Ấn Độ của Thủ tướng Modi
Năng lượng Mới số 388
Chiến thắng của Đảng nhân dân Ấn Độ (BJP) trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2014, chính là sự minh họa rõ nét cho 3 khuynh hướng có liên hệ gắn kết với nhau định hình trên chính trường Ấn Độ từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Đầu tiên là sự hình thành và phát triển của chính sách kinh tế tự do kiểu mới. Thứ hai là việc củng cố các quan điểm chính trị của chủ nghĩa dân tộc Hinđu, vốn có xu hướng phân biệt đối xử với người Hồi giáo (cộng đồng thiểu số có số lượng lớn nhất tại Ấn Độ, khoảng gần 15% dân số). Cuối cùng là đặc tính tập trung quyền uy của một nhà nước như Ấn Độ. Thể hiện rõ rệt nhất cho 3 khuynh hướng trên chính là đương kim Thủ tướng Narendra Modi. Người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ xuất thân từ tổ chức “Liên minh phục vụ tình nguyện cho Tổ quốc” (Rashtriya Swayamsevak Sangh - RSS) - được coi là hạt nhân của tập hợp đông đảo các nhóm chính trị theo đường lối dân tộc chủ nghĩa của Ấn Độ.
Thủ tướng Narendra Modi đang được đánh giá là một chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa kiên quyết
Để có thể đánh giá triển vọng của chính phủ mới tại Ấn Độ, trước tiên phải hiểu rõ được hệ thống quan điểm của chính thủ tướng và lực lượng chính trị mà ông đang đại diện. BJP cũng như RSS thực chất là một phong trào cánh hữu có chương trình hành động cấp tiến. Bản thân Modi đã rút ra được không ít bài học từ thời gian cầm quyền suốt 15 năm (2001-2014) tại bang Gujarat. Trong con mắt của nhiều công dân, ông vẫn được coi là người có lỗi tại một trong những vụ thảm sát người hồi giáo kinh hoàng nhất năm 2002, khi không kịp thời đưa ra bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào. Hậu quả của vụ việc trên đã làm hơn 2.000 người thiệt mạng, 130 ngàn người khác buộc phải rời bỏ nơi cư trú để chạy nạn.
Dường như chịu ảnh hưởng từ sự cố trên, Modi đang cố gắng tập trung quyền lực một cách tối đa ngay cả trong nội bộ đảng cũng như nội các của mình - cho ra rìa một loạt các thủ lĩnh trước đây của BJP (kể cả cựu Phó thủ tướng Lala Krishna Advani), tập hợp nội các gồm các chính trị gia không thể hiện xu hướng muốn độc lập tự chủ. Modi rất không ưa bị đặt những câu hỏi hóc búa. Trên thực tế, ông luôn gạt bỏ bất kỳ cuộc tiếp xúc nào không được lên kế hoạch trước với giới truyền thông, bắt các thành viên nội các không có những phát biểu lệch với quan điểm chính thức. Tư tưởng “giao tiếp một chiều” của Modi thể hiện ở chỗ ông có thói quen tiếp xúc với các nhà báo chỉ trong một số tình huống cần thiết, thay vì những cuộc họp báo hay gặp gỡ thường niên. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua hay những lần xuất hiện quan trọng của Modi, chỉ những người ủng hộ thủ tướng mới được tạo điều kiện dễ dàng được vào.
Liên quan đến chính sách của chính phủ mới, Modi tuyên bố về một chiến lược dài hạn, dự kiến chỉ có thể hiện thực hóa sau khi ông trúng cử nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Chính phủ của ông không sẵn sàng giải quyết ngay những yêu cầu từ lâu nay của cộng đồng Hinđu ủng hộ mình, thay vào đó chuẩn bị nền tảng cần thiết cho các cải cách dù sớm hay muộn cũng sẽ được triển khai. Cần nhớ là một trong những yêu cầu trên chính là phải thay thế quyền cá nhân của người Hồi giáo bằng đạo luật công dân nói chung - vốn được cộng đồng Hinđu coi là sự xúc phạm với quyền lợi của mình. Xu hướng “thống nhất hóa” tương tự cũng thể hiện ở nỗ lực nhằm loại bỏ điều khoản 370 của hiến pháp bảo đảm quyền tự trị cho tỉnh Kashmir.
Chiến lược của Modi ở đây là rất rõ ràng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên là đặt nền móng chuẩn bị cho việc giải quyết những vấn đề của cộng đồng người Hinđu, duy trì một môi trường tương đối ổn định trong xã hội, dù đó vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng gia tăng giữa hai cộng đồng Hinđu và Hồi giáo tại các khu vực nông thôn. Chính phủ mới đồng thời tiếp tục “cài cắm” một mạng lưới cán bộ trung thành với mình ở khắp mọi nơi có thể.
Modi vẫn được coi là người có lỗi trong vụ thảm sát người Hồi giáo năm 2002 ở bang Gujarat
Trọng tâm còn lại trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Modi chính là kinh tế và đối ngoại. Cốt lõi của nó là chính sách kinh tế mới theo đường lối tự do, vốn được hy vọng là chìa khóa của sự phát triển, đảm bảo một nhịp độ tăng trưởng cao và bền vững. Chính sách này ban đầu hy vọng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của 20-25% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, dù không chiếm đa số nhưng có ảnh hưởng và vai trò đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng kinh tế và số lượng những việc làm mới, theo ý kiến của Modi, trước hết phụ thuộc vào việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất từ phía cộng đồng doanh nhân cỡ lớn và vừa của cả Ấn độ và nước ngoài. Chính phủ sẵn sàng đơn giản hóa thủ tục để các công ty tiếp cận các nguồn tài nguyên, dù điều này có thể gây ra những hậu quả không hay đối với môi trường. Tiếp đó là những cải cách đảm bảo tính linh hoạt hơn của thị trường lao động, đơn giản hóa các thủ tục thuê mướn, sa thải nhân công. Bên cạnh đó, công nghiệp năng lượng cũng được đẩy mạnh, không chỉ tập trung vào năng lượng mặt trời mà còn cả năng lượng hạt nhân. Hiện cả Ấn Độ, Nga và Trung Quốc đang ráo riết triển khai nhiều kế hoạch qui mô trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Về đối ngoại, Modi đã lựa chọn ghé thăm Nhật và sau đó là Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị thủ tướng của mình. Mục tiêu chính của chuyến đi là làm sâu sắc hơn nữa những mối quan hệ đối tác chiến lược làm đối trọng với thế lực mới nổi của Trung Quốc tại châu Á, nhắm Israel và Mỹ thay thế dần cho Nga với tư cách những nhà cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại. Cho dù Delhi vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Nga, nhưng trên thực tế việc hợp tác về quân sự Ấn Độ - Mỹ đã vượt qua qui mô hợp tác Liên Xô - Ấn Độ hồi Chiến tranh lạnh. Modi vốn không ưa chính sách “trỗi dậy” của Bắc Kinh nhưng vẫn duy trì mối quan hệ với chính quyền Tập Cận Bình, tập trung vào việc mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư. Dù thế nào, việc củng cố hợp tác với Mỹ vẫn sẽ là ưu tiên trong chính sách quốc tế của Ấn Độ, bất chấp việc Delhi không có ý định “thuần phục” Washington như các đồng minh trung thành truyền thống khác.
Nhìn chung, chính quyền Modi vẫn đang phải đương đầu với nhiều thách thức lớn phía trước. Đầu tiên là chính sách của ông vẫn chưa thể giải quyết được những vấn đề kinh tế xã hội sâu xa của Ấn Độ. Chính sách kinh tế mới theo đường lối tự do còn chưa thể đảm bảo đủ số việc làm, chưa nói tới mức lương xứng đáng cho người dân, trong khi tình trạng bất bình đẳng về thu nhập vẫn tiếp tục tăng. Đã bắt đầu xuất hiện nhiều chỉ trích về tình trạng “xói mòn” dân chủ, khi mọi ý kiến bất đồng đều có thể bị giới báo chí thân chính phủ qui kết là chống chính quyền và nhân dân, gây lo ngại đối với các lực lượng thiểu số về tôn giáo như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Nói tóm lại, nguy cơ bất ổn về chính trị vẫn đang tiềm ẩn đối với chính quyền Modi dù các đảng phái đối lập hiện vẫn đang lâm vào khủng hoảng. Vấn đề là Modi phải biết tận dụng “khoảng lặng” này để tranh thủ đẩy nhanh các cải cách kinh tế và củng cố quyền lực chính trị của mình thế nào để thực hiện tham vọng đưa Ấn Độ trở thành một thế lực mới tại châu Á cũng như trên thế giới, trước khi làn sóng chống đối có thể bùng phát quyết liệt hơn.
Hồng Sơn (tổng hợp)
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng