bệnh đã làm nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động và làm suy giảm nền kinh tế. |
Trong bối cảnh như vậy, để ứng phó với dịch bệnh và duy trì sự tồn tại, VCCI cho hay hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo VCCI đây là nhiệm vụ kép của doanh nghiệp thời kỳ dịch bệnh.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, “nhiệm vụ kép” đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp. 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động.
Trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo lại nhân lực, 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động. Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm.
Ông Lộc nói: “Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt”.
Tuy nhiên, để thúc đẩy nền kinh tế cũng như vực dậy doanh nghiệp sau dịch bệnh, ông Lộc đề ra 8 giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn. Trong đó, giải pháp ngắn hạn có những điểm đáng chú ý. Ông Lộc cho rằng, trừ một số ngành, lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp như hiện nay.
Doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch bệnh vừa nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh. |
Đề nghị giãn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện dịch bệnh không thể vào Việt Nam để hoàn thành các thủ tục đúng thời gian theo yêu cầu quy định.
Về chính sách tài khóa, ông Lộc cũng đề nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội… Ông Lộc nói: “Trong khi chờ chính sách cụ thể vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng của các bộ ngành còn chậm, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng. Các chính sách này cần được áp dụng với hệ thống các ngân hàng thương mại vì các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp”.
Ngoài việc thực hiện giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí, ông Lộc cũng đề nghị có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này thuộc chức năng của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Ông Lộc kiến nghị: “Đề nghị giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Ngoài các giải pháp hiện hành như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí; doanh nghiệp đề nghị có mức giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau”.
Vì trên thực tế các ngân hàng thương mại đang áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều mức khác nhau nên ông Lộc cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ do trên thực tế các ngân hàng thương mại thực hiện khác nhau.
Các doanh nghiệp phải thực hiện tái cấu để chuẩn bị tăng tốc cho hậu dịch bệnh Covid-19 |
Về phía doanh nghiệp, ông Lộc cũng khuyến cáo phải thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp thời kỳ này. Bởi đây là lúc cần tập trung xem xét các điều kiện để đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại thị trường, tổ chức lao động để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh sau khi dịch bệnh kết thúc.
Bên cạnh đó, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp. Thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành. Đây là biện pháp có hiệu quả và có thể làm ngay để đối mặt với khó khăn về nguồn cung và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh…
Đối với các giải pháp dài hạn, ông Lộc nhận định, không chỉ trong đại dịch mà ngay cả thời hậu Covid-19, vấn đề lớn nhất sẽ là việc làm, Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo Covid-19 sẽ làm cho 25 triệu người mất việc. Nhiều tổ chức quốc tế còn đưa ra con số cao hơn thế. Việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh doanh sau Covid-19 sẽ làm sâu sắc thêm xu hướng này.
Xu hướng chuyển đổi số và robot hóa chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn. Giao dịch trực tuyến và kinh tế điện tử sẽ lên ngôi. Thị trường nội địa và mạng sản xuất nội bộ các nền kinh tế sẽ được xem trọng. Thương mại và đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều - luồng vốn đầu tư của các nền kinh tế phát triển có xu hướng quay lại về chính quốc. Đầu tư quốc tế sẽ phi tập trung hơn để phân tán rủi ro. Vì vậy hội nhập vẫn là một xu hướng quan trọng đối với doanh nghiệp.
Ông Lộc nói: “Nhưng chắc chắn hội nhập sẽ được điều chỉnh lại với tinh thần không chỉ thúc đẩy tự do mà còn cần hài hòa hơn và công bằng hơn. Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có”.
Ông phân tích, Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn mới có chất lượng cao hơn trong một chiến lược đầu tư phi tập trung, đa phương hóa nguồn cung ứng để tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Sẵn có lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, có quy mô thị trường và nguồn lực nhưng để tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam phải đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để đón nhận dòng vốn đầu tư mới.
Ông Lộc cũng đặt vấn đề, doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các DNNVV, 5 triệu hộ kinh doanh, xét về bản chất kinh tế, cũng chính là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của nền kinh tế. Làm sao nâng cao năng lực của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong thời kỳ Covid-19 và vương lên trong thời kỳ hậu Covid đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho doanh nghiệp lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở tương lai.
Tú Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Tránh gây "sốc" cho thị trường
-
VCCI đề xuất bỏ giá trần, cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau