Anh, Đức bỏ cuộc, Mỹ và Pháp vẫn muốn đánh Syria
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước Quốc hội, tối ngày 29/8
Tối 29/9, với 285 phiếu chống và 272 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã bác bỏ kiến nghị của Thủ tuớng David Cameron về việc can thiệp quân sự vào Syria. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, người đứng đầu chính phủ Anh tuyên bố tôn trọng ý nguyện của Quốc hội. Cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Anh diễn ra, sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp trong vòng có 45 phút, thảo luận về tình hình Syria và không ra được một quyết định nào.
Mấy hôm trước ông David Cameron hùng hổ tuyên bố sẽ cùng với Mỹ và Pháp đánh Syria mà không cần LHQ thông qua. Nhưng để tham chiến, ông phải được quốc hội đèn xanh. Tối 29/8, sau 10 giờ tranh luận, Thủ tướng Anh chỉ yêu cầu quốc hội biểu quyết nghị quyết can thiệp vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra. Thủ tướng Anh bị thua 13 phiếu. Phe đối lập được hàng chục dân biểu bảo thủ bác bỏ yêu cầu của thủ tướng Anh. Tất cả đều nhớ đến cuộc chiến tranh can thiệp vào Iraq tiêu diệt vũ khí hóa học… không có thật. Các dân biểu chống can thiệp còn dựa vào kết quả thăm dò ý kiến dân chúng: 3/4 người Anh không đồng ý tham gia chiến tranh vì những nạn nhân Syria bị sát hại vì hơi ngạt.
Thủ tướng David Cameron bị mất mặt. Đây là lần đầu tiên từ nửa thế kỷ nay, quốc hội Anh từ chối ủng hộ chính phủ động binh tham chiến.
Khi biết được kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, Thủ tướng Anh David tuyên bố: “Rõ ràng là Quốc hội không muốn có một cuộc can thiệp quân sự của Anh. Tôi ghi nhận và chính phủ sẽ hành động theo hướng này”. Ông nhấn mạnh là rất tôn trọng ý nguyện của Quốc hội.
Các chuyên gia vũ khí hóa học Liên Hiệp Quốc đang cầm mẫu thử nghiệm tại khu ngoại ô Ain Tarma ở thủ đô Damas
Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde phát hành chiều 30/8, Tổng thống Pháp François Hollande cho biết sự kiện Luân Đôn không tham gia vào chiến dịch Syria không làm thay đổi lập trường của Pháp.
Với chủ trương phải trừng phạt quân sự chế độ Damas, Tổng thống Pháp tuyên bố là cần phải có “hành động cứng rắn và tương xứng” chống chính quyền al Assad.
Tổng thống François Hollande không loại trừ khả năng các cuộc oanh kích sẽ diễn ra trước ngày thứ tư tuần tới 4/9/2013, ngày quốc hội Pháp họp phiên bất thường để thảo luận về tình hình Syria.
Theo AFP, hiện nay mọi người đang chờ kết quả điều tra của chuyên gia Liên Hiệp Quốc. Hôm 30/8 là ngày cuối cùng phái bộ điều tra đi tìm bằng chứng sau vụ tấn công bằng hơi ngạt hôm 21/8 làm 130 thường dân thiệt mạng. Phái bộ sẽ đến bệnh viện quân đội Mazzé, một trong ba nơi chăm sóc nạn nhân. Phái đoàn chuyên gia sẽ rời Syria vào hôm nay 31/8 để tường trình với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon.
Tại Washington, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, bà Caitlyn Hayden tuyên bố “Mỹ tiếp tục tham khảo đồng minh Luân Đôn” và tổng thống Mỹ sẽ lấy quyết định “được hướng dẫn vì lợi ích của nước Mỹ”.
Chính phủ Đức đã lên tiếng từ chối tham gia liên minh quân sự đánh Syria. Hôm 27/8, Ngoại trưởng Ý Emma Bonito nói với Quốc hội rằng Chính phủ Ý sẽ không tham gia hành động quân sự tấn công Syria, trừ khi được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ngụ ý rằng nước này sẽ không tham gia can thiệp quân sự vào Syria nhưng ngoại trưởng Radoslow Sikorski tuyên bố là Matxcơva có “cùng trách nhiệm với Damas” về việc quản lý kho vũ khí hóa học, do Liên Xô cung cấp và với kỹ thuật của Liên Xô.
Trước tình hình này, theo lời đại diện của chính quyền Mỹ, Nhà Trắng đã sẵn sàng đơn độc tấn công Syria, nếu như họ quyết định hành động. Hiện tại vẫn chưa có quyết định như vậy.
Nh.Thạch
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí