An toàn thực phẩm tết càng “nóng”
Một tháng 900 vụ vi phạm
Theo Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội (PC49), chỉ trong tháng 12-2015, các đội nghiệp vụ thuộc phòng phối hợp với các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã khám phá gần 900 vụ vi phạm về môi trường nói chung, trong đó riêng ATTP có tới 436 vụ với các vi phạm kinh doanh thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, rau bẩn “phù phép” thành rau sạch đưa vào siêu thị…
Số thịt trâu thối biến thành thịt bò được cơ quan chức năng phát hiện |
Điển hình như ngày 5-12-2015, Đội 4, PC49 đã cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kiểm tra, phát hiện 4 đối tượng dùng ôtô, xe máy vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc, thịt lợn bệnh đến các chợ ở Hà Nội để tiêu thụ. Trong đó có Hoàng Văn Chí, (lái xe ôtô biển kiểm soát 89D-001.35), Nguyễn Khắc Sáng (điều khiển xe ôtô số 89D-002.24) đều ở Hưng Yên, đều chở lợn chết, lợn ốm mua ở Hưng Yên rồi mang về Hà Nội bán kiếm lời.
Trước cơ quan công an Chí khai, do nhu cầu tiêu thụ ở Hà Nội lớn, đồng thời khả năng nhận biết thịt lợn sạch hoặc ốm của người dân ở đây không tinh như người nông dân trực tiếp chăn nuôi ở vùng quê, do đó Chí đã mua lợn không bảo đảm ATTP ở đây rồi mang về Hà Nội tiêu thụ. Tương tự, Nguyễn Khắc Sáng cũng làm vậy với lý do không những bán được về số lượng mà ở Hà Nội thịt lợn chết, ốm vẫn bán “được giá” hơn do “tiếng thơm” là lợn quê! Khắc đã chở gần 500kg thịt lợn “tươi” để bán… đầu độc người dân Hà Nội.
Ngày 14-12-2015, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cùng PC49 cũng đã phát hiện kho hàng của Công ty CP Kinh doanh và Chế biến thực phẩm Hà Nội chứa một lượng lớn nội tạng động vật gồm tim lợn, mề gà, chân gà… nhập khẩu đã hết hạn sử dụng tới 5 tháng. Theo bao bì của sản phẩm thì số thực phẩm này được nhập khẩu từ Trung Quốc, Brazil, có trọng lượng gần 850kg, trong đó 60kg tim lợn, 324kg mề gà, 450kg chân gà và sẽ được bán ra thị trường cho các nhà hàng, quán ăn. Cơ quan hữu trách đã buộc doanh nghiệp này phải tiêu hủy số nội tạng trên và xử phạt hành chính 24 triệu đồng.
Vẫn tại Hà Nội những ngày cuối năm, các cơ sở sản xuất mứt tại phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội đã làm người tiêu dùng ớn lạnh khi sản xuất món mứt vốn vẫn được người Hà Nội ưa thích là mứt quất, chanh với quy trình không thể bẩn hơn. Họ phơi chanh, quất ngay ở bãi chăn thả gia súc, gia cầm, thậm chí ngay cả khu gần nghĩa địa. Đáng ngại hơn, tại khu đất này, họ đào hố sâu khoảng 3m để chôn ủ nguyên liệu. Chưa kể đến nguyên liệu đó không ít là chanh, quất thối. Vì chỉ cần mở tấm nilon phủ trên hố ủ chanh quất, mùi hôi, mốc bốc lên nồng nặc. Một người dân ở đây cho biết, thông thường chanh, quất được mua tại vườn rồi mang về đổ luôn xuống hố ủ mà không cần làm sạch. Sau thời gian ủ thì đến công đoạn phơi nắng rồi bán cho các cơ sở chế biến mứt, ô mai… Dịp tết đến các loại mứt, ô mai này đều được dán nhãn “ô mai sạch” hoặc “mứt sạch”.
“Biến” thịt trâu thối thành thịt bò tươi
Tại TP Hồ Chí Minh, sáng 7-1-2015, PC49, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú y huyện Hóc Môn đã tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh thịt gia súc ở địa chỉ số 5/4 ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh do bà Nguyễn Thị Thạnh làm chủ. Ngay tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 3 tấn thịt trâu đã bốc mùi, nghi vấn có nguồn gốc Ấn Độ chứa trong 74 thùng carton được dán kín. Số thịt trâu này được cơ sở “biến” thành thịt bò bằng cách ngâm hóa chất tẩy màu rồi mang đi tiêu thụ. Hóa chất nói trên, bà Thạnh khai với cơ quan công an mua ngoài chợ Lớn với giá 20.000 đồng/kg. Tại thời điểm kiểm tra, bà Thạnh có khoảng 50kg hóa chất dạng bột màu trắng nghi của Trung Quốc cùng với 5 tạ thịt trâu nữa đang trong quá trình rã đông để chuẩn bị ướp hóa chất hóa phép thành thịt bò rồi bán ra thị trường dịp tết Nguyên đán.
Theo bà Thạnh, cơ sở của bà đã hành nghề này 3 năm nay.
Cũng trong ngày 7-1-2015, Đội 4, PC49, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng quận Bình Tân tiến hành kiểm tra 3 cơ sở sản xuất mứt tết là cơ sở Kim Hoa, Trường Thọ và một cơ sở không đăng ký tên. Tất cả các cơ sở này đều nằm trên địa bàn phường Bình Trị Đông, phường An Lạc. Sau khi kiểm tra, kết quả là cơ quan chức năng được tận mắt chứng kiến các cơ sở dùng hóa chất, vôi công nghiệp và phẩm màu không rõ ràng để sản xuất mứt Tết. Tại cơ sở sản xuất bánh mứt Kim Hoa, hàng trăm thùng phi chứa hóa chất đang được dùng ngâm tẩm các loại nguyên liệu làm mứt như khoai lang, gừng, bí…
Theo đoàn kiểm tra, hóa chất được dùng ngâm tẩm này chính là chất Sodium Hydrosulfite và vôi công nghiệp nhằm tẩy trắng và giúp mứt săn chắc khi chế biến.
Tương tự, hai cơ sở sản xuất mứt tết còn lại cũng sản xuất mứt tết theo “bí quyết” như vậy. Hiện các cơ quan chức năng đang thu giữ các hóa chất và lấy mẫu mứt đi xét nghiệm phục vụ cho công tác điều tra.
Liên ngành vào cuộc
Trước tình trạng tràn lan thực phẩm như trên đồng thời để hạn chế thực phẩm “bẩn” có cơ hội lưu thông trên thị trường dịp tết Bính thân, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, từ tháng 12-2015, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành thanh, kiểm tra 12 tỉnh, thành trọng điểm. Trong đó chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, quả, mứt, kẹo… và đặc biệt là vận chuyển thực phẩm bẩn.
Theo ông Phong khi phát hiện cơ sở vi phạm trong đợt kiểm tra này hoặc các đợt thanh kiểm tra nói chung sẽ xử lý nghiêm khắc như đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy phép kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Đồng thời công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng. Ông Phong khẳng định, mục tiêu của Cục ATTP là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp tết năm nay; thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường và tăng số cơ sở được thanh tra kiểm tra hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đợt thanh kiểm tra dịp tết này, ông Phong cho hay sẽ kéo dài đến hết tháng 3-2016.
Thực ra, so với những năm trước, giải pháp quyết thực phẩm bẩn năm nay vẫn không có gì “đột phá” ngoài công tác thanh kiểm tra xuống tận cấp xã, phường theo phương châm bám sát cơ sở. Thế nhưng theo các nhà quản lý, vấn đề này không thể “dẹp” được ngay mà cần có thời gian vừa thực hiện vừa điều chỉnh, bổ sung những gì bất hợp lý để tăng dần hiệu quả quản lý. Đối với nhiều nước thì ATTP cũng là vấn đề “nóng” chưa giải quyết được triệt để. Và phải nhìn nhận một cách khách quan thì thời gian qua, ATTP đang có dấu hiệu chuyển biến tốt hơn. Hy vọng dịp tết này cũng mang dấu hiệu khả quan như vậy.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương ATTP: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và địa phương tổ chức điều tra, phát hiện và đấu tranh với hành vi kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép, không bảo đảm ATTP; kiểm soát ngộ độc thực phẩm... Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP tại các chợ, siêu thị; có giải pháp mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn. Đồng thời giám sát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu qua biên giới, tập trung vào 6 tỉnh biên giới trọng điểm về nhập khẩu thực phẩm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ tái kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản xếp loại C, xử lý dứt điểm các cơ sở tái xếp loại C và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng… |
Xuân Bách
Năng lượng Mới 490
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng