VCCI: Việc thực hiện các chủ trương của Thủ tướng chậm và thiếu nhất quán
Vận động “Người Việt Nam dung hàng Việt Nam”
Đây là Hội nghị đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Tại Hội nghị, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, một trong những đối tượng quan trọng nhất được hỗ trợ mùa dịch, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam nhận định: “So sánh thì có thể còn khập khiễng, nhưng cảm giác chung là, trên trận tuyến chống đỡ dịch bệnh, thì chúng ta có thể yên tâm, nhưng trong hỗ trợ doanh nghiệp thì chúng ta không thể không quan ngại. Quan ngại vì việc thực hiện các chủ trương chính sách mà trực tiếp là Chỉ thị 11, 16 của Thủ tướng còn chậm và thiếu nhất quán”.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng việc thực hiện các chủ trương của Thủ tướng chậm và thiếu nhất quán trong mùa dịch |
Cụ thể theo ông Lộc, thể hiện rõ nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp chưa được triển khai quyết liệt, khẩn trương, rốt ráo như chống dịch và có hiện tượng mỗi địa phương làm một kiểu.
Bởi vậy, ông Lộc phát biểu VCCI muốn đề nghị với Thủ tướng chỉ đạo các địa phương rà xét, dỡ bỏ ngay các quy định bất hợp lý của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh (trừ những ngành, những lĩnh vực rất hạn chế phải ngừng hoạt động do yêu cầu chống dịch như hàng không, nhà hàng, du lịch...) bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ.
uan điểm của VCCI là trong bối cảnh khó khăn trăm bề như hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp đều phải giảm quy mô sản xuất, hay đóng cửa ngừng hoạt động thì doanh nghiệp nào còn có thị trường, có nguyên liệu để có thể duy trì được sản xuất kinh doanh cần được rất trân quý và tạo điều kiện thuận lợi cho họ với điều kiện họ phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ông Lộc phân tích: “Bởi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là quyết định tăng trưởng, nguồn thu ngân sách, là công ăn việc làm và là nguồn bảo đảm an sinh, xã hội”.
Đây cũng là tư duy để chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”- kinh doanh trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.
Nhưng để đảm bảo được yêu cầu này, VCCI đề nghị Chính phủ ban hành ngay danh mục các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu và các sản phẩm dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi giá trị, để có phương án chủ động bảo đảm sản xuất cung ứng các mặt hàng này được thông suốt phục vụ đời sống nhân dân và các yêu cầu của xã hội ngay cả trong trường hợp chúng ta phải siết chặt thêm các biện pháp cách ly hay phong tỏa.
“Đây là lúc đẩy nhanh cải cách thể chế, thủ tục hành chính và khai thị trường. Nhưng muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải coi việc thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường nhà mình là quan trọng. Quy mô của một thị trường gần 100 triệu dân với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tiến trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh, tầng lớp trung lưu bùng nổ, chính là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc phân tích.
Đặc biệt, khi doanh nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ, thì việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho doanh nghiệp Việt. Ông Lộc cho rằng nên có những tháng cao điểm phát động phong trào này.
Hỗ trợ chứ không phải cứu tế
Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện đang hướng đến mục tiêu trọng tâm là “trợ giúp” chứ chưa cần “giải cứu” cho doanh nghiệp. Chủ yếu là các biện pháp giúp doanh nghiệp hạ được giá thành, cải thiện khả năng thanh khoản, để có thể cầm cự hay “ngủ đông”. Theo ông Lộc, hai công cụ quan trọng nhất của Chính phủ vẫn là chính sách tài khóa và chính sách tín dụng. Các biện pháp khác đóng vai trò bổ trợ.
Dịch bệnh kéo dài là dịp sàng lọc doanh nghiệp một cách tự nhiên và khắc nghiệt |
Tuy nhiên, khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các doanh nghiệp bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên, thì kịch bản “giải cứu” sẽ được triển khai.
Lúc đó, Ông Lộc nói: “Trọng tâm chính sách là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu của nhà nước, thậm chí nhà nước có thể mua lại nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, để tránh đổ vỡ dây chuyền. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng ưu tiên của chính sách, nhưng việc giải cứu các tập đoàn lớn cũng là việc cần làm”.
Tăng đầu tư công vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng những cơ sở hạ tầng của tương lai như công nghệ thông tin, viễn thông và chuyển đổi số… là hướng đi quan trọng vừa để kích cầu vừa tạo lập nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Phải thẳng thắn, bất kể tình hình dịch bệnh có diễn biến thế nào, thì trong cuộc chiến này, sẽ có một bộ phận lớn doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường. Đó là sự sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt.
Vì vậy, định hướng chính sách theo ông Lộc cũng cần lưu ý tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh. Hỗ trợ là hỗ trợ phát triển, chứ không phải hoạt động cứu tế cho những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh. Các ngân hàng thương mại tự mình có thể phân loại và xác định khá chính xác các đối tượng này để định hướng phân bổ nguồn tín dụng. Chính sách trợ giúp thông qua tài khóa thì có thể khó khăn hơn.
Cho nên sự phối hợp giữa các định chế tài chính và tín dụng là việc quan trọng nên làm trong cả giai đoạn “trợ giúp” và “giải cứu” cho nền kinh tế để có thể tạo ra tác động cộng hưởng.
PV
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Tránh gây "sốc" cho thị trường
-
VCCI đề xuất bỏ giá trần, cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau